Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy rất nhiều báo cáo về những hành vi kỳ lạ và đau lòng trên khắp vương quốc động vật, khi người thân hoặc bạn đồng hành của một con vật chết. Những hành vi này đặt ra một câu hỏi hấp dẫn: Động vật có biết đau buồn như con người hay không?
Nằm sâu trong một khu rừng nhiệt đới ở Tanzania vào năm 1972, một con tinh tinh già nua nổi tiếng tên là Flo đã trút hơi thở cuối cùng. Đối với con trai của nó [mang tên Flint], đây là một mất mát không thể nguôi ngoai. Flint đột nhiên trở nên bơ phờ, chán ăn và ngày càng trở nên bị cô lập với những cá thể còn lại trong đàn tinh tinh.
Một con voi trưởng thành đang bày tỏ sự thương tiếc với một thành viên trong gia đình đã chết tại Vườn quốc gia Serengeti ở Tanzania. Ảnh: StuPorts
“Flint hiếm khi ăn và khối lượng giảm hơn một phần ba sau ba tuần”, Jane Goodall, nhà linh trưởng học nổi tiếng người Anh, cho biết. “Cuối cùng, Flint đã qua đời chỉ một tháng sau cái chết của tinh tinh mẹ”.
Vậy động vật có biết đau buồn như con người hay không?
Cách đây không lâu, vấn đề trên có thể được xem là một câu hỏi phi khoa học. Nhưng ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu khám phá ý tưởng này, và công việc của họ thuộc một lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn gọi là tử vong học tiến hóa (evolutionary thanatology) – nghiên cứu về cái chết và các nghi lễ liên quan.
Lĩnh vực này ngày càng bao gồm những nghiên cứu về các hành vi vượt ra ngoài phạm vi con người, chẳng hạn như trường hợp một con tinh tinh cái (Pan troglodytes) ở Zambia. Trong một nghi thức tang lễ kỳ lạ, nó đã sử dụng một cọng cỏ để làm sạch từng kẽ răng cho đứa con nuôi vừa qua đời, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports vào năm 2017. Hoặc câu chuyện về một con hươu cao cổ Kenya đứng canh xác đứa con đã chết ngay cả khi nó đã bị đàn linh cẩu tấn công.
Tương tự vào năm 2018, nhiều người đã xúc động về câu chuyện liên quan đến một con cá voi sát thủ ở biển Salish, ngoài khơi Canada. Nó đã đẩy xác đứa con đi cùng mình trên khắp đại dương trong suốt 17 ngày, vượt qua quãng đường 1.600 km trước khi chịu buông bỏ thi thể của con.
Voi châu Phi (Loxodonta africana) thường di chuyển quanh xương hàm của những thành viên thân thiết đã chết. Chúng tụ tập trong im lặng suốt một thời gian dài, đầu cúi xuống và phần thân nặng nề nằm yên tĩnh trên mặt đất.
Điều này không chỉ xảy ra ở động vật hoang dã mà ngay cả những loài đã được thuần hóa. Stefania Uccheddu, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm và Phòng khám Thú y San Marco (Ý), từng tiến hành điều trị cho một con chó mắc bệnh biếng ăn vài năm trước. “Các đồng nghiệp của tôi đã lấy mẫu máu, kiểm tra tim nhưng mọi thứ đều ổn. Không hiểu vì lý do gì con chó không chịu ăn nữa và chơi cũng ít hơn. Điều khác biệt duy nhất là anh trai của con vật đã chết trước đó một tuần”, Uccheddu nói.
Giải mã sự đau buồn của động vật
Nhiều người cho rằng để cảm thấy đau buồn, trước tiên một cá nhân phải có khả năng hiểu khái niệm về cái chết và mối quan hệ của họ với sự kiện này – một điều khó chứng minh ở động vật.
Một cách khác để nhìn nhận sự đau buồn ở động vật, đó là quá trình chúng cố gắng hiểu về sự mất mát. Do đó, chúng ta có thể quan sát cách thức chúng phản ứng với một xác chết bất động. Đôi khi những hành vi này có thể được gán cho nhiều thứ khác, chẳng hạn như cảm giác tò mò, bối rối, căng thẳng hoặc sợ hãi, thay vì cảm giác đau buồn. Đây là trường hợp đặc biệt ở những loài động vật phản ứng với cái chết kỳ lạ hơn một chút.
Lấy quạ làm ví dụ. Mặc dù hành vi liên quan đến cái chết chỉ thường biểu hiện ở các loài động vật có vú do chúng hình thành mối liên kết chặt chẽ với nhau, tuy nhiên những con quạ là trường hợp ngoại lệ với “đám tang quạ” nổi tiếng. Trong những sự kiện này, đàn quạ (Corvus brachyrhynchos) tụ tập xung quanh xác của con quạ chết. Chúng phát ra tiếng kêu ồn ào trong khi kiểm tra xác chết, đôi khi tấn công và thậm chí cố gắng giao phối với xác chết. Một số nhà nghiên cứu cho rằng cái chết của một cá thể đồng loại có thể tạo cơ hội cho những con quạ khác làm quen với khái niệm về rủi ro và mối đe dọa từ trải nghiệm này.
Trong khi đó, người ta cũng quan sát thấy những con voi châu Á chôn xác đồng loại của chúng trong bùn, hoặc phủ lên thi thể bằng cành cây và lá cây. Thay vì là dấu hiệu của sự thương tiếc, đây có thể là một nỗ lực cần thiết để ngăn xác chết thu hút những kẻ săn mồi. Tương tự như vậy, những con voi tập trung quanh một xác chết giống như đang để tang, nhưng chúng cũng đánh hơi và chạm vào xác. Liệu chúng đang cảm thấy đau buồn do mất đi người thân hay đơn giản chỉ là đang điều tra nguyên nhân cái chết?
“Chúng tôi không thể xác định chính xác những con voi đang thực sự tò mò hay đang đau buồn. Rất khó để giải mã”, Nachiketh Sharma, nhà sinh học tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) cho biết.
Ngay cả ở con người, không có bộ quy tắc chung nào để diễn tả sự đau buồn. Nó thể hiện trong một loạt các hành vi và cảm xúc rộng lớn, đa dạng. Vậy ai có thể khẳng định rằng tò mò, sợ hãi và học hỏi không phải là những bước khởi đầu trong quá trình cảm nhận cảm giác đau buồn ở động vật?
Những quan điểm lộn xộn và mâu thuẫn này có lẽ đã thúc đẩy nhà nhân chủng học Barbara J. King đưa ra định nghĩa của riêng mình về sự đau buồn của động vật. Trong cuốn sách có tựa đề “How Animals Grieve” (Động vật đau buồn như thế nào) được xuất bản vào năm 2013, King cho rằng chúng ta có thể định nghĩa nỗi đau buồn của động vật thông qua việc chúng thay đổi các chức năng thiết yếu như thói quen ăn uống, ngủ và giao tiếp, do cái chết của đồng loại gây ra. Nếu theo định nghĩa này, vô số động vật trong tự nhiên đều có khả năng trải nghiệm cảm xúc đau buồn.
Có lẽ chúng ta cần thu thập thêm nhiều dữ liệu trước khi đi đến kết luận cuối cùng. Ví dụ, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang giúp các nhà nghiên cứu theo dõi phản ứng của chó đối với các sự kiện trong cuộc sống. Việc đo lường sự thay đổi các hormone quan trọng như oxytocin (đóng vai trò trong việc xây dựng mối liên kết xã hội) cũng có thể giúp chúng ta hiểu chính xác hơn về trạng thái bên trong của một con vật sau khi nó trải qua cái chết của một người bạn đồng hành. Những kết quả này sẽ giúp chúng ta có góc nhìn mới về nhận thức và cảm xúc của động vật.
“Trừ khi các nhà nghiên cứu tìm ra cách nói chuyện với các loài động vật khác, không có cách nào để biết được cảm giác của chúng một cách khách quan”, Sharma nói. “Chỉ một con voi mới có thể nói rằng nó đang đau buồn hay không”.
Việc thừa nhận các loài động vật trải qua những cảm xúc giống như đau buồn khi người thân qua đời có thể mang lại những tác động phúc lợi rất lớn. Nó khiến chúng ta đối xử tốt hơn với vật nuôi và chăm sóc động vật trong vườn thú tốt hơn.
Theo Live Science