Đất nước Nhật Bản kỳ lạ và thú vị bởi nhiều lẽ, nhưng có một “đặc sản” mà nhiều người đã thấy qua nhưng có lẽ ít để ý: những sân bay nổi.

Nước Nhật có diện tích không quá lớn, địa hình bị chia cắt, nhưng lại mang dân số lớn. Với hơn 100 triệu người, việc di chuyển của nhân dân rõ ràng là một vấn đề hóc búa của chính phủ Nhật, trong bối cảnh quỹ đất dành cho hạ tầng của họ là có hạn. Ở một xứ sở tấc đất tấc vàng, những công trình tốn đất như sân bay rõ ràng là một thứ xa xỉ phẩm đối với họ. Chính vì vậy, người Nhật, với trí thông minh và công nghệ kỹ thuật cao của mình, đã vận dụng tài nguyên mà đất nước họ dồi dào nhất: biển.

Với bốn mặt giáp biển, người Nhật đã xây dựng các hòn đảo nhân tạo, rồi đặt các sân bay trên đó. Dưới đây là những sân bay lênh đênh nổi tiếng nhất của người Nhật.

Sân bay Osaka-Kansai

sân bay nổi Nhật Bản

(Ảnh: Wiki)

Sân bay bận rộn thứ 5 của Nhật Bản được thai nghén vào những năm 1980, phục vụ các thành phố du lịch nổi tiếng như Kyoto và Nara. Để xây dựng nên sân bay này, các kỹ sư đã mất 7 năm với 48.000 khối bê tông tứ diện cùng 21 triệu mét khối đất, sao cho sân bay vừa có thể nổi trên mặt nước, vừa chống chịu được động đất và bão tố – vốn là chuyện cơm bữa ở Nhật.

Nhà ga số 1 của sân bay Kansai là nhà ga dài nhất thế giới. Cách bờ khoảng 5 km, sân bay Kansai như một hình chữ nhật khổng lồ nổi giữa vịnh Osaka.

Năm 1995, sân bay này đã sống sót qua trận động đất nghiêm trọng gần Kobe. Tuy vậy, các chuyên gia vẫn đang theo dõi tốc độ lún của sân bay qua hàng năm. Hồi đầu, nó lún nhanh hơn dự kiến, nhưng thật may, tốc độ lún đã chậm lại trong mấy năm gần đây.

Sân bay Nagoya-Centrair

sân bay nổi Nhật Bản

(Ảnh: Aaron Headly/Wikimedia Commons/CC BY 2.0)

Nagoya Centrair (viết tắt của “Central Japan International Airport” – Sây bay quốc tế Trung Nhật Bản) khánh thành năm 2005 cũng nổi tiếng không kém biểu tượng Osaka-Kansai. Đây là sân bay phục vụ khu vực Chubu đông dân cư ở miền Trung Nhật Bản, xung quanh thành phố Nagoya, đồng thời là một trong số ít sân bay được chọn để phục vụ thị trường Bắc Mỹ.

Centrair Airport thừa hưởng rất nhiều bài học kinh nghiệm từ các sân bay nổi trước đó. Nó gần như hoàn hảo về mặt thiết kế và có giá thành xây dựng rẻ hơn rất nhiều so với các đàn anh.

Sây bay Kobe


(Ảnh: Hideyuki Kamon/Wikimedia Commons/CC BY-SA 2.0)

Sây bay Kobe chỉ sử dụng để phục vụ nhu cầu nội địa. Trên thực tế, nó nhỏ hơn sân bay Osaka-Kansai và được mở 12 năm sau tiền bối của mình.

Trận động đất năm 1995 tại Kobe không gây ảnh hưởng gì tới sân bay này, vì nó được thừa hưởng những thành tựu thiết kế chống động đất từ sân bay Osaka-Kansai.

Các sân bay nổi đảo Kyushu

Hồn đảo Kyushu, nơi có đường hầm hoa tử đằng ở vườn Kawachi Fuji nổi tiếng thế giới, có hẳn 2 sân bay nổi: Nagasaki và Kitakyushu.

Sây bay Nagasaki được xây một phần trên đảo tự nhiên. Còn Kitakyushu mở năm 2006 lại hoàn toàn được xây dựng từ vật liệu bỏ đi.

Cả hai sân bay đều không mấy bận rộn. Kitakyushu chỉ phục vụ các chặng tới Tokyo và Nagoya, trong khi Nagasaki có nhận đưa đón khách từ các thành phố nước ngoài như Seoul và Thượng Hải.

Các sân bay nổi trong tương lai ở Nhật

Biển còn rất nhiều, mà không ít sây bay bận rộn của Nhật đã sắp hết công suất, đặc biệt là ở Tokyo, nơi chuẩn bị là chủ nhà của Olympics 2020. Vì vậy, đã có nhiều đề xuất xây dựng một sân bay Tokyo nổi để chia sẻ gánh nặng cho hai công trình hiện có là Narita và Haneda.

Mặc dù vậy, vùng vịnh Tokyo, với địa chất đặc biệt rất nhạy cảm với sóng thần, có lẽ sẽ khiến các kỹ sư Nhật phải đau đầu hơn một chút. Một thử thách mới đang chờ họ vượt qua.

Các sân bay nổi ngoài nước Nhật

sân bay nổi Nhật Bản

(Ảnh: Wylkie Chan/Wiki)

Sân bay nổi nổi tiếng nhất ngoài nước Nhật có lẽ là sây bay quốc tế Hồng Kông. Nó được xây dựng năm 1998 để thay thế cho cái cũ đã quá chật chội trong thành phố. Ngoài ra, người ta cũng đang thảo luận việc xây dựng các sân bay nổi ở các đô thị đông dân như New York và London.

Tuy vậy, biển cũng có những giới hạn của nó. Với việc băng tan ở hai cực của Trái đất, mực nước biển dâng cao, cùng với sự chìm lún hàng năm của các sân bay nổi, có lẽ người ta sẽ cần có một cách tiệp cận mới với bài toán đảo sân bay trong tương lai!