Ngày 23/2/2003, một thương nhân gốc Hoa, quốc tịch Mỹ tên là Johnie C.C. từ Hồng Kông đến Việt Nam. Ba ngày sau, người này bị sốt cao và vào điều trị tại Bệnh viện Việt Pháp. Đó là bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh Sars. Và Công cuộc phòng chống SARS của Việt Nam đã khởi đầu từ sự nghi ngờ của bác sĩ Carlo Urbani, với sự chỉ đạo của GS. Lê Đăng Hà.
Carlo Urbani, lúc đó là Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đang làm việc tại Hà Nội, được gọi đến. Trong khi các bác sĩ khác ở Bệnh viện Việt Pháp cho rằng đây chỉ là một trường hợp bị cúm nặng, Urbani lại nghi ngờ đây là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chưa từng thấy. Ông ngay lập tức thông báo cho trụ sở của WHO đồng thời thuyết phục Bộ Y tế Việt Nam cách li bệnh nhân và sàng lọc khách du lịch.
Bộ Y tế Việt Nam đã giới thiệu Carlo Urbani với GS. Lê Đăng Hà, lúc đó là Viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới Quốc gia. Sau hai tiếng trao đổi với ông Carlo, “mang cả sách cổ kim ra để cùng nghiên cứu” – theo lời GS. Lê Đăng Hà, ông cũng không xác định được đó là căn bệnh cụ thể nào. Nhưng hai người đều đồng tình đó là căn bệnh nguy hiểm có tốc độ lây lan khủng khiếp. Chỉ trong vài ngày, kể từ khi Johnie C.C. nhập viện, Bệnh viện Việt Pháp đã có 39 người mắc bệnh tương tự, trong đó có trường hợp bị tử vong và phải đóng cửa. Vấn đề này gây tâm lý hoang mang tột độ trong quần chúng nhân dân ở Hà Nội, lo ngại một đại dịch sẽ lan rộng ra khắp nơi và ảnh hưởng tới an ninh, kinh tế - xã hội. Hơn nữa, cuối năm 2003 Việt Nam đăng cai tổ chức SEAGAME mà không chấm dứt được dịch thì khó có thể thực hiện thành công Sự kiện Thể thao lớn của khu vực được.
Đến ngày 12/3, gần một tuần sau cuộc gọi “thức tỉnh” của Carlo Urbani, WHO cảnh báo cho toàn thế giới biết về một căn bệnh viêm đường hô hấp nặng (SARS) do virus lạ, là bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong cao. Đúng ngày hôm đó, Carlo Urbani cũng qua đời vì bị nhiễm SARS tại Việt Nam. Và sau đó gần hai tuần, WHO mới xác định được virus gây bệnh SARS là virus Corona đã biến đổi gene so với loại cổ điển hay gặp trước đây.
Công cuộc phòng chống SARS của Việt Nam đã khởi đầu từ sự nghi ngờ của bác sĩ Carlo Urbani, với sự chỉ đạo của GS. Lê Đăng Hà, trước khi tất cả những bằng chứng của WHO được công bố. Mặc dù trước đó, ông đã có kinh nghiệm phòng chống dịch thương hàn (năm 1995) và HIV/AIDS nhưng đối diện với SARS không hề dễ dàng vì “trước kia chưa có hiện tượng như vậy, cũng chưa ai nói về cách điều trị thế nào, lây ra sao, phòng chống bằng cách nào”.
Điều đầu tiên là vấn đề chuẩn bị tâm lý, tư tưởng cho các cán bộ, nhân viên Y bác sĩ trong Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới Quốc gia để họ tập trung cho việc phòng dịch mà không hề sợ hãi. GS. Lê Đăng Hà đặt ra các quy định khắt khe, nghiêm ngặt khi tiến hành phòng dịch và điều trị cho các bệnh nhân đồng thời kêu gọi các y bác sĩ làm theo, bản thân ông hàng ngày gương mẫu thực hiện để làm gương cho nhân viên khi thăm khám bệnh nhân. GS Lê Đăng Hà chỉ đạo ngăn, khoanh vùng và cách ly những bệnh nhân nhiễm SARS ra khỏi cộng đồng. Ngay từ đầu, GS Hà đã đề ra một biện pháp khắc phục triệt để, cách ly nghiêm ngặt các bệnh nhân với ba khu riêng biệt: Khu bệnh nhân nặng, khu bệnh nhân nhẹ và khu buồng bệnh riêng biệt để tiếp nhận bệnh nhân mới vào khám và nhập viện. Toàn bộ những người nhiễm SARS đều được điều trị trong một điều kiện đặc biệt, người nhà không được phép tiếp xúc với bệnh nhân, mọi công việc từ ăn, ở, vệ sinh, điều trị đều do các y bác sĩ của Viện làm. Toàn bộ khu vực điều trị SARS không được phép ra vào tự do và có những quy định nghiêm ngặt. Các y bác sĩ được phân chia kíp trực và làm việc 6 tiếng một kíp, ăn ở đã có người mang vào tận nơi, trực 24/24 giờ. Cả Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới trong những ngày chống SARS như một “pháo đài” kín, chỉ những ai có phận sự và trách nhiệm mới được ra vào.
Giáo sư Lê Đăng Hà kể, hồi chống dịch SARS ông cũng rất lo lắng, hoang mang vì nếu làm không chu đáo thì ổ dịch sẽ lây lan ra cộng đồng. Ngay việc bảo vệ an toàn cho hàng trăm y bác sĩ hàng ngày phải trực tiếp với người bệnh cũng làm ông ngày đêm suy nghĩ vì bài học nhãn tiền từ Bệnh viện Việt-Pháp vẫn còn đó. Ông cho biết, các bệnh nhân khi chuyển đến Viện được chụp X-quang phổi, lúc đầu phổi chưa bị tổn thương nhiều, đến ngày hôm sau phổi đã trắng xóa, không thở được, nếu kéo dài tình trạng này sẽ gây ra tử vong. Bước đầu tiên ông cho tiến hành là hỗ trợ máy thở ôxy cho các bệnh nhân. Có 3 cách để hỗ trợ thở, cách thứ nhất là mở khí quản ở phía dưới cổ để đặt ống xông, cách thứ hai là cho ống xông trực tiếp vào miệng, cách thứ ba là cho thở hoàn toàn bằng máy. Hai cách đầu sẽ chủ động hơn và giúp bệnh nhân thở tốt hơn, vì nếu chọn cách thứ ba có một bất cập là không may bệnh nhân gạt máy thở ra khỏi miệng thì có thể nguy hiểm tính mạng. Mặc dầu vậy GS Lê Đăng Hà giải thích cách thứ nhất và cách thứ hai có thể gây ra nhiễm trùng vì bệnh nhân đang trong tình trạng viêm đường hô hấp cấp, nhiễm trùng huyết, nếu tiến hành tiểu phẫu có thể gây bội nhiễm, càng tăng tính nguy hiểm hơn. Chính vì thế ông đã chỉ đạo các bác sĩ, y tá chọn cách thứ 3 và phân kíp trực 24/24 bên cạnh bệnh nhân để theo dõi và điều trị.
Giữ gìn môi trường bệnh viện để tránh lây nhiễm chéo cũng là một vấn đề khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện kinh phí hạn chế và thiếu thốn các trang thiết bị. Ông cho biết, có trường hợp bị nhiễm SARS ở Bệnh viện Việt-Pháp không phải do tiếp xúc với bệnh nhân SARS mà chỉ là do bước vào phòng có người nhiễm SARS nằm trước đây. Ngay cả khi Bệnh viện Việt-Pháp đã làm công tác diệt trùng cẩn thận, ông vẫn thấy virus SARS phát triển được, lý do bởi chúng có thể sống trong điều kiện nhiệt độ thấp, khu trú trong các điều hòa, máy lạnh ở phòng bệnh. Chính vì thế đối với các phòng bệnh ở Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, ông không cho sử dụng điều hòa máy lạnh mà sử dụng quạt trong các phòng bệnh kết hợp với việc mở các cửa sổ, bởi trong điều kiện nhiệt độ cao ở nước ta, sử dụng quạt thì virus, vi khuẩn sẽ bị đẩy ra ngoài không khí, gặp nhiệt độ cao sẽ tự bị tiêu diệt. Đó là một cách làm “sáng tạo”, được các nhà khoa học quốc tế hoan nghênh, so với việc sử dụng máy sóng âm để tiêu diệt virus và làm sạch phòng bệnh đắt đỏ hơn ở các nước phát triển. Một cách làm sáng tạo khác của ông để đối phó với tình trạng khan hiếm thiết bị đó là sử dụng đúp 2 chiếc khẩu trang của các bác sĩ mổ để dùng cho các nhân viên của mình thay cho khẩu trang L95 - một loại khẩu trang lọc vi khuẩn đắt đỏ để ngăn truyền bệnh từ bệnh nhân ra các y bác sĩ. Lúc bấy giờ, Viện cũng không mua được các bộ quần áo bảo hộ vô khuẩn bằng giấy cho các nhân viên mà chủ yếu là nhờ vào hàng viện trợ của Nhật Bản.
Đối diện với SARS không hề dễ dàng vì “trước kia chưa có hiện tượng như vậy, cũng chưa ai nói về cách điều trị thế nào, lây ra sao, phòng chống bằng cách nào, theo GS Lê Đăng Hà
Một kinh nghiệm GS Lê Đăng Hà đúc rút được trong quá trình chống dịch SARS là khoanh vùng dịch triệt để, toàn bộ các bệnh nhân nhiễm SARS chỉ được đưa về một nơi để điều trị là Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới Quốc gia. Ông cho biết, trong quá trình đi tư vấn cho một số nước, như ở Trung Quốc, họ không làm như vậy mà đề nghị các bệnh nhân điều trị SARS ở cơ sở y tế gần nhất, vì vậy đã không ngăn chặn triệt để được sự lây lan của bệnh.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, sau hai tháng GS Lê Đăng Hà và các đồng nghiệp đã khống chế được dịch SARS ở Việt Nam. Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới Quốc gia đã gửi toàn bộ mẫu máu xét nghiệm của cán bộ y tế của Viện đến Tổ chức Y tế Thế giới để chứng minh nhân viên không ai bị nhiễm SARS. Ngày 28-4-2003, Tổ chức Y tế Thế giới thông báo trên toàn cầu Việt Nam là nước đầu tiên đã khống chế được dịch SARS. Nghe tin này, ông và các đồng nghiệp vỡ òa trong niềm vui vì đã góp phần bé nhỏ vào công việc chống dịch chung trên thế giới, góp phần làm vinh dự cho tổ quốc khi là nước đầu tiên chiến thắng dịch SARS.