Những khác biệt về văn hóa vừa kích thích vừa thách thức những nhà nghiên cứu làm việc hoặc học tập ở nước ngoài.
Punam Amratia lớn lên ở Kenya, nơi cô học trong một ngôi trường của Anh. Sau đó cô lấy bằng cử nhân về thống kê và thạc sĩ về dịch tễ học ở Anh. Ở cả hai nơi, cô đều đã quen với những người trực tính. Nếu thầy giáo không thích bài làm của cô, họ sẽ trao đổi thẳng thắn với cô về điều đó. “Họ nói, ‘Nó dở ẹc. Em mang về làm lại đi,’” cô kể.
Bởi vậy khi Amratia bắt đầu làm tiến sĩ về dịch tễ sốt rét vào năm 2014, cô đã không để tâm chuyện “bọc đường” các ý kiến của mình. Trong tháng đầu tại Đại học Florida ở Gainesville, phòng lab của cô tổ chức gặp mặt và thảo luận về một bài báo mà người hướng dẫn cô đang bình duyệt. Amratia nhớ lại mình đã gọi bài báo đó là “nhảm” và nói không nên xuất bản bài báo này. Trong khi đó, một cộng sự người Mỹ ở phòng lab mô tả những điểm tích cực của bài báo và phác ra những mục có thể tiếp tục hoàn thiện. Các đồng nghiệp của Amratia gợi ý cô nên tỏ ra ngoại giao hơn. Từ sau buổi họp, cô đã cố kiềm chế tính thẳng thắn của mình.
Nhưng Amratia cũng đối mặt với các vấn đề về hòa nhập với các thành viên hội đồng chấm luận văn tiến sĩ của cô, một phần bởi cô không hiểu những ám chỉ liên quan đến văn hóa đại chúng ở Mỹ. Ở một sự kiện gặp gỡ nọ, trong khi các đồng nghiệp của cô phá ra cười về một show truyền hình nổi tiếng những năm 1980, thì cô ngồi lặng lẽ bởi cô không biết gì về chương trình này. Những sự việc như vậy khiến cô khó xây dựng được mối quan hệ tự nhiên với đội ngũ giảng viên, bởi vậy cô không cảm thấy thoải mái khi xin họ lời khuyên trong thời gian làm tiến sĩ.
Học tập và làm việc ở nước ngoài mang lại nhiều cơ hội. Nhưng một số nhà khoa học mới vào nghề có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc thích nghi với lối giao tiếp khác, nơi làm việc và hệ thống thứ bậc khác trong học thuật. Người hướng dẫn và các nhà nghiên cứu trẻ có thể giảm nguy cơ hiểu nhầm bằng cách chủ động tìm hiểu về văn hóa của nhau và truyền đạt về chuẩn giao tiếp ở nơi làm việc một cách rõ ràng.
Quan trọng là cả hai bên đều cần có sự nhạy cảm với những khác biệt về văn hóa và tránh mắc định kiến do vô tình. Nanda Dimitrov, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Giảng dạy thuộc Đại học Western ở London, Canada, người mới viết về vấn đề hướng dẫn thạc sĩ quốc tế, cho rằng quan trọng là không đánh giá sinh viên chỉ dựa trên nền tảng văn hóa xuất thân của họ. Chẳng hạn, một sinh viên Trung Quốc giàu có đến từ Hongkong có thể nhìn nhận sự việc khác hẳn với một sinh viên đến từ vùng nông thôn trong lục địa, bà nhấn mạnh. Và nhận thức của mỗi cá nhân cũng rất khác nhau: Amratia nói cá nhân cô thấy người Anh thẳng thắn hơn người Mỹ, nhưng những người khác có thể không có cùng trải nghiệm như vậy. Dimitrov chỉ ra rằng mối quan hệ giữa nhà nghiên cứu trẻ và người hướng dẫn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm cá tính, các trải nghiệm trước đó, và văn hóa nơi làm việc của từng khoa và ngành học cụ thể.
Ngày càng có nhiều người ra nước ngoài học tập hoặc làm việc, một phần nhờ sự khuyến khích của các chính phủ và các đơn vị tài trợ. Số sinh viên theo học đại học ở nước ngoài tăng từ 1,7 triệu vào năm 1995 lên 4,1 triệu vào năm 2013, theo
Báo cáo Khoa học của UNESCO: Hướng tới năm 2030, xuất bản năm 2015 bởi UNESCO ở Paris. Từ năm 2003 đến năm 2010, chính phủ Trung Quốc đã tăng số học bổng du học từ chưa đến 3 nghìn lên hơn 13 nghìn. Cũng theo báo cáo nói trên của UNESCO, các khu vực có tỷ lệ sinh viên du học cao nhất là Châu Á, các nước Arab, châu Phi Hạ Sahara, và Tây Âu. Nơi được các nghiên cứu sinh nước ngoài chọn đến làm tiến sĩ nhiều nhất là Mỹ, chiếm khoảng ½ số nghiên cứu sinh tiến sĩ khoa học và kỹ thuật quốc tế, tiếp theo là Anh, Pháp, và Úc.
Nhiều phòng lab từng gặp một số vấn đề về khác biệt văn hóa. “Nơi làm việc của các nhà khoa học có tính quốc tế rất cao,” theo Kaisa Kajala, nhà sinh học thực vật người Phần Lan tại Đại học Utrecht, Hà Lan, người đã học và làm việc ở Anh, Úc, và Mỹ. “Mọi người đều khá hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau.”
Tuy nhiên, khi sự hiểu lầm xuất hiện, thì cần phải giải quyết nó, bởi cái giá phải trả đối với sinh viên nước ngoài thường khá cao. Nếu thời gian làm nghiên cứu bị kéo dài, họ sẽ gặp khó khăn trong việc gia hạn visa hay thanh toán học phí.
Chuẩn hành vi trong những lĩnh vực như quản lý, trao đổi và phản hồi rất khác nhau giữa các nền văn hóa. “Điều quan trọng là không bao giờ nên định kiến, nếu chúng ta không cố gắng hiểu các nền văn hóa khác nhau như thế nào, chúng ta sẽ không thể hiểu hành động của con người được định hình ra sao và sự hiểu lầm có thể nảy sinh từ đâu,” theo Andrew Spencer, giám đốc Rose Window Consulting gần Oxford, Anh, người tiến hành các chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp quốc tế (bao gồm Springer Nature) về quản trị và truyền thông xuyên văn hóa. Thí dụ, ông nói, ở Hà Lan, các phản hồi tiêu cực thường được đưa ra rõ ràng và không chút nhập nhằng, nước đôi, trong khi ở Nhật, các phê bình thường được nêu theo cách gián tiếp hơn. Spencer gợi ý nên đọc cuốn
The Culture Map: Breaking Through the Invisible Boundaries of Global Business (Bản đồ văn hóa: Phá vỡ những đường biên vô hình của kinh doanh toàn cầu) của Erin Meyer (PublicAffairs, 2014) để có thêm thí dụ.
Một điểm khác biệt có thể nảy sinh từ mức độ tôn sùng đối với người hướng dẫn tùy theo văn hóa từng nước. Dimitrov nói rằng một số sinh viên nước ngoài đến từ Nigeria, Ai Cập và Trung Quốc cho biết ở nước họ sự cách biệt rõ ràng về thứ bậc giữa sinh viên và giảng viên là điều hết sức bình thường, và rằng sinh viên nhìn chung nghe theo các chỉ dẫn của giảng viên mà không bao giờ tranh luận lại. Nhưng người hướng dẫn ở những nước mà văn hóa tranh luận được khuyến khích đôi khi có thể hiểu việc sinh viên ít đặt câu hỏi đồng nghĩa với việc họ thiếu hứng thú nghiên cứu/học tập, theo Theresa Winchester-Seeto, nhà tư vấn độc lập về giáo dục đại học ở Sydney, Australia.
Keshun Zhang đã gặp phải vấn đề này khi anh rời Trung Quốc đến Đại học Konstanz ở Đức để theo đuổi chương trình tiến sĩ tâm lý học. Anh đã quen với việc nghe theo các gợi ý của giảng viên. Nhưng “văn hóa ở Đức luôn khuyến khích bạn tranh luận,” Zhang nói. Giờ đây anh đang làm hậu tiến sĩ tại trường đại học này và là đồng tác giả của cuốn sách được xuất bản năm 2016 có tiêu đề Khi nghiên cứu sinh tiến sĩ Trung Quốc gặp thầy hướng dẫn Đức: Lời khuyên cho những người bắt đầu làm nghiên cứu sinh (Đại học Konstanz). Với sự khuyến khích của thầy hướng dẫn, anh bắt đầu thay đổi, chẳng hạn, nếu anh nghĩ dữ liệu cần được phân tích bằng cách sử dụng một phương pháp thống kê khác, anh sẽ nói ra điều đó. Sau năm đầu tiên, thầy hướng dẫn của anh bảo, “Ồ, trong năm đầu tiên này, cuối cùng anh đã học được cách nói không,’” Zhang nhớ lại.
Zhang cũng nhận ra rằng anh được trông đợi làm việc một cách độc lập hơn so với khi làm học viên cao học ở Trung Quốc. Ở Đức, anh đặt ra vô số câu hỏi với một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ về những vấn đề như phương pháp thống kê. Thầy hướng dẫn của anh đã đề nghị anh thử tự mình giải quyết vấn đề và chỉ tìm kiếm sự hướng dẫn khi anh bị bế tắc. Thoạt tiên, Zhang thấy cách làm này rất khó nhưng cuối cùng anh lại thích cách làm này hơn.
Một hệ thống thứ bậc không bị quy định khắt khe có thể khuyến khích việc trao đổi thoải mái hơn, theo Salim Reza, nhà khoa học về đo phóng xạ ở Đại học Miền Trung Thụy Điển (Mid Sweden University) ở Sundsvall. Khi từ Bangladesh đến Thụy Điển để học lên sau đại học, anh nhận thấy mình không cần phải gọi các giảng viên trong khoa là ‘ngài’ hay ‘giáo sư’ hoặc phải đứng ở trong văn phòng của họ. Sự xuề xòa này giúp cho anh dễ dàng tiếp cận các giáo sư hơn để làm rõ đề tài hoặc đề xuất một góc nhìn mới về nghiên cứu. “Tôi có thể trình bày ý tưởng điên rồ nhất với giảng viên của tôi, và ông ấy sẽ giải thích vì sao nó hay hoặc dở,” anh kể.
Những thông điệp bị hiểu lầmĐôi khi, sự hiểu lầm có thể nảy sinh từ sự khác biệt trong cách trao đổi. Ở một số nước, phong cách ‘phê bình kiểu bánh kẹp’ rất phổ biến, Dimitrov nói: Hãy bắt đầu bằng lời khen, sau đó chỉ ra những chỗ cần hoàn thiện và kết thúc bằng sự khích lệ. Sinh viên từ những nước nơi cách thức phê bình này không quen thuộc có thể nghĩ rằng những lời nhận xét về cơ bản là tích cực, các gợi ý là không bắt buộc phải tiếp thu và có thể bỏ qua, bà nói. Để tránh những hiểu lầm như vậy, sinh viên có thể viết email sau mỗi cuộc họp, tóm tắt các phản hồi và những bước tiếp theo để người hướng dẫn có thể điều chỉnh lại cách hiểu của họ cho đúng nếu cần thiết.
Ngược lại, sinh viên đã quen với cách phê bình nhẹ nhàng hơn có thể cảm thấy bị “tổn thương” bởi cách phê bình thẳng thừng, chẳng hạn như ở Đức hay Hà Lan, Dimitrov nói. Các nhà nghiên cứu lâu năm có thể san phẳng sự khác biệt bằng cách thảo luận xem sinh viên muốn nhận các ý kiến nhận xét theo cách nào hơn, bà gợi ý. Sinh viên cũng có thể trao đổi với các cộng sự trong phòng lab về phản hồi; lắng nghe câu chuyện của những người khác về việc tiếp nhận phê bình – và những kết quả tích cực, như bài báo được chấp nhận – có thể giúp họ vượt qua sự nản lòng.
Một số nhà nghiên cứu thì lại bị bất ngờ bởi cách tương tác qua email ở nước họ đến. Laetitia Wilkins, một nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ về sinh học tiến hóa tại Đại học California, Berkeley, nói ở Thụy Sĩ nước cô, người ta thường hồi âm hầu hết các thư liên quan đến công việc. “Việc bạn phải hồi âm hầu như là bắt buộc,” cô nói. Ở California, cô nhận thấy cách tiếp cận thoải mái hơn. Khi cô viết email hỏi một nhà nghiên cứu khác để xin bộ dữ liệu và không nhận được hồi âm nào cả, cô đã rất băn khoăn, liệu cô có làm gì sai hay người đó không muốn hợp tác với cô. Cô không gửi email tiếp theo, cô kể, bởi ở Thụy Sĩ mà làm như vậy sẽ bị coi là thô lỗ. Cuối cùng, cô nhận ra rằng phớt lờ hay ‘lạc mất’ email là điều phổ biến ở Mỹ. Giờ đây, nếu email của cô không được hồi âm, cô sẽ gửi tiếp một email khác vài ngày sau đó và thường sẽ nhận được hồi âm hết sức thân thiện.
Một số nhà khoa học khác lại nhận thấy những ưu tiên trong giao tiếp xã hội cũng khác với điều họ từng quen thuộc. Theo kinh nghiệm của Reza, người Bangladesh không thường uống cà phê giải lao giữa giờ làm việc. Nhưng ở Thụy Điển, anh nhận thấy tham gia fika [khoảng thời gian bạn bè hoặc đồng nghiệp tụ tập cùng nhau uống cà phê, ăn bánh ngọt và trò chuyện], là điều hết sức quan trọng mỗi ngày. “Chúng tôi bị ám ảnh bởi fika,” anh nói. Những lúc tụ tập cùng nhau mang lại cơ hội kết giao, nghe ngóng các nhóm khác đang làm gì và thảo luận các vấn đề nghiên cứu.
Một số nhà khoa học chào đón những thay đổi trong nhịp sống do môi trường mới mang lại. Nhà sinh thái học Christine Lucas từ Mỹ đến Uruguay để làm nghiên cứu hậu tiến sĩ và giờ là giảng viên tại đại học ở Paysandú. Cô phát hiện ra rằng các đồng nghiệp mới của cô thường giữ được thăng bằng giữa cuộc sống và công việc tốt hơn. Khi cô mang bầu, cô dễ dàng xin dừng việc bắt đầu chương trình hậu tiến sĩ vài tháng; và khi bắt tay vào chương trình nghiên cứu, thời gian biểu của cô hết sức linh hoạt, đôi khi có thể làm việc tại nhà và thiết kế một dự án ít đòi hỏi phải đi thực tế. Những người bạn làm hậu tiến sĩ ở Mỹ, như cô thấy, có vẻ bị áp lực nhiều hơn khi phải làm việc trực tiếp với các thành viên phòng lab để đáp ứng mục tiêu công bố cao. Và, cô nói thêm, các cuộc họp khoa chấp nhận việc đến muộn 5-10 phút -một cách để đối phó với những sự cố không lường trước được như đình công của ngành giao thông.
Dù họ là những sinh viên nước ngoài đang được chào đón hay bắt đầu làm việc ở một đất nước xa lạ, các nhà khoa học ở nước sở tại có thể giúp bước chuyển đổi này của họ trở nên bớt êm thuận hơn bằng cách không cố hữu một thái độ phán xét. Đôi khi có những người xa lánh sinh viên nước ngoài vì họ ‘thô lỗ’ nhưng “trong văn hóa của họ, họ không thô lỗ”, Amratia nói. Các nhà nghiên cứu cũng nên nhớ rằng tập quán của nước mình không nhất thiết phải là hay nhất. Davor Solter, nhà sinh học người Croatia hiện là nghiên cứu viên chính ở Mỹ, nói, nền tảng văn hóa Croatia giúp anh có mặt ở đây: “Khi bạn đến từ một nước nhỏ, bạn đừng giả sử mọi người sẽ làm các việc theo cách của bạn,” anh nói. “Tôi không bao giờ để tâm nếu ai đó khác biệt so với tôi chừng nào điều đó không ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thành viên còn lại trong phòng lab.”
Nguồn: