Ngay từ khi mới thành lập và trong quá trình phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) luôn đặt mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo hàng đầu của đất nước và nằm trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế.

Điều này được phản ánh trong chiến lược phát triển của ĐHQGHN đến năm 2020, tầm nhìn 2030, theo đó đến năm 2020, ĐHQGHN phấn đấu nằm trong nhóm 100 trường đại học hàng đầu châu Á. Cho tới nay, với những nỗ lực liên tục cải tiến chất lượng, ĐHQGHN đã nằm trong nhóm 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới (ở nhóm 801 - 1.000), đồng thời, lĩnh vực Ngôn ngữ học hiện đứng trong nhóm top 251-300 thế giới, theo xếp hạng của QS.

Để đạt tới vị trí này, từ góc độ chiến lược, ĐHQGHN đã sớm nghiên cứu các tiêu chí cốt lõi của các bảng xếp hạng phổ biến như QS, THE, hay ARWU và thực hiện tích hợp các tiêu chí đó vào bộ tiêu chí, chỉ số phát triển trong Chiến lược phát triển đến năm 2020 cũng như kế hoạch hoạt động hằng năm của ĐHQGHN và các đơn vị thành viên và trực thuộc.

Ở góc độ quản trị hệ thống, ĐHQGHN chủ động xây dựng Bộ tiêu chí đại học nghiên cứu theo tiếp cận đối sánh với nhóm các trường đại học nghiên cứu thuộc top 200 châu Á và top 500 thế giới. Do các bảng xếp hạng có quan điểm tiếp cận và hệ thống tiêu chí khác nhau nên trường đã xây dựng bộ chỉ số đại học nghiên cứu của mình trên cơ sở phân tích, tổng hợp chỉ số từ các bảng xếp hạng khác nhau (QS và THE) để đảm bảo tính toàn diện của Bộ tiêu chí. Bộ tiêu chí này thường xuyên được ĐHQGHN dùng làm căn cứ để đánh giá mức độ đáp ứng mô hình đại học nghiên cứu của các đơn vị thành viên và trực thuộc, nhờ đó, không chỉ phát triển bền vững cả về đào tạo, nghiên cứu khoa học, và gắn kết cộng đồng mà các chỉ số liên quan đến xếp hạng cũng được đảm bảo.

Sinh viên trường Đại học Việt Nhật - Đại học Quốc gia Hà Nội trong giờ thảo luận.
Ảnh: Vũ Tùng

Như chúng ta đã biết, xếp hạng là một phương thức đối sánh (benchmarking), giúp các trường đại học nhận diện điểm mạnh và điểm yếu của mình trong tương quan với các trường đại học khác theo các tiêu chí do các tổ chức xếp hạng đặt ra. Nói cách khác, đây là một trong những góc nhìn về chất lượng giáo dục đại học. Tại ĐHQGHN, quan điểm chủ đạo vẫn là phải phát triển bền vững, đồng bộ ở mọi phương diện, từ đó vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu, vừa có đủ năng lực tham gia các bảng xếp hạng. Theo tiếp cận này, ĐHQGHN đã chú trọng triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (thông qua hệ thống văn bản quản lý điều hành, hệ thống công cụ giám sát chất lượng, công cụ đánh giá chất lượng, các công cụ đảm bảo chất lượng đặc thù...), nhằm tiếp cận các yêu cầu và tiêu chuẩn về chất lượng của khu vực và quốc tế.

Đối với hoạt động đào tạo, ĐHQGHN chủ trương chuẩn hoá và không ngừng cải tiến chất lượng các chương trình đào tạo thông qua kiểm định chất lượng quốc tế (mà cụ thể ở đây là kiểm định chất lượng của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á - AUN). Đến nay, đã có 22 chương trình đào tạo của ĐHQGHN đã được kiểm định chất lượng AUN và trong năm nay sẽ có thêm 7 chương trình được kiểm định AUN.

Trong hoạt động nghiên cứu, ĐHQGHN xác định rõ các chỉ tiêu phát triển (về sản phẩm KH&CN và công bố quốc tế) và tích hợp vào trong các chỉ tiêu phát triển của ĐHQGHN nói chung và các đơn vị thuộc ĐHQGHN nói riêng, từ đó có đầu tư nguồn lực phát triển phù hợp.

Trong tất cả các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của mình, ĐHQGHN luôn quan tâm tới vấn đề gắn kết và phát triển cộng đồng, tạo được uy tín lớn không chỉ trong giới học thuật mà còn với các nhà tuyển dụng và xã hội.

Mặc dù các bảng xếp hạng không thu phí và sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu tham gia xếp hạng của các trường đại học nhưng thực tế là có quá ít trường đại học Việt Nam nằm trong các bảng xếp hạng. Vậy đâu là nguyên nhân?

Trước hết, nhìn vào các bảng xếp hạng có thể thấy đa số các trường trong nhóm đầu là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có sự phát triển hài hoà cả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và đào tạo. Điều này chứng tỏ các tiêu chí xếp hạng luôn nhìn nhận trường đại học trong tính chỉnh thể, với thiên chức đầy đủ về đào tạo, nghiên cứu, và phát triển cộng đồng.

Một thực tế khác, cả 5 trường đại học Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng QS châu Á hay thế giới đều là các đại học đa ngành, có nền tảng nghiên cứu khoa học tốt, trong đó đặc biệt là nghiên cứu cơ bản. Các đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ngoài có thế mạnh về đào tạo, còn có ưu thế lớn về nghiên cứu do đáp ứng được tính liên ngành trong các nghiên cứu có quy mô và tầm ảnh hưởng.

Cơ cấu mạng lưới giáo dục đại học Việt Nam cho thấy tỷ lệ các đại học đa ngành, đa lĩnh vực là rất thấp, chủ yếu là đại học đơn ngành. Điều này vừa khiến tính cạnh tranh quốc tế của hệ thống giáo dục đại học không cao, vừa là nguyên nhân khiến số lượng các trường “đạt tiêu chuẩn” (ở cả 3 phương diện: đào tạo, nghiên cứu, phát triển cộng đồng) để được vào các bảng xếp hạng quốc tế là rất thấp.

Bên cạnh đó, đầu tư cho nghiên cứu khoa học của toàn hệ thống nhìn chung là thấp, nhu cầu phát triển nội tại của chính các trường đại học còn quá thiên về mảng đào tạo, dẫn tới các chỉ số về nghiên cứu khoa học của các trường đại học Việt Nam không có tính cạnh tranh so với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Đây có lẽ là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự vắng bóng các trường đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng quốc tế. Các nguyên nhân còn lại có thể là: tính quốc tế hoá chưa cao; chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên còn thấp so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.