Nguyên nhân gây ra mộng du liên quan đến nhiều yếu tố, chẳng hạn như lo lắng, căng thẳng, các thói quen xấu trước khi đi ngủ hoặc ảnh hưởng của yếu tố di truyền. Mặc dù mộng du xuất hiện phổ biến hơn ở trẻ em, nhưng nó cũng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với người trưởng thành.
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics vào năm 2015, các nhà khoa học tại Đại học Montréal (Canada) phát hiện 29% trẻ em từ 2 đến 13 tuổi từng bị mộng du, với đỉnh điểm là giai đoạn từ 10 đến 13 tuổi. Tuy nhiên, tình trạng mộng du cũng phổ biến một cách đáng ngạc nhiên ở người lớn. Một nghiên cứu từ Trường Y khoa thuộc Đại học Stanford đã ước tính khoảng 3,6% người trưởng thành ở Mỹ thường xuyên trải qua hiện tượng kỳ lạ này.
Mộng du là gì?
Theo Tổ chức Giấc ngủ (Sleep Foundation), mộng du là một chứng rối loạn hành vi bắt nguồn từ giấc ngủ sâu, dẫn đến việc người bệnh đi bộ hoặc thực hiện các hành vi phức tạp khác trong khi hầu như vẫn đang ngủ.
Cùng với chứng sợ hãi ban đêm, nghiến răng và đái dầm, mộng du là một trong nhóm các chứng rối loạn giấc ngủ được gọi chung là parasomnias, và nó thường xảy ra trong giai đoạn ngủ sâu, hoặc giai đoạn ngủ có sóng não hoạt động chậm lại.
Khi mộng du xảy ra, người ngủ có thể mở mắt, tỏ ra bối rối trước khi rời khỏi giường và đi quanh phòng hoặc nhà. Mặc dù thiếu nhận thức đầy đủ như lúc tỉnh táo, nhưng họ vẫn có thể thực hiện các hành vi thường ngày – từ mở cửa sổ cho đến ăn uống, mặc quần áo và sắp xếp lại căn phòng. Họ thậm chí có thể đi tiểu không đúng nơi quy định.
Khi một người bị mộng du, bộ phận não tạo ra các hành vi phức tạp vẫn làm việc. Nhưng phần não lưu trữ ký ức và ra quyết định có ý thức ngừng hoạt động, khiến họ không nhớ mình đã làm gì. “Về cơ bản, mộng du là sự thức dậy không hoàn toàn từ giấc ngủ sâu. Một số bộ phận của não, chẳng hạn như các bộ phận hỗ trợ kỹ năng vận động, đang tỉnh táo nhưng một số bộ phận vẫn đang ngủ say”, Angus Nisbet, chuyên gia tư vấn về thần kinh học và bác sĩ về giấc ngủ tại Trường Y khoa Brighton & Sussex, cho biết.
Thời gian mộng du hiếm khi kéo dài quá vài phút, nhưng cũng có những trường hợp mộng du nghiêm trọng kéo dài lên tới vài giờ.
Điều gì gây ra mộng du?
Trong nhiều trường hợp, những người bệnh xảy ra tình trạng mộng du là do ảnh hưởng của yếu tố di truyền. Tổ chức Sleep Foundation ước tính, khoảng 22% trẻ em có cha mẹ không có tiền sử bị mộng du trước đó sẽ trở thành người mộng du. Tuy nhiên, con số này tăng lên mức 47% nếu cha hoặc mẹ của chúng từng bị mộng du, và tăng cao hơn nữa lên mức 61% nếu cả cha và mẹ đều bị mộng du.
Mộng du xảy ra phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng hiện tượng này giảm dần khi chúng bước vào độ tuổi thanh thiếu niên.
Đối với những người lớn mắc bệnh, tần suất xảy ra mộng du sẽ tăng lên khi họ đang bị thiếu ngủ hoặc căng thẳng/lo lắng. Một số loại thuốc, thói quen uống rượu, đi ngủ với bàng quang chứa đầy nước tiểu, ảnh hưởng từ các chấn thương ở vùng đầu và não cũng làm tăng khả năng bị mộng du. Ngay cả sự thay đổi trong môi trường ngủ, chẳng hạn như ngủ ở trong khách sạn, cũng gây ra mộng du.
“Nguyên nhân cũng có thể là tiếng chuông thông báo phát ra từ điện thoại di động trong đêm. Bất kỳ điều gì làm gián đoạn giấc ngủ đều có thể gây ra hiện tượng mộng du”, Samantha Briscoe, nhà sinh lý học tại Trung tâm Giấc ngủ London Bridge (Anh), nhận định.
Những người có vấn đề về tâm lý cũng dễ bị mộng du hơn. “Bệnh nhân mắc bệnh tâm thần hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương thường có những giấc mơ xấu hoặc gặp ác mộng trong đêm, và điều này thường dẫn đến mộng du”, Nisbet cho biết.
Mộng du có điều trị được không?
Nếu quá lo lắng về chứng mộng du, người bệnh nên xin lời khuyên từ các bác sĩ. Điều này nhằm loại trừ khả năng họ mắc các chứng rối loạn giấc ngủ khác, hoặc thậm chí là trải qua những cơn hoảng loạn.
Việc điều trị là bắt buộc nếu hành vi của người mộng du không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của chính họ và gia đình mà còn có khả năng gây nguy hiểm cho người khác. Ví dụ, vào tháng 6/2010, tờ The New York Times đã đăng một bài báo về nhà thiết kế trẻ Tobias Wong, người được tìm thấy đã chết trong nhà riêng ở thành phố New York, Mỹ. Anh ta dường như đã treo cổ tự tử trong đêm. Wong từng có tiền sử bị mộng du và vợ của anh tin rằng, anh đã tự kết liễu đời mình khi ở trong trạng thái này.
Một kỹ thuật phổ biến để điều trị chứng mộng du là sử dụng phương pháp đánh thức trước, theo đó người bệnh được đánh thức trước thời điểm họ thường bắt đầu mộng du khoảng 15 phút. Họ sẽ tỉnh táo trong vài phút trước khi đi ngủ trở lại. Quá trình điều trị này sẽ lặp lại trong nhiều đêm, cho đến khi lối mòn hoạt động não bộ của họ trong lúc ngủ bị thay đổi và tình trạng mộng du chấm dứt. Phương pháp điều trị mộng du bằng thôi miên cũng ngày càng trở nên phổ biến.
Các thói quen tốt trước khi đi ngủ là yếu tố rất quan trọng để ngăn ngừa hiện tượng mộng du xảy ra. “Người bệnh cần duy trì tâm trạng thoải mái trước khi đi ngủ. Họ cần tránh ánh sáng xanh phát ra từ màn hình các thiết bị điện tử và những tác nhân kích thích khác. Điều này không chỉ giúp người bệnh dễ chìm vào giấc ngủ mà còn giúp họ ngủ ngon và sâu giấc hơn”, Nisbet cho biết.
Trong những trường hợp bị mộng du nghiêm trọng, một đợt thuốc an thần ngắn hạn có thể được chỉ định để đảm bảo giấc ngủ không bị gián đoạn. “Nói chung, những người mắc chứng mộng du thường điều trị theo cách không dùng thuốc. Nhưng nếu các bác sĩ kê đơn thuốc cho họ thì nhiều khả năng đó sẽ là thuốc benzodiazepine [làm giảm hoạt động của não] hoặc thuốc an thần chống trầm cảm ở người lớn và melatonin cho trẻ em”, Nisbet nhận định.
Và bạn nên làm gì nếu phát hiện ai đó đang mộng du?
Nhiều câu chuyện huyền thoại cho rằng linh hồn rời khỏi cơ thể của con người trong lúc ngủ. Việc đánh thức ai đó đang mộng du là hành động rất nguy hiểm, khiến họ trở thành người vô hồn. Trái ngược với niềm tin phổ biến này, việc đánh thức một người đang mộng du sẽ không gây nguy hiểm, mặc dù một số người có thể bị bối rối sau khi thức dậy và mất vài phút để trở lại trạng thái bình thường. Vì vậy, hành động phù hợp nhất là từ từ dìu họ trở lại giường, sử dụng giọng nói nhẹ nhàng và những mệnh lệnh đơn giản.
Mộng du là một chứng rối loạn hành vi bắt nguồn từ giai đoạn ngủ sâu, dẫn đến việc người bệnh đi bộ hoặc thực hiện các hành vi phức tạp khác trong khi hầu như vẫn đang ngủ. |
Theo Live Science