Tìm ra vật liệu để vá những tổn thương, khiếm khuyết trên cơ thể, thay thế phần bị mất, hỏng… là công việc của kỹ sư (KS) Bùi Công Khê. Ở tuổi 74, ông vẫn hăm hở sáng tạo trong lĩnh vực vật liệu y sinh - vốn đang phát triển ngày càng mạnh trên thế giới.
Công nghệ vật liệu y sinh mà KS Bùi Công Khê - Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội - theo đuổi có thị trường và lợi nhuận tăng tốc rất nhanh trên thế giới, bởi nhu cầu của ngành y về vật liệu cấy ghép, tái tạo khuyết hổng trong cơ thể người ngày càng cao. Nhưng đối với ông, động lực lớn nhất để tìm tòi chính là hạnh phúc của người bệnh khi cơ thể trở lại bình thường, lành lặn. Từ động lực đó, nhiều sản phẩm sáng tạo đã ra đời.
Công nhân thành nhà nghiên cứu
Sau 6 năm làm công nhân ở Công ty dệt kim Mùa Đông Hà Nội, Bùi Công Khê mới đi học bổ túc văn hóa cấp 3. “Công ty cử đi học do tôi đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua loại xuất sắc” - ông giải thích.
Chương trình 3 năm (lớp 8, 9, 10), ông hoàn thành trong một năm; ngày đi làm, tối học tuần 2 buổi. Không ai ngờ ngay khi học xong bổ túc, ông đỗ đầu khối dự bị đại học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và được chọn đi học ở Liên Xô (cũ).
Rào cản lớn nhất với chàng trai 25 tuổi khi sang xứ lạ là ngoại ngữ, nhưng cũng bằng cách kiên cường chịu khó, sau 6 năm rưỡi, ông hoàn thành chương trình về vật liệu điện tử, bán dẫn, về làm ở Viện Ứng dụng công nghệ.
Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, ông được cử sang Nga tìm xem có công nghệ nào đưa được về Việt Nam không. Nhờ các thầy giáo cũ, ông học được công nghệ vật liệu cácbon - vốn được ứng dụng cho quốc phòng, hàng không, vũ trụ hoặc máy móc về dầu khí, chỉ có một mảng nhỏ về dụng cụ y sinh, thay thế hộp sọ, nẹp, xương. “Trong mớ hỗn độn đó, tôi nghĩ cái này hay và xin tiếp nhận công nghệ, dù biết sẽ khó khăn khi ứng dụng tại Việt Nam” - ông kể.
Từ năm 1996 đến nay, đề tài về vật liệu cácbon trong y sinh do KS Khê làm chủ nhiệm đã được ứng dụng rộng rãi trong các bệnh viện. Hơn 40.000 bệnh nhân đã được băng bỏng và vá vết thương bằng băng cácbon, 500 bệnh nhân được vá sọ bằng vật liệu cácbon. Tuy vậy, ông vẫn không hài lòng: “Cái này vẫn còn hạn chế, khi đưa vào người bệnh nhân không được mỹ quan vì nó có màu đen”.
Tiên phong dùng nhựa peek ở Việt Nam
Ở Việt Nam có rất nhiều bệnh nhân bị mất xương hàm dưới và lồi cầu hàm dưới do chấn thương, ung bướu. Việc tái tạo khuôn mặt bằng vật liệu thay thế titan có chi phí rất cao, ví dụ lồi cầu xương hàm giá khoảng 3.000USD. Thực tế này thôi thúc KS Khê tìm ra vật liệu mới vừa đáp ứng được tiêu chí về chất lượng, thẩm mỹ, vừa rẻ.
“Qua tìm hiểu, tôi thấy nhựa peek có nhiều ưu điểm khi ứng dụng vào y học như độ tương thích và độ bền sinh học cao, không cản quang, không bị nhiễm từ. Nó được xem là vật liệu sinh học tiềm năng” - Bùi Công Khê giải thích lý do ông chọn vật liệu này để nghiên cứu ứng dụng lâm sàng.
Vẫn nhớ như in bệnh nhân đầu tiên được tái tạo một phần cơ thể bằng nhựa peek năm 2012, ông kể: “Đó là một cô gái 27 tuổi ở Bắc Giang, bị mất nửa hàm dưới, mặt móp lại. Cô khóc với bác sỹ, xin được giúp đỡ vì đã đến tuổi cần có một tấm chồng. Các bác sỹ Bệnh viện Quân y 103 đặt vấn đề với tôi tìm cách giúp, vì gia đình không có điều kiện dùng vật liệu titan”.
Hồi đó, nhựa peek đã được Anh, Mỹ, Ấn Độ... ứng dụng trong y học, nhưng mới chỉ dùng để thay thế các đốt sống, khớp ngón tay, xương đùi, nẹp vít kết xương… “Trên thế giới lúc đó chưa có công bố nào về việc dùng peek thay thế lồi cầu, xương hàm dưới” - BS Lưu Xuân Quyết - Phó khoa Hàm - Mặt, Bệnh viện Quân y 103, đơn vị thực hiện nghiên cứu lâm sàng nhựa peek - cho biết.
Thời gian đầu, KS Bùi Công Khê tự bỏ tiền nghiên cứu, tạo khuôn, làm đi làm lại, sau 4-5 tháng mới thành công. Cô gái đó đã có lại gương mặt xinh xắn. Và 6 năm qua, đã có khoảng 30 bệnh nhân lấy lại được diện mạo bình thường nhờ nhựa peek. Theo BS Quyết, ứng dụng này mở ra hướng điều trị mới trong tạo hình hàm - mặt, giảm 1/3-1/5 chi phí so với titan.
Muốn tiếp tục mở rộng ứng dụng của nhựa peek, KS Khê đang tiếp tục nghiên cứu chế tạo hộp sọ toàn phần bằng vật liệu này. Được hỏi đã quá tuổi “cổ lai hy” mấy năm rồi, sao không bớt việc để nghỉ ngơi, ông cười xòa: “Không ai bắt tội tôi đến tuổi này vẫn phải làm việc, nhưng tôi nghĩ mình có sức thì nên đóng góp cho xã hội là tốt nhất. Giá trị của khoa học không giới hạn tuổi tác”.