Được biết, để xâm nhập vào quỹ đạo sao Mộc, Juno đã bắt đầu bay chậm lại khi cách hành tinh này khoảng 4.199 km. Sau đó, tàu thăm dò này chuyển sang chế độ lái tự động khi tiến hành quá trình đốt động cơ chính kéo dài 35 phút nhằm tạo ra lực đẩy để vào quỹ đạo của sao Mộc. Theo các nhà khoa học, đây chính là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của cả dự án. Cuối cùng, khi Juno an toàn tiến vào quỹ đạo sao Mộc, tất cả các nhà khoa học thuộc dự án đã vỡ òa trong hạnh phúc.
Tàu thăm dò sao Mộc Juno. Ảnh: NASA
“Chúng ta đang ở đó, trên quỹ đạo sao Mộc. Chúng ta đã chinh phục được sao Mộc” - Rick Nybakken, người đứng đầu dự án Juno của NASA phấn khích chia sẻ.
Tàu thăm dò Juno có trị giá 1 tỷ USD. Nó được phóng lên vũ trụ 5 năm trước để thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là thám hiểm sao Mộc nhằm làm sáng tỏ sự hình thành của hành tinh với bầu khí quyển và môi trường độc đáo này. Qua những dữ liệu thu được, các nhà khoa học hy vọng sẽ làm sáng tỏ được sự hình thành của Trái đất cũng như của Hệ Mặt trời.
Được biết, Juno sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn từ các bức xạ lớn gấp 20.000 lần Trái đất của hành tinh có môi trường khốc liệt nhất trong hệ Mặt trời. Tàu thăm dò này sẽ bị sóng của các electron trong bầu khí quyển của sao Mộc làm suy giảm chức năng của các thiết bị điện tử.
Trong quá trình bay trên quỹ đạo, Juno sẽ liên tục chụp ảnh có độ phân giải cao cũng như đo từ trường, lực hấp dẫn và chuyển về Trái đất cũng như tìm kiếm dấu hiệu của nước.
Theo kế hoạch, Juno có thể cung cấp những bức ảnh đầu tiên về sao Hỏa vào ngày 27/8. Con tàu vũ trụ do hãng Lockheed Martin chế tạo sẽ tồn tại khoảng 20 tháng trước khi rơi xuống sao Mộc và bị bầu khí quyển của hành tinh này phá hủy.