Theo báo cáo của nhóm chuyên gia gửi EU về hệ thống nghiên cứu và đào tạo của Ba Lan, muốn giảm khoảng cách chất lượng nghiên cứu của Ba Lan với các nước EU, trước hết phải cải cách lại hệ thống.

Nhưng liệu các nước nghèo như Ba Lan có thể thu hẹp khoảng cách nghiên cứu với các nước giàu như cách họ có thể thu hẹp khoảng cách kinh tế không?

Giáo sư Siemieńska cho giả định này là sai lầm. bởi vì trong kinh tế, các nền sản xuất kém phát triển hơn sẽ tham gia thuê ngoài sản xuất với chi phí thấp cho các công ty từ các nước giàu có để hy vọng thu được tư bản, việc làm và công nghệ mới để tự thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng công thức này không thể áp dụng được trong học thuật - đặc biệt trong khoa học tự nhiên bới nhiều rào cản, như chi phí đầu tư thiết bị phòng thí nghiệm tốn kém là ví dụ: “Nghiên cứu ở Ba Lan không có chi phí thấp hơn nơi khác vì yêu cầu của nghiên cứu bắt buộc phải sử dụng cùng những thiết bị như ở Michigan, Berlin hay London.”

Thu nhập cũng là vấn đề, theo Pasternack. Tiền lương thấp của công nhân Ba Lan sẽ thu hút Volkswagen thành lập một nhà máy ở đây, nhưng tiền lương thấp của các nhà hóa sinh Ba Lan có thể đẩy họ theo đường di cư sang Mỹ. Bởi thu nhập của nhà nghiên cứu Đông Âu “không cạnh tranh”, hiện tượng chảy máu chất xám tất yếu xảy ra, Pasternack khẳng định. “Đó là chủ nghĩa tư bản học thuật.”Những nhược điểm này tiếp tục tồn tại khiến cho hệ thống nghiên cứu và đào tạo của Ba Lan chậm đổi mới và kém hiệu quả.

Giáo sư Duszczyk từ trường Warszawa đồng ý với ý tưởng sáp nhập các viện vào các trường đại học để cải thiện chất lượng nghiên cứu của khoa học Ba Lan.

Ngoại trừ Slovenia, các nước thành viên EU ở Đông Âu đều gặp phải vấn đề tương tự, theo báo cáo đầu năm nay của EU về Khoa học, nghiên cứu và cải tiến, số lượng các nghiên cứu được trích dẫn nhiều (nằm trong top 10 hay 1% nghiên cứu được trích dẫn) ở các nước này thấp hơn so với mức được kỳ vọng của các chính sách đầu tư công cho nghiên cứu và phát triển. “Nguồn tiền đổ vào nghiên cứu ở các nước như Estonia, Cộng hòa Séc [và] Litva ... dường như không đem lại các kết quả có chất lượng cao”.

Cũng theo báo cáo đầu năm nay của EU, 114 viện nghiên cứu của Ba Lan với hơn 12.000 nhà nghiên cứu, và Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan (PAN) gồm 70 tổ chức và 8.000 nhà nghiên cứu, vẫn tồn tại độc lập với các trường đại học công lập, khác rất nhiều so với hệ thống các đại học nghiên cứu của Anh - Mỹ.

Thực tế này khiến Janusz Grzelak, từng là Thứ trưởng Bộ Đại học Ba Lan, cảm thấy day dứt. Grzelak, giờ đã ở tuổi bảy mươi, mong ước rằng ông đã có thể làm nhiều hơn để đưa các trường đại học và viện nghiên cứu lại với nhau. “Chúng tôi đã nhìn ra vấn đề, Grzelak thừa nhận, nhưng khi đó thay đổi là điều không thể. Thế lực Viện Hàn lâm đến giờ vẫn rất mạnh. Nhưng để duy trì nó thì từ ngân sách, nguồn nhân lực, thiết bị… đến tổ chức quản lý sẽ bị lãng phí… anh phải trả hai lần tiền”.

GS. Duszczyk từ trường Warszawa đồng ý rằng việc sáp nhập các viện vào các trường đại học sẽ giúp “cải thiện vị trí của Ba Lan trong bảng xếp hạng thế giới”, nếu không các đại học Ba Lan sẽ bị “ra rìa” khỏi nhóm các trường nghiên cứu chuyên sâu. Nên dù “không làm nô lệ” cho các xếp hạng, ông thừa nhận chúng luôn “trong tâm trí tôi”.

Tăng cường số lượng và chất lượng sinh viên là một trong những vấn đề trọng tâm trong đổi mới khoa học Ba Lan. Nguồn: man.gov.ua

Thực tế, Estonia đã thực hiện quá trình này với thành quả là Đại học Tartu hàng đầu nước này giờ có thứ hạng vượt trội so với Warszawa - thuộc về nhóm 301-350 trường xuất sắc nhất thế giới trong danh sách của THE, và đứng đầu bảng xếp hạng của tổ chức này về các trường đại học Mới nổi châu Âu dành cho các đại học ở nhóm nước EU13 (Đại học Warszawa xếp thứ sáu).

Tuy nhiên, GS. Duszyński từ Viện Hàn lâm không đồng ý với biện pháp này. Theo ông, vấn đề lớn nhất của hệ thống nghiên cứu đào tạo Ba Lan là hiện tượng “cận huyết” trong học thuật do không có giao lưu quốc tế ở các trường đại học: “Tỷ lệ quốc tế hóa ở các đại học hàng đầu chỉ đạt vài phần trăm với sinh viên, chia theo chuyên ngành thì còn thấp hơn nữa.” Vì vậy, Viện Hàn lâm nên được công nhận là hệ thống đào tạo sau đại học duy nhất với ngân sách thường niên 100 triệu Zloty (20,7 triệu Bảng Anh) trong 7 năm để thu hút sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài.

Nhưng quan điểm cho rằng hệ thống viện hàn lâm đang kìm hãm thay đổi bằng việc phân tán nguồn lực ở quá nhiều cơ quan tổ chức là quá một chiều, theo Pasternack. Bằng chứng ngược lại là thành công của Hệ thống Viện Max Planck vốn thường xuyên giành được các khoản tài trợ của chương trình EU Horizon 2020, hay như của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS).

Một trở ngại khác ở Ba Lan mà Grzelak nói ông hối hận đã không thay đổi được chính sách yêu cầu các nhà nghiên cứu phải hoàn thành bằng tiến sĩ thứ hai - gọi là “habilitation” - trước khi được xem xét học hàm giáo sư. Bởi vậy nên độ tuổi trung bình của giáo sư được phong hàm ở Ba Lan là 50, mà theo Ủy ban châu Âu thì “cao hơn đáng kể so với các hệ thống HE cạnh tranh nhất”.