Trên cơ sở đó ông còn kịp mang về Việt Nam những thông tin mới, các hướng nghiên cứu và quản lý biển mới, đồng thời phục vụ trực tiếp cho các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định trong nước.
“Nhiều bạn bè đồng nghiệp thường nói rằng tôi là người đi tiên phong trong các hướng nghiên cứu, tiếp cận mới bởi một phần nhờ quan hệ quốc tế của tôi rất tốt” – PGS Chu Hồi chia sẻ. Ông tự nhận “mình có duyên làm việc với các tổ chức quốc tế”, đến nay vẫn tham gia vào nhiều hoạt động quốc tế và là thành viên của Ban Chỉ đạo toàn cầu của Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF) kể từ năm 2004.
PGS Nguyễn Chu Hồi (ngoài cùng bên phải hàng thứ nhất) chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu quốc tế tại Singapore tháng 10/2017.
Tại Hội nghị toàn cầu về đại dương lần thứ 3, khi được hỏi nước nào sẽ đăng cai Hội nghị toàn cầu về đại dương lần thứ tư, có năm nước xin đăng cai là Trung Quốc, Chile, Indonesia, Pháp và Việt Nam. Khi được hỏi về tính sẵn sàng, tất cả các nước đều trả lời rằng còn cần phải về báo cáo với lãnh đạo, chỉ duy nhất PGS Chu Hồi khi đó là mạnh dạn trả lời: Việt Nam đồng ý.
“Thực sự tôi thấy mình rất liều bởi khi đó tôi chỉ là Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tham gia với tư cách là nhà khoa học chứ không phải đại diện Chính phủ Việt Nam. Mặc dù rất run nhưng tôi có niềm tin vững chắc rằng các anh (lãnh đạo nhà nước) chắc chắn sẽ ủng hộ và vị thế Việt Nam sẽ được nâng lên”.
Sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị toàn cầu về đại dương lần thứ tư năm 2018 đã thu hút sự tham gia của khoảng 700 đại biểu đến từ nhiều quốc gia có biển trên thế giới. Đây là lần đầu tiên Liên Hợp Quốc tổ chức một sự kiện đại dương lớn như thế ngoài trụ sở của mình và Việt Nam là nước đầu tiên được chọn để thử nghiệm chương trình chỉ có một Liên Hợp Quốc, tức đưa công việc của các cơ quan Liên Hợp Quốc thực hiện ở cấp quốc gia.
“Sự kiện này thường diễn ra ở các quốc gia giàu, mạnh về biển và có vai trò tiếng nói lớn về biển và các quốc đảo. Đây là lần đầu tiên một nước đang phát triển như Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này và người có công lớn nhất là PGS Chu Hồi. Sự kiện đã góp phần khẳng định được vị thế của biển Việt Nam trên biển đảo thế giới và vai trò của chính phủ trong quản lý bền vững tài nguyên biển, đảo và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam”, theo đánh giá của TS Cao Lệ Quyên - Viện phó Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên ban tổ chức sự kiện.
Nhận định về sự kiện này, PGS Nguyễn Chu Hồi cho biết: “Việc đăng cai tổ chức là cơ hội để đưa thế giới đại dương đến với Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, vị thế của biển và ngành thủy sản trong nước. Đồng thời, việc Liên Hợp Quốc bình chọn Việt Nam là nước đăng cai hội nghị cũng thể hiện cách nhìn của quốc tế đối với nước ta”.
Nhờ những đóng góp không mệt mỏi của ông mà tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về Môi trường và Phát triển họp ở Rio de Janeiro năm 2012 (Rio+20), ông là người Việt Nam duy nhất được Diễn đàn Đại dương toàn cầu vinh danh trong số 70 nhà khoa học và nhà quản lý đã có cống hiến cho sự phát triển bền vững đại dương thế giới.