Các công bố quốc tế Bắc Triều Tiên vẫn còn ít ỏi nhưng sau những cuộc đối thoại trong bầu không khí hòa bình mang tính lịch sử vừa qua với Hàn Quốc, các nhà khoa học đã có đủ hi vọng vào việc quốc gia này sẽ khai thông để có thể đón nhận nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế hơn.
Trong bài phát biểu ngày 20/4/2018, nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un cho biết, đất nước của ông có thể bắt đầu tập trung vào việc thúc đẩy kinh tế thông qua khoa học và giáo dục. Mới trở về sau cuộc họp bàn về các đề xuất nghiên cứu với các nhà khoa học Bắc Triều Tiên vào ngày 21/4 tại Pyongyang, James Hammond - nhà địa chấn học ở Birkbeck, trường Đại học London, bình luận, điều đó hứa hẹn một viễn cảnh tươi sáng cho khoa học quốc gia này.
Hammond tham gia vào một hợp tác nghiên cứu hiếm hoicùng các đồng nghiệp Mỹ, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên về Paektu, một núi lửa tiềm ẩn nhiều nguy cơ phun trào nằm gần biên giới Bắc Triều Tiên - Trung Quốc.
Trường Đại học Kim II Sung chiếm gần một nửa tổng số công bố hằng năm của Bắc Triều Tiên. Ảnh: Nhà dược học Ryong Son II của Bệnh viện Kim Man Yu từng theo học tại khoa dược Trường Y khoa Pyongang của Đại học Kim II Sung. Nguồn: 216changun.tumblr.com
Nghiên cứu này đã bắt đầu từ năm 2011 và có ít nhất một công bố quốc tế trên Science Advancesvào tháng 4/2015. Hammond cho biết thêm, “Tôi có một cảm giác tích cực về Bắc Triều Triên. Rõ ràng là hiện giờ khoa học và các nhà khoa học ở đó đều được quan tâm đầu tư ở mức rất cao. Các đồng nghiệp của chúng tôi đều rất say mê theo đuổi khoa học và hướng đến hợp tác quốc tế. Bầu không khí nồng ấm mới trong quan hệ chính trị có thể góp phần làm gia tăng thêm điều đó”.
Bắc Triều Tiên đã sẵn sàng mở rộng sự hiện diện của mình trong hệ thống ấn phẩm khoa học quốc tế: năm ngoái, các nhà khoa học nước này đã xuất bản hơn 80 công bố quốc tế trong số những tạp chí thuộc nhóm chính trong các chuyên ngành, nhiều gấp 4 so với số lượng công bố của họ vào năm 2014 - theo dữ liệu thống kê của Web of Science. (Các hồ sơ về xuất bản quốc tế của Bắc Triều Tiên có thể không đáng tin cậy lắm nhưng những chỉ dẫn khoa học khác cũng cho thấy những thay đổi tương tự về xuất bản của họ; con số thống kê này không bao gồm các báo cáo hội nghị).
Đối tác lớn nhất về khoa học của họ là Trung Quốc -các nhà khoa học Bắc Triều Tiên đồng xuất bản công trình với các đồng nghiệp Trung Quốc chiếm 60% tổng số công bố trong vòng 3 năm trở lại đây.
Bên cạnh nghiên cứu về khoa học địa cầu kể trên còn có một dự án hợp tác với một nhóm nghiên cứu Hà Lan để đưa các gene giúp khoai tây có khả năng chống chịu được bệnh tàn rụi, và một hợp tác với các nhà hóa học tại Anh về những khía cạnh lý thuyết của pin mặt trời bằng vật liệu perovskite.
Aron Walsh– nhà khoa học vật liệu tại Đại học Hoàng gia Anh từng tham gia hợp tác này, đã xuất bản hai công bố quốc tế với các nhà nghiên cứu Bắc Triều Tiên chỉ bằng con đường trao đổi thông tin khoa học qua email. Walsh nói, “chúng tôi hi vọng cuối cùng sẽ có dịp gặp gỡ nhau vào mùa hè này. Ông cũng cho biết thêm, Hàn Quốc cũng có một cộng đồng lớn nghiên cứu về vật liệu perovskite và “tôi đã từng thấy một sự lạc quan dè dặt xung quanh khả năng hợp tác liên Hàn trong lĩnh vực này.”
Các nhà nghiên cứu Bắc Triều Tiên đang bắt đầu công bố các công trình khoa học của chính mình, đặc biệt trong lĩnh vực toán học, vật lý và khoa học vật liệu. Về tổng thể, những lĩnh vực nghiên cứu chính của quốc gia này là kỹ thuật, vật lý, hóa học, khoa học vật liệu và toán học, vốn chiếm 80% tổng số công bố của họ kể từ năm 2015. Và các nhà nghiên cứu trường Đại học Kim Il-sung tại Pyongyang chiếm gần một nửa tổng số công bố của đất nước mình.
Tập trung vào nghiên cứu
Grant Lewison – một chuyên gia đặc biệt về trắc lượng thư mục tại Đại học Kinh (King’s College London) đang nghiên cứu về công bố quốc tế của Bắc Triều Tiên, nhận xét, dường như Bắc Triều Tiên không dành nhiều quan tâm đến công nghệ sinh học và y sinh dược học.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, nỗ lực nghiên cứu khoa học của quốc gia này đã được hướng thẳng tới mục tiêu ứng dụng trong quốc phòng”, ông nói. Nếu có được sự cởi mở về chính trị hơn thì họ sẽ có thể gia tăng số lượng công bố quốc tế - đặc biệt là thiết lập được những hợp tác với Hàn Quốc.
Dĩ nhiên, số lượng công bố quốc tế của Hàn Quốc hiện nay đang ở thế vượt trội so với người hàng xóm của mình. Năm ngoái, Hàn Quốc có trên 63.000 công bố, tăng lên 14% so với năm 2014.
Hammond hy vọng, nghiên cứu sẽ trở thành phương tiện hữu hiệu nối mối quan hệ hợp tác Bắc - Nam. “Khoa học là một cơ sở để người ta có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt”, ông nhận xét. Ông và đồng nghiệp đang chuẩn bị một công trình cho những phân tích đầu tiên của họ về núi lửa Paektu bằng cách sử dụng dữ liệu địa chấn của cả Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. “Nếu chúng ta muốn hiểu về ngọn núi lửa này, cần phải có sự tiếp cận xuyên biên giới”, Hammond giải thích.
Hợp tác nghiên cứu khoa học như thế này vẫn còn phải đối mặt với vô số rào cản ngoại giao. Năm ngoái, Mỹ cho biết, người mang hộ chiếu Mỹ có thể không tới được Bắc Triều Tiên nếu không có sự miễn trừ đặc biệt. Và các trừng phạt hiện nay của Mỹ có thể ngăn cản những hợp tác khoa học với Triều Tiên trừ phi có sự đồng ý từ một ủy ban của Liên Hợp Quốc nếu nghiên cứu đó không liên quan đến hạt nhân hoặc các hoạt động liên quan đến quân sự (các nhà khoa học đã nhận được sự cho phép của Liên Hợp Quốc, Hammond cho biết).
Nghiên cứu của Bắc Triều Tiên về năng lượng hạt nhân (lĩnh vực họ không cần đến việc phải có công bố trên các tạp chí quốc tế) từng được thiết lập trên cơ sở mối quan hệ hợp tác với Nga, Jenny Town - Phó giám đốc tại Viện nghiên cứu Mỹ-Hàn tại trường Các nghiên cứu quốc tế tiên tiến Johns Hopkins (SAIS) tại Washington DC, nói. Trước đây, Bắc Triều Tiên và Mỹ từng có một trao đổi khoa học về các chủ đề về năng lượng và biến đổi khí hậu.Town lưu ý, “Tất nhiên là cũng có rất nhiều quan tâm vào việc hợp tác nghiên cứu trở lại nhưng cũng có ít hi vọng khi các lệnh trừng phạt ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn”.
Kim Jong-un đã cam kết vào tuần trước là sẽ đóng cửa khu liên hợp hạt nhân Punggye-ri của Bắc Triều Tiên - nơi được Bắc Triều Tiên dùng để thử bom hạt nhân – và nói rằng sẽ cho phép các thanh tra quốc tế vào địa điểm này để thẩm tra. “Đóng cửa khu liên hợp hạt nhân và cho phép các thanh tra vào đó là một sự nhượng bộ ngoại giao quan trọng nhưng cũng chỉ là một trong những cách định hình hình ảnh đất nước theo cách ôn hòa”, Town cho biết.
Bà hiện là biên tập viên của trang web 38 North, một dự án của Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn tại SAIS vẫn được một số chuyên gia hạt nhân Mỹ cung cấp các phân tích và tường thuật về các hoạt động hạt nhân ở Bắc Triều Tiên. “Tôi biết các nhà nghiên cứu của chúng tôi đang rất hào hứng về những tiềm năng đang được thúc đẩy trong khoa học,” bà nói.