IPCC từng ước tính rằng thế giới có thể sẽ chạm ngưỡng 1,5 độ C vào đầu những năm 2030. Nhưng giờ đây, Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO cho rằng thời hạn này sẽ đến trước năm 2028.

Con số nổi tiếng 1,5 độ C, thường được coi là giới hạn nóng lên tối đa có thể chấp nhận được, bắt nguồn từ thỏa thuận Paris năm 2015 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Thỏa thuận này tuyên bố mục tiêu giữ nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, và 1,5 độ C nếu có thể.

Thỏa thuận Paris không chỉ rõ nội hàm của khái niệm nóng lên 1,5 ºC là trung bình bao nhiêu năm. Tuy nhiên, báo cáo gần đây nhất của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), xuất bản vào năm 2021, làm rõ rằng Trái đất sẽ được coi là nóng lên 1,5 độ C khi mức nhiệt độ trung bình trong vòng 20 năm ấm hơn 1,5 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1850–1900, kể từ năm đầu tiên đạt ngưỡng này.

Nhiều nước châu Á vừa trải qua đợt sóng nhiệt bất thường trong tháng 4.

IPCC từng ước tính rằng thế giới có thể sẽ chạm ngưỡng 1,5 độ C vào đầu những năm 2030. Nhưng giờ đây, WMO cho rằng thời hạn này sẽ đến trước năm 2028. “Khung thời gian ngày càng hẹp hơn", William Solecki, nhà địa lý học tại Đại học Thành phố New York, đồng tác giả ước tính của IPCC, cho biết.

Hiện tại, một cuộc "kiểm kê toàn cầu" kéo dài 2 năm về các mục tiêu của thỏa thuận Paris đang được hoàn thiện và sẽ được trình bày tại COP28 vào tháng 11 tới. Thông tin đến nay cho thấy mọi việc đang không theo kế hoạch. Để có 50% cơ hội hạn chế nóng lên toàn cầu dưới mức 1,5 độ C, khí thải nhà kính toàn cầu phải đạt đỉnh trước năm 2025, theo báo cáo kiểm kê. Điều này vẫn chưa xảy ra và các cam kết giảm phát thải quốc gia đến nay không đủ để đáp ứng mục tiêu.

Con số 1,5 độ C được chọn vì đây là ngưỡng bắt đầu xảy ra các hiện tượng nghiêm trọng nhất của nóng lên toàn cầu, bao gồm các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và tác động an ninh lương thực. Tuy nhiên, các chuyên gia của IPCC nhấn mạnh rằng không nên coi 1,5 độ C là “ngưỡng an toàn” và chỉ cần ở dưới ngưỡng là sẽ ổn. Nóng lên toàn cầu là một tiến trình liên tục, nhiệt độ càng cao, hệ quả càng tồi tệ, theo Solecki.

Theo IPCC, khi Trái đất vượt ngưỡng 1,5 độ C, những ngày cực nóng ở các vĩ độ trung bình sẽ nóng hơn 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, mực nước biển sẽ dâng 0,75 mét vào năm 2100, 8% thực vật và 4% động vật có xương sống sẽ mất hơn một nửa môi trường sống và sản lượng đánh bắt thủy sản toàn cầu hằng năm giảm 1,5 triệu tấn.

IPCC cũng lưu ý rằng do nóng lên toàn cầu diễn ra không đồng đều, hơn 1/5 dân số thế giới hiện sống ở những khu vực đã có nhiệt độ vượt ngưỡng 1,5 độ C trong ít nhất một mùa trong năm. Mà “cứ 1/10 độ trên ngưỡng 2 độ C, các tác động khí hậu càng mang tính hệ thống hơn, khó đảo ngược hơn," Solecki nói.

Quan trọng hơn là khi nào thì đỉnh nhiệt sẽ xuất hiện. Câu trả lời có thể phải mất nhiều thập kỷ nữa mới biết. Theo các dự báo về nhiệt độ toàn cầu năm 2021 của IPCC, nếu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mức nóng lên cao nhất sẽ vào khoảng 1,6 độ C trong cùng năm, và sẽ giảm xuống 1,4 độ C vào năm 2100. Tuy nhiên nếu lượng phát tải tiếp tục tăng, mức nóng lên sẽ đạt 4,4 độ C vào năm 2100 và tiếp tục tăng sau đó.


Nguồn: