Điều này có lợi trong việc kiểm soát bệnh lao ở các nước có số người mắc bệnh cao như Việt Nam.
Chờ đảo lộn cục diện
Nghỉ giải lao sau khi thực hiện công việc quen thuộc hàng ngày là khám và cho thuốc bệnh nhân, BS Trần Thị Mai An, trưởng tổ chống lao thuộc trung tâm y tế quận 10, TP.HCM, nói: “Trước đây ai cũng cho rằng lao là bệnh của người nghèo, nhưng nay đó là bệnh của bất kỳ ai, người giàu cũng có thể mắc bệnh nếu chủ quan”.
Cái khó trong kiểm soát bệnh lao là số người lành mang mầm bệnh quá nhiều và không ai biết họ. Họ mang vi trùng lao trong người, nhưng do sức đề kháng của cơ thể còn tốt nên bệnh chưa phát ra. Người ta ước tính có khoảng 40% trường hợp mắc bệnh lao, mà tình trạng nhiễm trùng không thể được nhận diện cho đến khi triệu chứng trở nên rõ ràng.
Khám bệnh nhân lao tại quận 10, TP.HCM. Ảnh: Bình Yên.
Trong nhiều thập kỷ, bệnh lao được chẩn đoán xét
nghiệm da (skin test) hoặc máu, cấy đàm tìm vi trùng hoặc bằng chụp
X-quang. Nhưng theo tổ chức Y tế thế giới, xét nghiệm da hay máu không
chính xác, cấy đàm mất nhiều ngày để cho kết quả và chỉ có thể thực hiện
bởi các xét nghiệm viên tay nghề cao, còn chụp X-quang chỉ phát hiện
được khi tổn thương đã lan xa.
Kể từ năm 2010,
việc phát hiện lao đã được cách mạng hoá bằng thiết bị GeneXpert, và
người ta chỉ mất hai giờ để xác định một người có mắc bệnh lao hay
không. Điểm hay hơn nữa là GeneXpert có thể biết bệnh nhân đã bị lao
kháng thuốc hay không, trong khi lao kháng thuốc diễn biến rất phức tạp,
và Việt Nam xếp thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa
thuốc cao nhất thế giới.
Kỹ thuật GeneXpert tích hợp ba công nghệ: tách gien, nhân gien và nhận biết gien. TS.BS Phan Thượng Đạt, trưởng khoa Lao kháng thuốc bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, nhận xét: “GeneXpert phát hiện chuỗi DNA của vi khuẩn lao và tính kháng thuốc Rifampicine bằng phản ứng chuỗi polymerase. Dựa vào hệ thống Cepheid GeneXpert, một chất nền cho sự khuếch đại một cách nhanh chóng các acid nucleic, bộ gien của vi khuẩn lao có kháng thuốc Rifampicine được tinh lọc, tập trung và nhân lên; và cho kết quả trong 90 phút với kết quả tin cậy và không cần kỹ thuật viên có trình độ cao”.
Với đặc điểm như thế, khi GeneXpert ra đời, nhiều người không ngần ngại gọi nó là “kẻ thay đổi cuộc chơi”, nghĩa là có thể làm đảo lộn cục diện. Kể từ 2011, Việt Nam bắt đầu thử nghiệm GeneXpert tại một số nơi để triển khai khắp nước.
GeneXpert cũng hạn chế
Mặc dù được xem là kỹ thuật hàng đầu và quan trọng nhất trong xét nghiệm chẩn đoán ban đầu cho những trường hợp nghi lao kháng thuốc hoặc lao đồng nhiễm với HIV, nhưng một số chuyên gia cho rằng, GeneXpert có vài hạn chế.
Tại hội thảo “Tìm kiếm giải pháp mới nhằm đối đầu với những thách thức mới trong việc phát hiện và kiểm soát bệnh lao tại Việt Nam” vào cuối năm 2014, TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan, trưởng khoa Vi sinh bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, cho biết giá thành sản phẩm của GeneXpert khá cao, chưa phù hợp với tình hình Việt Nam.
Các chuyên gia thế giới cũng thừa nhận như thế. Thiết bị làm GeneXpert rất đắt, ngay cả khi chương trình đã giảm giá cho các nước nghèo. Một hạn chế khác là, để làm xét nghiệm này bệnh nhân phải cố sức rất nhiều để lấy được đàm từ sâu trong phổi, điều không dễ đối với trẻ em, người già hoặc bệnh nhân yếu sức. Một vài bệnh viện đã phải làm “phòng ho” để bệnh nhân lấy đàm. Ở đây người ta cho phun sương muối để sương đi sâu vào phổi, giúp bệnh nhân ho và khạc đàm dễ dàng.
Để giải quyết khó khăn này, TS Alessandra Luchini của đại học George Mason (Mỹ) và cộng sự vừa phát triển một loại xét nghiệm nước tiểu chẩn đoán bệnh lao trong vòng 12 giờ. Xét nghiệm này phát hiện một thành phần bọc trên bề mặt của vi khuẩn lao có tên lipoarabinomannan glycans, chất đường bắt cặp với các protein tạo thành hàng rào bảo vệ vi khuẩn chống lại sự tấn công của hệ miễn dịch. Trong cuộc chiến này, đường bị rơi rụng ra, đi vào máu, đến thận và được lọc ra vào nước tiểu. Trong nước tiểu cô đặc của bệnh nhân nhiễm lao, người ta dễ dàng phát hiện thành phần này với kết quả chính xác gấp 1.000 lần so với các kỹ thuật trước đây phát hiện vi khuẩn lao trong nước tiểu.
Trong một thử nghiệm trên khoảng 100 bệnh nhân, một nửa đã có bệnh lao, xét nghiệm cho kết quả chính xác tương đương như GeneXpert. Theo Luchini, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện công nghệ sao cho nó trở thành “một loại test nhanh bệnh lao như kiểu que thử thai”.
Theo các chuyên gia, việc chẩn đoán kịp thời và chính xác bệnh lao là điều rất quan trọng để khống chế thảm hoạ lao, vì một khi bệnh nhân càng được phát hiện và điều trị sớm, nhiều khả năng họ càng được chữa lành bệnh và hạn chế sự lây lan cho cộng đồng. Như vậy giải pháp xét nghiệm nước tiểu làm tốt hơn GeneXpert.