Nghiên cứu quy trình lên men rong biển
“Hơn 20 năm qua, tôi lớn lên ở đây, nhìn thấy những người dân quê mình, ngày ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng số tiền thu về không đủ cho họ có cuộc sống ấm no. Nếu được nắng, rong khô còn bán được cho thương lái. Còn ngày mưa, rong không khô, để vài ngày là hỏng, người nông dân ngậm ngùi phải bỏ đi dù rất cực khổ để hái”. Lê Thị Thanh Thanh – cô gái sinh ra và lớn lên ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói những trăn trở khiến đẩy cô đến quyết định khởi nghiệp bằng những sợi rong chân vịt quê mình góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân quê mình.
Tháng 8/2017, Thanh bắt đầu triển khai dự án. Ban đầu, công việc chủ yếu của Thanh là tìm đầu ra và hướng đi cho rong khô. Tuy nhiên, Thanh nhận thấy, rong khô sau khi phơi vừa mất đi phần lớn chất dinh dưỡng vừa không phải ai cũng biết cách chế biến, nên không được nhiều khách du lịch lựa chọn khi đến Lý Sơn. Vì vậy “Năm 2015 khi đến Phan Rang, tôi thấy người dân lên men lá dâu tằm và lá xanh để thử nghiệm cho quy trình lên men tỏi đen. Lúc đó, tôi chợt nghĩ đến việc áp dụng thử với rong biển. Kết quả là, rong biển lên men để được 3 tháng, sản phẩm có thể sử dụng luôn, dễ uống, bổ dưỡng, thích hợp với việc làm quà biếu” - Thanh kể về việc cho ra đời sản phẩm của mình.
Nghe kể thì có vẻ đơn giản nhưng thực tế, cô gái Lý Sơn 22 tuổi đã mất rất nhiều thời gian và rong biển để thử nghiệm cho ra quy trình chuẩn. “Khi quyết định thử lên men rong, tôi học cách người ta lên men lá cây, kết hợp với công thức lên men tỏi của gia đình, nhưng do áp suất, thời gian và nhiệt độ không hợp lý nên rong ủ được vài ngày thì mốc, hỏng, vi sinh vật không lên men được. Phải sau rất nhiều lần thử nghiệm, rong biển lên men thành công, để được tới 3 tháng mà không hỏng. Tuy nhiên, mùi vị thì rất khó ngửi. Thử tất cả các loại rong trên đảo từ rong nâu, rong mơ, rong xanh... thì rong chân vịt là loại duy nhất cho sản phẩm tươi ngon, dễ sử dụng, mùi vị hài hòa, hàm lượng Fucoidan tương đương với rong tươi” – Thanh chia sẻ về việc tìm hiểu quá trình lên men rong.
Lê Thị Thanh Thanh trình bày dự án Vinarongbien tại Chương trình Ươm tạo Startup Incubation Program SIP100 của ĐH Ngoại thương. Ảnh: NV
Trong lần sản xuất đầu tiên, Thanh sản xuất 400 hộp rong biển lên men. Mỗi hộp có có trọng lượng 250 gram và được bán với giá 37.000 đồng tại cửa hàng của gia đình trên đảo Lý Sơn và nhận được phản hồi tích cực từ du khách. “Mong muốn của tôi là xây dựng thương hiệu cho rong biển lên men như hành tỏi Lý Sơn, để bất cứ du khách nào tới cũng phải mua về. Sau khi có được thương hiệu rồi, tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm khác như nước uống thảo dược, trà rong biển, mặt nạ....” – Thanh nói.
Sẽ tiêu thụ 90% sản lượng rong ở Lý Sơn
Sau rất nhiều lần tiếp cận với các nhà đầu tư, gần đây startup mang tên Vinarongbien của Lê Thị Thanh Thanh mới nhận được khoản hỗ trợ đầu tiên là 450 triệu đồng từ chương trình Ươm tạo Startup Incubation Program SIP100 của ĐH Ngoại thương. Thanh cho biết, với số tiền này, chị dành 100 triệu để mua rong dự trữ, gối cho vụ sau. Số tiền còn lại chị sẽ xây dựng mô hình hoạt động cơ bản cho Vinarongbien, từ quy trình sản xuất đến phân phối chủ yếu trên đảo Lý Sơn.
Nói về cái khó của startup xã hội khi đi gọi vốn cùng các startup công nghệ, Lê Thị Thanh Thanh cho biết, các sản phẩm công nghệ thường ngay lập tức nhận được phản hồi từ nhà đầu tư, các bên liên quan đến khoa học công nghệ. Trong khi đó, hầu hết, các nhà đầu tư mạo hiểm rất thận trọng với các dự án khởi nghiệp xã hội. Họ dành nhiều thời gian tìm hiểu xem vấn đề mà chúng tôi giải quyết mang lại điều gì đó có ích cho cộng đồng, môi trường và người dân. Nghĩa là, tôi vừa phải làm sao để có được sản phẩm tốt, vừa giúp ích người dân và vừa có lợi nhuận thì mới có thể nhận được cái gật đầu của họ”.
Hiện mỗi năm, người dân Lý Sơn thu hoạch được khoảng 200 tấn rong chân vịt ở đảo và 300 tấn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, chủ yếu được bán cho các thương lái và phân phối đi các nơi và chịu rất nhiều thiệt thòi với các thương lái. Vì vậy, trong 3 năm tới, mục tiêu của Thanh là thu mua và tiêu thụ 90% rong chân vịt của người dân với giá cao hơn giá thị trường từ 5.000 đến 7.000 đồng, giúp người dân có thể sống được bằng nghề hái rong.