Hàn Quốc hiện đang rất nỗ lực thu hút sự chú ý của người dân và doanh nghiệp đến với cuộc CMCN 4.0. Ngay từ trước khi các khái niệm và đặc tính của CMCN 4.0 được xác định, trong giới học giả đã xuất hiện nhiều ý kiến phân tích và những cảnh báo về tác động do xu thế mang lại. Nhiều lãnh đạo công nghiệp còn tỏ ra nghi ngờ, rằng liệu sự dịch chuyển sang CMCN 4.0 đã thực sự diễn ra hay chưa (Kiet, 2017)1
Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab (2017)2 từng đưa ra nhận định về sự thiếu vắng của một dòng chảy chung và liền mạch để tích cực dẫn dắt thế giới đi qua những cơ hội và thách thức do CMCN 4.0 mang đến; Trong lúc đó, năng lực lãnh đạo và sự hiểu biết của chúng ta liên quan đến các xu hướng trong nhiều lĩnh vực hiện vẫn còn ở mức thấp so với yêu cầu cần xét lại của cả hệ thống kinh tế, xã hội, chính trị để có thể thích nghi với những thay đổi mang tính nền tảng. Vì vậy, Hàn Quốc cũng không phải là một ngoại lệ, và nước này cần phải nghiên cứu kỹ hai luận điểm trên để có thể chuyển mình thành công với CMCN 4.0.
Bảng đánh giá Năng lực cạnh tranh của các quốc gia trong CMCN 4.0 do Hiệp hội Ngoại thương Hàn Quốc (KITA) thực hiện đã xếp nước này đứng thứ 21 – khá thấp so với trình độ phát triển chung, nhất là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, thế mạnh của họ (Trade Brief, 2017)3. Trước tình hình đó, GS. Tae Kyung Sung đã khuyến nghị Hàn Quốc cần xem xét bài học kinh nghiệm của EU như kim chỉ nam trong chính sách.
Nhiều quốc gia EU – hiện được xếp dẫn dầu bảng xếp hạng, đã và đang cực kỳ khẩn trương trong quá trình hoạch định chiến lược hành động và tầm nhìn quốc gia cho trung và dài hạn, bên cạnh đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng hiện đại lẫn mạng lưới hỗ trợ toàn diện, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hệ thống các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, chính quyền trung ương và địa phương – tất cả cùng hoạt động độc lập nhưng trên cơ chế phối hợp chặt chẽ.
Robot công nghiệp của Huyndai. Ảnh: Huyndai
Bảng Tóm tắt các sáng kiến hành động được Chính phủ Hàn Quốc lên kế hoạch cho CMCN 4.0 cũng tồn tại nhiều điểm chưa rõ ràng, hay đòi hỏi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các nhà làm chính sách với cộng đồng doanh nghiệp. Và mặc dù chính phủ rất ý thức về tầm quan trọng của CMCN 4.0, song nhiều sáng kiến dường như vẫn chỉ mang tính khẩu hiệu mà thiếu đi các bước hành động chi tiết, bên cạnh những dấu hỏi đặt ra về đến tính khả thi của chúng.
Trước những thách thức trên, GS. Tae Kyung Sung đã đưa ra một số đề xuất mang tính tham khảo, gồm có:
1. Những chính sách do chính quyền trung ương đặt ra cần được làm rõ hơn và điều chỉnh để giúp xây dựng một hệ thống kinh tế xã hội mang khả năng chịu lỗi (tolerance) và thích ứng linh hoạt trước những biến động, cả ở Hàn Quốc lẫn trên thế giới .
2. Cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho cơ sở vật chất để phục vụ, hỗ trợ và thúc đẩy các sáng kiến đổi mới, đặc biệt là tại quy mô địa phương, trong đó nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kỹ nghệ, trường đại học và viện nghiên cứu.
3. Ưu tiên thiết lập hệ sinh thái hỗ trợ để mang đến cơ hội cho sự hội tụ công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và Truyền thông – nền tảng căn bản của CMCN 4.0.
4. Thường xuyên thảo luận về những xu hướng trong xã hội, liên quan đến những thay đổi về mặt đạo đức, tâm lý, … để từ đó có chính sách điều chỉnh kịp thời nhằm thích ứng với các loại hình công việc và điều kiện an sinh mới.
5. Cần có chính sách kinh tế chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với những tác động và làm tối thiểu hóa tình trạng phân cực trong xã hội do sự chuyển dịch công ăn việc làm và chênh lệch thu nhập gây ra.
Nói tóm lại, Hàn Quốc đang rất cần một nền tảng tổng hợp giúp đảm bảo các chính sách thực sự đem lại hiệu quả, bên cạnh sự thúc đẩy phối hợp giữa nhiều chính sách để mang đến hiệu ứng hợp lực (synergy). Chính vì lý do này mà Hội đồng Chiến lược Quốc gia về CMCN 4.0 đã được thành lập và đóng vai trò như một cơ quan đầu tàu. Bên cạnh đó, để liên tục thúc đẩy các hiệu ứng hiệp lực và khuếch tán liên quan đến chính sách, Hàn Quốc cũng cần hoàn thiện hệ thống quản lý năng suất và điều phối tất cả những sáng kiến đổi mới.
Sau cùng, các công ty Hàn Quốc cần cân nhắc đến CMCN 4.0 một cách thận trọng khi nhiều mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống đang trở nên không còn phù hợp bởi sự nổi lên của các công nghệ lẫn ý tưởng mới. Bên cạnh đó là những vấn đề đòi hỏi sự lưu tâm liên quan đến bảo mật thông tin, hay nhu cầu duy trì tính toàn vẹn lẫn khả năng chịu lỗi của cả hệ thống và quy trình sản xuất. Ngoài ra, những thách thức trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cũng không dễ vượt qua, khi phần lớn dân chúng vẫn đang ở trình độ thấp và thiếu hụt kỹ năng, chưa kể nguy cơ dư thừa lao động trước sự đe dọa của robot, trí tuệ nhân tạo (AI) và các quy trình tự động hóa.