Năm 1907, chàng trai trẻ mới ngoài 20 Nguyễn Văn Vĩnh giữ mục “Nhời đàn bà” trên [Đại Nam] Đăng cổ tùng báo của F.-H. Schneider, một trong rất ít báo song ngữ Hán - Quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ, dưới bút danh Đào Thị Loan.

Hiện tượng “mặt nạ tác giả” đặc biệt này, ở ngay buổi đầu của báo chí quốc ngữ, cho thấy một cách tiếp cận hiện đại với việc viết báo và đối tượng viết mới mẻ như vấn đề phụ nữ.

Là một trong những trí thức đầu tiên ở Bắc kỳ, trung tâm của Khổng giáo Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh đã vượt ra ngoài nhóm nhỏ Nho học tinh hoa để bước tới với thường dân, phụ nữ, phần nhân loại phổ biến trước đó ít được nhà nho để ý tới, bằng chính thứ lời ăn tiếng nói phổ biến của họ - Quốc ngữ. Phổ biến chữ Quốc ngữ tới đông đảo người dân, không phân biệt đẳng cấp và giới tính, là quan điểm mang tính cách mạng của nhà cải cách Nguyễn Văn Vĩnh.


Ở Đăng cổ tùng báo, mượn lời cô Đào Thị Loan, Nguyễn Văn Vĩnh, người từ bỏ con đường công chức thuộc địa để làm nhà báo độc lập, thảo luận về nhiều vấn đề: nữ học (vấn đề học mới cho phụ nữ), đoàn hội, cưới hỏi, tang ma,… đến thói xấu của đàn ông, thói tệ của đàn bà, đặc biệt vấn đề đa thê được nhắc đi nhắc lại ở nhiều kì. Đây đều là những vấn đề thân thuộc với đời sống phụ nữ, lại được dẫn dắt bằng các câu chuyện mắt thấy tai nghe, nên tạo được tiếng nói gần gũi, sẻ chia, hợp với lối tâm tình của chị em.

Việc tờ báo, trực tiếp hoặc thông qua lời cô Loan, trao đổi với bạn đọc, đã tạo nên không khí thân tình giữa tòa báo, người viết và bạn đọc. Điều đó cho thấy, xét việc lựa chọn bút danh Đào Thị Loan, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh đã đồng thời đạt được nhiều mục tiêu: tạo nên tính đối thoại, tương tác cho tờ báo, sự tin tưởng, cảm thông đối với vấn đề mới mẻ như đời sống phụ nữ, khiến một phần tờ báo trở thành một diễn đàn phụ nữ hấp dẫn, và cùng với sự hấp dẫn ấy, lôi kéo vào các vấn đề chính trị, xã hội và văn hóa khác được bàn thảo trên mặt báo.

Đến những năm 1913-1914, trên Đông Dương tạp chí, phụ san đặc biệt của Trung Bắc tân văn, song tồn tại khá độc lập, như một tờ tạp chí hướng tới bình dân có vị trí quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam, và cả hai đều do ông làm chủ bút, cũng dưới bút danh Đào Thị Loan, vấn đề phụ nữ đã được bàn thảo có hệ thống, sâu rộng hơn, trong đó nổi bật là sự lấn lướt của diễn ngôn khoa học khi bàn về phụ nữ và các vấn đề liên quan.

Trong nhiều số liên tiếp, cô Đào Thị Loan dành nhiều giấy mực bàn về vấn đề giáo dục con cái, sinh đẻ, đặc biệt là cách thức chăm sóc bà mẹ và em bé sơ sinh theo khoa học Âu Tây. Tất nhiên, để tạo tính sinh động, các “vấn đề riêng của các bà” cũng được nhắc tới, như: lời ăn tiếng nói, đức hạnh, phẩm giá, nữ công gia chánh, cách điểm trang, khuyến thiện, lễ bái,… bên cạnh vấn đề đa thê, như một nan đề trong cuộc đấu tranh bình quyền được thảo luận ở Việt Nam lúc này.

Nhưng đến những năm 1931-1935, các bài luận trên tờ báo Pháp ngữ l’Annam Nouveau do ông sáng lập, cho thấy một lối tiếp cận khác hẳn với vấn đề phụ nữ. Có hai nguyên nhân dẫn tới điều này: Nguyễn Văn Vĩnh trực tiếp đứng tên và viết bằng tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ được ông cho là có lợi khí tốt hơn cho tranh luận học thuật và chính trị so với Quốc ngữ đang thành hình. Trong tư cách một “đấng” nam nhi bàn về vấn đề phụ nữ, Nguyễn Văn Vĩnh đã đối thoại với nhiều quan điểm đương thời về các vấn đề: giáo dục gia đình, giáo dục phụ nữ, báo chí cho phụ nữ, vai trò của phụ nữ, phong trào phụ nữ An Nam… Tất cả cho thấy cách đặt vấn đề mang tính phản biện, với quan điểm riêng, được nêu ra và biện luận một cách chặt chẽ, sáng rõ.

Ủng hộ quyền phụ nữ, đòi hỏi xác lập nữ quyền dựa trên sự tự nhận thức của phụ nữ, hướng tới việc giáo dục cho phụ nữ tri thức hiện đại bên cạnh việc giữ gìn nền nếp cổ truyền,… các bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh đã đặt một góc nhìn cẩn trọng và bền vững vào sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

Mới đây, những bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh về vấn đề phụ nữ trên các tờ báo và tạp chí kể trên đã được sưu tầm, tập hợp trong cuốn sách Lời người Man di hiện đại – “Nhời đàn bà” bởi cháu nội của ông - Nguyễn Lân Bình - và do NXB Phụ nữ ấn hành.