Trong thế kỷ 20, Freud được coi là cha đẻ của ngành phân tâm học, các lý thuyết của ông được phổ biến rộng rãi. Song, có một người phụ nữ đã đứng lên đặt ra nghi vấn và phê bình một số quan điểm truyền thống của ông, đề cao tính nữ, bất chấp những lời chỉ trích và bị tẩy chay, người phụ nữ đó là Karen Horney.
Thời niên thiếu
Karen Danielsen sinh ra ở Đức vào 16/9/1885. Cha bà là một thuyền trưởng độc đoán, sùng đạo, còn mẹ bà là một người phụ nữ có học thức. Cha bà từng có một đời vợ với bốn đứa con. Karen là đứa con thứ hai sau khi cha đi bước nữa, trên bà có một anh trai.
Karen Horney (1885-1952).
Cha bà là một người gia trưởng, ông thường xuyên chê bai ngoại hình lẫn trí tuệ của Karen. Năm lên 9 tuổi, bà quyết định rằng nếu mình không thể xinh đẹp thì nhất định phải thông minh. Từ độ tuổi sớm như vậy bà đã phải chiến đấu với cơn trầm cảm đầu tiên và phải tiếp tục như thế trong cả đời. Lên 13 tuổi, Karen quyết tâm trở thành bác sĩ – một mục tiêu phải nói là tham vọng và không thực tế đối với người phụ nữ trẻ cuối thế kỷ 19.
Việc học và nghiên cứu tại Đức
Không được cha mẹ ủng hộ, song Karen vẫn vào được trường y vào năm 1906, và là một trong những người phụ nữ đầu tiên đi học Đại học ở Đức. Năm 1911, bà tốt nghiệp và nhận bằng y khoa tại Đại học Berlin. Trong thời gian ở đây, bà gặp gỡ sinh viên luật chuyên ngành kinh tế Oskar Horney. Hai người đã tiến tới hôn nhân vào năm 1909 và bà cải sang họ chồng. Thế nhưng, đời sống vợ chồng không hạnh phúc dù họ có với nhau ba mặt con. Vào năm hạ sinh con gái đầu lòng, bà đã mất cả cha lẫn mẹ. Karen đã tìm kiếm phân tâm học để giúp mình vượt qua cú sốc này.
Tâm lý học nữ tính, cuốn sách tập hợp các bài viết của Karen Horney.
Người trị liệu cho Karen là học trò của Freud, Karl Abraham. Sau này ông trở thành người cố vấn cho bà tại Hiệp hội Phân tâm học Berlin, nơi Karen hành nghề phân tích tâm lý bên cạnh công việc ở bệnh viện. Trong thời gian này, bà giúp thiết kế và cuối cùng chỉ đạo chương trình đào tạo của Hiệp hội, dạy học sinh và tiến hành nghiên cứu phân tâm học.
Suốt những năm 1920 và 1930, thất vọng với lý thuyết của Freud, chủ yếu là về việc nó xoáy trọng tâm vào khái niệm “ghen tị dương vật” - cho rằng phụ nữ có mặc cảm tự xem mình như những người đàn ông khiếm khuyết vì không có dương vật chứ không phải như một giới tính riêng; và phức cảm Oedipus - ham muốn gắn kết tình dục vô thức với mẹ của con trai, và thù địch cha ở giai đoạn 3-6 tuổi, Karen liên tục đưa ra những lời chỉ trích. Năm 1924, bà viết một bài luận về phức cảm thiến hoạn ở phụ nữ và khẳng định nguồn gốc đích thực của “ghen tị dương vật” là do cái cách cha mẹ đối xử với trẻ em gái.
Định cư tại Hoa Kỳ
Năm 1932, lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở Đức, bà nhận lời mời của Franz Alexander và cùng ba con gái chuyển tới Hoa Kỳ, đảm nhận chức vụ phó giám đốc ở Viện Phân tâm học Chicago. Tại đây, bà xây dựng được các mối quan hệ gần gũi với Margaret Mead, Paul Tillich, Ruth Benedict, Erich Fromm, Harry Stack Sullivan, cùng những tên tuổi nổi bật khác trong ngành xã hội học và nhân học.
Karen Danielsen, tay cầm hộp sọ, tạo dáng với các sinh viên đấu kiếm (1906).
Hai năm sau, bà chuyển tới Viện Phân tâm học New York và giảng dạy cho Trường Nghiên cứu Xã hội mới. Tại đây, bà đã nghiên cứu trường phái riêng và viết hai tác phẩm lớn: Neurotic Personality of Our Time (Tính cách thần kinh của thời đại chúng ta) và New Ways in Psychoanalysis (Những cách thức mới trong Phân tâm học).
Tại Hoa Kỳ, Karen vẫn tiếp tục phê bình lý thuyết phân tâm học của Freud, điều này đã gây nên những tranh cãi không ngớt như hồi bà còn ở Đức. Tình hình căng thẳng tới mức bà buộc phải từ chức khỏi Viện Phân tâm học New York vào năm 1941. Cùng năm này, bà đồng sáng lập Hiệp hội vì sự tiến bộ của phân tâm học, tập trung vào tầm quan trọng của văn hóa trong hình thành nhân cách. Bà cũng đồng sáng lập và làm biên tập cho Tạp chí Phân tâm học Hoa Kỳ.
Vào năm 1943, giữa những người sáng lập xảy ra tranh cãi về việc có nên chấp nhận các nhà phân tích không được đào tạo y học hay không, Karen cực lực phản đối điều này. Cuộc tranh chấp dẫn tới một số thành viên rời đi và thành lập Viện và Hiệp hội William Alanson White. Năm 1952, bạn bè và đồng nghiệp đề nghị mở một phòng khám mang tên bà. Không may là cùng năm đó, bà qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 4/12/1952. Phải ba năm sau, Phòng khám Karen Horney mới được thành lập, là một trung tâm điều trị chi phí thấp, đào tạo và nghiên cứu.
Ảnh hưởng tới ngành tâm lý học
Các lý thuyết của Karen về tâm lý học phụ nữ, nghiên cứu về việc hiểu và điều trị các chứng rối loạn thần kinh, cùng các ý tưởng về khả năng phát triển con người và hiện thực hóa lý tưởng của bản thân đã ảnh hưởng tới nhiều nhà tâm lý học. Cùng với Alfred Adler, bà được coi là một trong những người đặt nền móng cho trường phái “Tân Freud”. Chẳng hạn, Maslow tôn vinh bà là người đã sáng lập ra tâm lý học nhân văn, truyền cảm hứng cho ông trong việc lập ra Tháp nhu cầu Maslow.
Với bà, một đứa trẻ trưởng thành tự do và lành mạnh là khi nó cảm thấy an toàn và có lòng tự trọng thực sự. Khi đứa trẻ phải chịu các ảnh hưởng tiêu cực, nó trở nên bất an sâu sắc, Karen gọi đây là nỗi lo lắng sơ đẳng - cảm thấy bất lực hay lạc lõng trong thế giới thù địch tiềm tàng.
Thuật ngữ “nỗi lo lắng sơ đẳng” của bà đã ảnh hưởng tới ý tưởng của Erik Erikson về “nỗi hoài nghi sơ đẳng”, nó trở thành giai đoạn phát triển tâm lý xã hội đầu tiên của ông. Các lý thuyết của Karen về chứng loạn thần kinh cũng giúp khơi dậy cảm hứng cho trường phái tâm lý học giữa các cá nhân và chẩn đoán các rối loạn thần kinh trong tâm thần học.
Tâm lý học nữ tính
Tuy dành nhiều tâm huyết cho phân tâm học truyền thống, Karen tin rằng có nhiều khía cạnh về tính cách và thần kinh là do các bối cảnh môi trường, xã hội và văn hóa quyết định chứ không phải các động lực sinh học, bẩm sinh của con người. Bà biến đổi và mở rộng lĩnh vực phân tâm học bằng cách thách thức rất nhiều hệ tự tưởng nam giới thịnh hành. Chẳng hạn, trong bài viết The Flight from Womanhood, Horney lưu ý định kiến duy dương vật của phân tâm học bắt nguồn từ thực tế là những người tạo ra nó – chẳng hạn như Sigmund Freud – là đàn ông.
Karen là người phụ nữ đầu tiên trình bày bài báo về tâm lý học nữ tính tại một hội nghị quốc tế. Bà phê bình Freud và toàn bộ ngành tâm lý học lấy nam giới làm trung tâm, đưa ra những nhận định về các yếu tố quyết định văn hóa – xã hội đã khiến phụ nữ có vai trò thấp kém.
Bà cho thấy vấn đề ở đây là phụ nữ bị định nghĩa trong mối quan hệ với đàn ông, lập luận rằng nỗi ghen tị dương vật, nếu có thứ ấy tồn tại, thì nó không bắt nguồn từ mong ước có dương vật mà nằm trong khao khát đối với địa vị và sự công nhận mà nền văn hóa đã ưu ái dành cho đàn ông. Bà đưa ra một lý thuyết đối lập với ghen tị dương vật của Freud: sự ghen tị tử cung. Lý thuyết này cho rằng đàn ông có nhu cầu thành công và để lại tên tuổi xuất phát từ khiếm khuyết về mặt sinh học, đàn ông ghen tị với khả năng tạo ra sự sống của đàn bà.
Karen bảo vệ phụ nữ trước cáo buộc cho rằng bản tính của nữ giới là khổ dâm. Bà cho rằng chính việc phụ nữ phải dựa vào đàn ông để có được tình yêu, tiền bạc, sự an toàn và bảo vệ đã khiến phái nữ đề cao quá mức những phẩm chất như sắc đẹp và sự quyến rũ, họ phải tìm kiếm ý nghĩa của mình thông qua mối quan hệ của họ với chồng, con và gia đình. 14 bài báo mà Karen viết từ năm 1922 đến năm 1937 về tâm lý học nữ tính đã được xuất bản sau khi bà qua đời trong một tập có tựa đề Tâm lý học nữ tính vào năm 1967. Bà còn tạo ra những khái niệm về phân tâm học nữ giới mà những người nghiên cứu về sự lệch lạc có thể sử dụng để hiểu vì sao phụ nữ phạm tội – một trường hợp tương đối hiếm.
Những nghiên cứu và đấu tranh không ngừng nghỉ của Karen Horney trong suốt sự nghiệp của mình đã giúp ngành phân tâm học có một cái nhìn công bằng hơn về giới tính, cũng như góp phần tìm ra nguyên nhân, động lực cũng như cách chữa trị cho các chứng loạn thần kinh.
Nguồn: simplypsychology, feministvoices, psychiatrictimes