Là nhà khoa học đi tiên phong trong lĩnh vực chip não, José Delgado đã từng là cái tên lừng danh thế giới và trở thành huyền thoại. Thế nhưng, sự nghiệp của ông bị che khuất trong những thông tin sai lệch và thuyết âm mưu.

Vào năm 1963 tại Tây Ban Nha, trên trường đấu bò tót, một người đàn ông đứng trong đó với chiếc hộp kim loại nhỏ trên tay, đối diện với con bò tót được cấy một loại điện cực có sóng vô tuyến, hay còn gọi là stimoceiver, vào trong não. Ông ra sức chọc tức con bò, khiến nó nổi giận và ngay lập tức lao nhanh về phía mình. Trong khoảnh khoắc nguy hiểm ấy, người đàn ông lùi lại vài bước rồi nhấn nút trên chiếc máy phát sóng vô tuyến. Lạ lùng thay, ngay khi ông ta nhấn xong, con bò bỗng dừng sững lại và quay người bỏ đi. Tính hung hăng của nó như đã bốc hơi. Tờ New York Times ca ngợi sự kiện này “có lẽ là màn trình diễn ngoạn mục nhất từng được thực hiện về việc cố tình sửa đổi hành vi của động vật thông qua sự kiểm soát bên ngoài của não”.

Màn trình diễn kiểm soát hành vi này là thí nghiệm nổi tiếng của José Manuel Rodríguez Delgado, một nhà sinh lý học. Ông đã tìm hiểu vô vàn phản ứng khác nhau của bộ não đối với kích thích điện.

Trong những thập niên giữa thế kỷ 20, Delgado là một cái tên tai tiếng, do ông sử dụng điện để tạo ra trạng thái giận dữ, lo âu, khoái lạc, uể oải và những chuyển động bất đắc dĩ như vận động chân tay ở đối tượng động vật và con người. Các nhà phê bình cật lực phản đối vì cho rằng ông đang vẽ đường cho việc kiểm soát tâm trí; Delgado phản bác lại rằng việc thay đổi hoạt động của não bộ thông qua kích thích điện không nhất định là điều xấu xa. Trong cuốn sách Kiểm soát tâm trí bằng cách vật lý: Hướng tới một xã hội văn minh tâm lý mà ông xuất bản vào năm 1969, Delgado hứa hẹn về các kỹ thuật kích thích não với mục đích kiềm chế tính hiếu chiến bạo lực cùng các đặc điểm không thích hợp khác.

José Manuel Rodríguez Delgado (8/8/1915 - 15/ 9/2011).
José Manuel Rodríguez Delgado (8/8/1915 - 15/ 9/2011).

Từ Tây Ban Nha tới bò tót


Ra đời tại Tây Ban Nha vào năm 1915, ban đầu Delgado mong muốn trở thành bác sĩ nhãn khoa, chuyên về sức khỏe và các rối loạn ở mắt. Tuy nhiên, sau khi tình cờ tiếp xúc với sinh lý học và thần kinh học, ông thay đổi mục tiêu sang bộ não. Ông gia nhập khoa y thuộc Đại học Yale vào năm 1950, vào thời điểm này ông đã bắt đầu một loạt thí nghiệm sử dụng các thiết bị tinh vi mà mình làm ra: điện cực cấy ghép và bộ thu sóng vô tuyến. Thành công của Delgado một phần tới từ tài năng phát minh thiết bị, ông được một đồng nghiệp ở Đại học Yale gọi là “phù thủy công nghệ”.

Trong các thí nghiệm ban đầu, dây dẫn chạy từ điện cực được cấy ghép qua hộp sọ vào da của đối tượng nghiên cứu, truyền đến các thiết bị điện tử cồng kềnh ghi lại dữ liệu và xung điện. Thiết lập này hạn chế chuyển động của đối tượng và khiến vật thí nghiệm dễ bị nhiễm trùng. Do vậy, Delgado đã thiết kế ra stimoceiver trang bị vô tuyến nhỏ, có thể cấy ghép hoàn toàn vào đối tượng. Một bộ pin được buộc vào đầu hoặc đeo quanh cổ sẽ cung cấp năng lượng qua da. Delgado cũng phát minh ra hóa cực (chemotrode) cho phép trực tiếp giải phóng lượng thuốc chính xác vào não. Nhờ những thiết bị này mà ông có thể truyền kích thích điện tới não bộ của động vật và con người một cách trực tiếp và gián tiếp. Mà để điều này diễn ra chỉ cần Delgado nhấn công tắc mà thôi.

Trong các thí nghiệm, Delgado quan sát tác động của điện lên hành vi và ảnh hưởng tới đối tượng tham gia. Trên khỉ ông kích thích các vùng não kiểm soát tính hung hăng, đôi khi ông đào tạo những con vật đã bị dọa sợ ấn công tắc để điều khiển và dập tắt hành vi hiếu chiến của những đồng loại đang tỏ ra uy hiếp chúng.

Ông nghiên cứu tác động của việc gây ra những chuyển động cơ bắp không tự chủ ở mèo. Còn với một con tinh tinh, Delgado thiết kế ra một dạng phản hồi sinh học: mỗi lần hạch hạnh nhân trong não tinh tinh sinh ra một loại tín hiệu cụ thể thì Delgado sẽ gây cảm giác khó chịu trong hạch này. Kết quả là con tinh tinh học được cách tránh tạo ra tín hiệu đó, trở nên bình tĩnh và nghe lời.

Tuy nhiên, thí nghiệm bò tót thu hút được nhiều sự chú ý nhất. Delgado cho rằng việc con bò tót đột ngột dừng tấn công là do “sự kết hợp của hiệu ứng điện-từ, buộc con bò dừng lại và quay sang hướng khác, đồng thời ức chế hành vi từ động lực hung hăng”.

Delgado cũng thử nghiệm kích thích điện trên não bộ của người. Vào năm 1952, ông trở thành nhà nghiên cứu đầu tiên báo cáo về các tác động lâu dài của việc cấy ghép điện cực ở người. Trong hai thập kỷ tiếp theo, ông đã cấy điện cực vào khoảng 25 đối tượng. Hầu hết đều là bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh tại Bệnh viện Tâm thần Tiểu bang hiện không còn tồn tại ở Howard, Rhode Island, nơi Hannibal Hamlin, cộng tác viên không thường xuyên của Delgado, là bác sĩ tâm thần.

Một phản ứng nổi bật đối với kích thích là khoái cảm và hưng phấn tình dục. Một phụ nữ bị động kinh 36 tuổi, có hành vi bình thường “khá đúng mực”, khi bị kích thích thì phản ứng lại là “cười khúc khích và đưa ra những bình luận hài hước”, tán tỉnh các nhà nghiên cứu. Một cậu bé động kinh 11 tuổi ủ rũ trở nên thích trò chuyện và thân thiện khi được kích thích. Thậm chí, cậu bé còn tuyên bố mình muốn trở thành bé gái.

Kỹ thuật của Delgado có thể thao túng con người hay không?

Một phần kinh phí cho các thí nghiệm của Delgado có nguồn gốc từ Lầu Năm Góc. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng chính phủ đang có âm mưu biến người dân thành robot. Những người phản đối lập luận rằng ông đang tạo tiền đề cho việc kiểm soát tâm trí con người.

Delgado lên tiếng phủ nhận khả năng này, chỉ ra rằng các kỹ thuật mà mình đưa ra vẫn còn quá kém tin cậy và thô sơ, chúng không thể mang lại suy nghĩ cụ thể, hướng phản ứng hung hăng hay tình cảm tới một mục tiêu nhất định, hoặc buộc đối tượng thực hiện những nhiệm vụ phức tạp. Ông khẳng định nghiên cứu của mình không thể tạo ra người bù nhìn. Trái lại, công trình của ông đại diện cho “nghĩa vụ đạo đức và xã hội là thúc đẩy kiến thức khoa học và cải thiện an sinh của nhân loại” và “nghiên cứu này vừa có tính đạo đức vừa có lợi ích”.

Dù là vậy, các nghiên cứu của Delgado vấp phải nhiều phản đối tới nỗi ông đã trở về quê nhà vào năm 1974 khi ở đỉnh cao sự nghiệp. Ở Madrid (Tây Ban Nha), ông chuyển hướng nghiên cứu sang các phương pháp kích thích não không xâm lấn, dự đoán việc khám phá các kỹ thuật hiện tại như kích thích từ trường xuyên sọ. Do ông chủ yếu xuất bản bài báo trên tạp chí tiếng Tây Ban Nha nên các công trình của ông ít được nhiều người biết tới. Còn ở Mỹ, các nghiên cứu cấy ghép não chìm trong những tranh cãi về đạo đức, nguồn tài trợ cạn kiện, các nhà nghiên cứu chuyển sang những lĩnh vực khác cho tới nhiều năm sau nghiên cứu về chip não mới được phục hồi.

Hiện nay, chip não đang được thử nghiệm để điều trị bệnh động kinh, bệnh Parkinson, tê liệt, trầm cảm và các rối loạn khác. Thành tựu mới nhất của chip não là ca cấy chip vào não của một người đàn ông bị liệt tứ chi, nhằm mục đích giúp bệnh nhân điều khiển máy tính bằng suy nghĩ. Sản phẩm và ca phẫu thuật do Công ty Neuralink của Elon Musk thực hiện. Sau khi được cấy ghép, bệnh nhân đã có thể duyệt web, chơi game và giao tiếp online với bạn bè.

Nguồn:

discovermagazine, scientificamerican