William Dampier là một nhân vật phi thường, vừa là cướp biển vừa là nhà tự nhiên học. Cuộc đời phiêu lưu đầy biến động của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người, từ các nhà khoa học lỗi lạc như Charles Darwin cho đến nhà văn tài ba Daniel Defoe.

William Dampier(1651-1715). Ảnh: Wikipedia
William Dampier(1651-1715). Ảnh: Wikipedia

Cũng như hầu hết mọi người, có lẽ bạn chưa từng nghe đến tên của nhà khoa học người Anh William Dampier, một người từng tham gia vào nhiều nhóm cướp biển. Nhưng ông khá nổi tiếng trong thời đại của mình với các công trình nghiên cứu thú vị về thế giới tự nhiên.

Giống như những tên cướp biển khác, động cơ của Dampier một phần là do ham muốn đạt được lợi ích vật chất. Nhưng ông cũng khao khát khám phá và tìm hiểu về những vùng đất ít người biết đến. Ông đã đi vòng quanh thế giới tổng cộng ba lần và ghi chép lại chi tiết những gì mình nhìn thấy. Ông công bố những quan sát và nghiên cứu của mình trong những cuốn sách bán chạy, để lại nhiều dấu ấn trong Thời đại hoàng kim của cướp biển vào cuối những năm 1600 và đầu những năm 1700.

Dampier sinh ra trong một gia đình tá điền tại Somerset, Anh vào tháng 8/1651. Do cha mẹ ông đều mất sớm nên ông phải bỏ dở việc học hành và làm nhân viên cho một công ty đóng tàu ở vùng Weymouth.

Sau khi tham gia lực lượngHải quân Hoàng gia Anh vào năm 1673, Dampier quyết định nghỉ việc và rời quê hương để đi tới vùng biển Caribe ở châu Mỹ. Ban đầu ông đến Jamaica để giúp quản lý một đồn điền mía, nhưng công việc này không suôn sẻ. Vì vậy, ông đã đến Mexico và trở thành một thợ khai thác gỗ.

Trong thời gian rảnh rỗi, Dampier thường đi bộ đường dài để khám phá thiên nhiên. Ông vô cùng thích thú khi bắt gặp những sinh vật mà trước đây ông chỉ nghe nói đến trong truyện cổ tích, chẳng hạn như nhím, lười, chim ruồi và tatu. Những chuyến đi bộ này đã đánh thức niềm đam mê nghiên cứu khoa học, thứ sẽ theo ông suốt cuộc đời.

Một biến cố lớn xảy ra vào tháng 6/1676, khi một cơn bão phá hủy trại khai thác gỗ của ông tại Mexico và cuốn trôi mọi thiết bị bao gồm rìu, cưa, dao rựa. Những người khai thác gỗ thời đó phải tự cung cấp công cụ cho mình và Dampier không có tiền để mua thêm. Vì vậy, ông phải gia nhập một nhóm hải tặc để tìm kế sinh nhai.

Vào thời điểm đó có hai tầng lớp cướp biển riêng biệt. Tầng lớp đầu tiên là những tên cướp biển nhận được sự hậu thuẫn ngầm từ chính phủ quê nhà để quấy rối hoặc tấn công tàu buôn của kẻ thù khi xảy ra chiến tranh. Cướp biển có thể tận hưởng chiến lợi phẩm cướp được mà không sợ bị trả thù.

Trong khi đó, Dampier thuộc về tầng lớp cướp biển còn lại. Chính phủ quê nhà xem họ là những tên tội phạm, thậm chí khinh miệt họ giống như kẻ thù. Nhóm cướp biển mà Dampier tham gia không đủ khả năng tấn công các con tàu lớn, chở đầy hàng xa xỉ. Thay vào đó, họ chủ yếu tấn công vào những trại nhỏ ven biển.

Cuộc sống cướp biển đã mang lại cho Dampier một nguồn thu nhập đủ nuôi sống bản thân. Nhưng nó cũng giúp ông có cơ hội đến thăm và khám phá những vùng đất xa xôi, ít người biết đến trên thế giới. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ, bao gồm cả quần đảo Galapagos, nơi sau này đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển lý thuyết tiến hóa của Charles Darwin.

Dampier dành mọi thời gian rảnh rỗi để khám phá môi trường tự nhiên và ghi lại tỉ mỉ mọi thứ trong tầm mắt. Công cảm thấy vô cùng hứng thú với các loài động vật, thực vật mới mà ông bắt gặp. Ví dụ, ông mô tả chim ruồi là “một sinh vật nhỏ bé xinh xắn, lông nhiều màu sắc, có kích thước cơ thể không lớn hơn một con ong bắp cày trưởng thành”.

Khi miêu tả về contatu, ông viết trong sổ ghi chép: “Đây là một sinh vật đầu nhỏ, mũi giống như mũi lợn. Khi gặp nguy hiểm, nó sẽ nằm bất động như một con rùa trên cạn. Cho dù bạn có lật nó sang ngang cũng không thể làm nó di chuyển”.

Năm 1679, Dampier tham gia cùng một nhóm cướp biển khác trong chuyến hành trình đến vùng biển phía Nam. Cuối cùng, họ đã đi thuyền vòng quanh thế giới. Một trong những nơi họ dừng chân là Australia, và Dampier trở thành người Anh đầu tiên đặt chân đến lục địa này. Ông viết rằng: “Người ta vẫn chưa xác định được đây là một hòn đảo hay một lục địa lớn, nhưng tôi dám chắc nó không nối liền với châu Á, châu Phi hay châu Mỹ”.

Cuộc hành trình này kéo dài hơn 12 năm. Ngoài những quan sát về động vật và thực vật, Dampier còn lưu giữ những ghi chép cẩn thận về gió, dòng hải lưu, vĩ độ và kinh độ. Ông cất giữ tất cả các ghi chú của mình trong những ống tre được đậy kín bằng sáp. Khi trở lại châu Âu, ông viết cuốn sách đầu tiên của mình với tựa đề “A New Voyage Round the World” (Hành trình mới vòng quanh thế giới) được xuất bản vào năm 1697. Nó nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất và Dampier trở nên nổi tiếng.

Sau thành công của chuyến đi đầu tiên, lực lượngHải quân Hoàng gia Anh đã bổ nhiệm ông làm thuyền trưởng của một con tàu cùng với đoàn thám hiểm khoa học quay trở lại Australia (khi đó được gọi là New Holland) để lập bản đồ đường bờ biển của vùng đất này. Ngoài các bức vẽ, ông đã cẩn thận thu thập và bảo quản các mẫu thực vật để đính kèm vào những ghi chú của mình.

Thật không may, con tàu dưới sự chỉ huy của Dampier đã bị chìm trên đường về nhà, dẫn đến việc ông phải ra tòa và bị phạt tiền. Nhưng đây không phải là dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông. Năm 1699, ông đã viết cuốn sách thứ hai với tựa đề “A Voyage to New Holland” (Một chuyến đi đến New Holland). Sau này, các thuyền trưởng như James Cook và Horatio Nelson chia sẻ rằng nội dung cuốn sách là hướng dẫn thực hành đi biển hay nhất mà họ từng đọc. James Cook đã sử dụng bản đồ gió và dòng chảy của Dampier trong chuyến hành trình của mình. Trên thực tế, các bản đồ của Dampier là nền tảng cho nhiềubản đồ về gió mậu dịch ở thế kỷ18.

Năm 1703, Dampier cùng một nhóm cướp biển ra khơi, đi vòng quanh thế giới lần thứ hai. Ông thu giữ các chiến lợi phẩm, trong khi vẫn tiếp tục ghi chép tỉ mỉ về những kỳ quan thiên nhiên mà ông quan sát được.

Chuyến đi vòng quanh thế giới lần thứ ba và cũng là chuyến đi cuối cùng của Dampier diễn ra vào năm 1708. Trong chuyến đi, ông đã giải cứu Alexander Selkirk, một tên cướp biển bị mắc kẹt trên đảo Juan Fernandez ở ngoài khơi bờ biển Chile trong suốt 5 năm. Alexander Selkirk chính là nguồn cảm hứng để nhà văn người Anh Daniel Defoe viết nên tác phẩm nổi tiếng “Robinson Crusoe”.

Cũng trong chuyến đi này, Dampier và nhóm cướp biển đã đánh chiếm một tàu chở kho báu của Tây Ban Nha. Các chiến lợi phẩm bao gồm đồ trang sức, đĩa bạc, xạ hương, quế, đinh hương, lụa và đồ sứ Trung Quốc đã mang lại cho ông một khối tài sản đáng kể để ông có thể nghỉ hưu.

Khi Dampier qua đời vài năm sau đó, ở tuổi 63, ông đã dành hai phần ba cuộc đời để đi khắp thế giới và vượt qua quãng đường hơn 230.000km. Đây là một quãng đường đi biển khổng lồ!

Gần 150 năm sau khi Dampier đến thăm Quần đảo Galapagos, Charles Darwin đã mang theo những cuốn sách của Dampier trong chuyến hành trình nổi tiếng đến Nam Mỹ trên tàu The Beagle – cuộc hành trình dẫn đến việc ông xây dựng thành công thuyết tiến hóa. Darwin gọi những quan sát chi tiết của Dampier là “một mỏ” thông tin.


Theo Smithsonian, Science History