Điều này đã góp phần giúp Israel trở thành quốc gia có tỷ lệ ấn bản khoa học và sáng chế trên đầu người cao nhất trên thế giới hiện nay. Chính phủ Israel đóng vai trò đặc biệt trong kết quả đạt được nói trên thông qua hàng loạt các chính sách và chương trình ưu đãi về vốn, nhằm tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp và các trường đại học bắt tay với nhau triển khai nghiên cứu và phát triển r&D một cách hiệu quả.
Người đứng đầu cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ của Israel (ILPO) Asa Kling và Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Lee Singer Snir đã gửi bài viết riêng cho đặc san Cẩm nang Sở hữu trí tuệ 2016 để chia sẻ về nội dung này.
Asa Kling - Giám đốc Cơ quan Sáng chế Israel - ILPO
Israel là một quốc gia sáng tạo, nơi mà số lượng doanh nghiệp công nghệ cao phát triển tỷ lệ thuận với số lượng bằng sáng chế đang có xu hướng tăng dần. Sở hữu trí tuệ - đặc biệt là sở hữu công nghiệp - là một phần quan trọng trong cơ chế khuyến khích sáng tạo quốc gia của chúng tôi.
Đây cũng là lý do người ta thường gọi Israel là “quốc gia khởi nghiệp” - nơi có nhiều công ty khởi nghiệp đang thu hút sự chú ý và vốn đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
Asa King- Giám đốc cơ quan sáng chế Israel - ILPO
Điểm đáng chú ý là hoạt động nghiên cứu và phát triển ở Israel chủ yếu diễn ra tại 7 trường đại học, hàng chục viện nghiên cứu và hàng trăm doanh nghiệp gồm cả dân sự và quân sự. Những nghiên cứu quan trọng của chúng tôi còn được thực hiện tại các trung tâm y tế và một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong những lĩnh vực phổ biến như viễn thông, năng lượng và quản lý nguồn nước.
Với thực tế trên, hầu hết những kết quả nghiên cứu có thể xuất bản được tại Israel đều được tiến hành bên trong các trường đại học. Các phòng chuyển giao công nghệ nằm trong những trường này cũng là nơi nộp nhiều đơn bảo hộ bằng sáng chế nhất ở Israel. Điều này cộng với sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu đã phản ánh rằng, số lượng bằng sáng chế quốc tế mà các trường đại học được cấp là một căn cứ để đánh giá mức độ hiệu quả trong mối quan hệ giữa các trường đại học và giới doanh nghiệp.
Liên quan đến tài sản trí tuệ, Cơ quan Sáng chế Israel (ILPO) của chúng tôi là đơn vị có chức năng bảo vệ loại tài sản này bằng hoạt động đánh giá và đăng ký các quyền sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu... Sau khi hoàn thành việc chuyển sang mô hình văn phòng không giấy tờ thân thiện với môi trường năm 2013, ILPO đang tiến hành số hóa mọi bộ phận của cơ quan này để có thể hoạt động trực tuyến từ cuối năm 2016. Khi đó, mọi người có thể nộp đơn xin cấp bằng sáng chế qua mạng.
Trong cơ cấu của ILPO, Phòng Sáng chế là bộ phận lớn nhất với hơn 100 chuyên viên kiểm tra sáng chế có chuyên môn trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ. Ngoài ra, ILPO còn có các đơn vị chức năng quan trọng khác như Phòng Nhãn hiệu (kiểm tra và đăng ký những nhãn hiệu mới); Phòng kiểu dáng công nghiệp (kiểm tra và đăng ký những kiểu dáng mới) và Phòng Pháp chế (xử lý các thủ tục pháp lý và tham gia quá trình soạn thảo dự luật liên quan tới sở hữu trí tuệ để trình lên Quốc hội).
Lee Singer Sni - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam
Tôi muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm về phát triển khoa học và công nghệ tại Israel, nghe có thể bình thường về mặt lý thuyết nhưng trong thực tế, việc triển khai lại không hề đơn giản. Trong vòng 3 thập kỷ qua, Chính phủ Israel đã có nhiều hành động nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa các trường đại học với những chương trình nghiên cứu và phát triển (R&D) mang tính thương mại của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện và cơ chế phù hợp cho sự chuyển giao kiến thức giữa hai bên.
Lee Singer Snir - Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam.
Phòng Khoa học trưởng Israel (OCS) trước đây và nay là Cơ quan phụ trách Đổi mới sáng tạo Israel (Israel Innovation Authority) là đơn vị của chính phủ, có chức năng thúc đẩy các hoạt động R&D trong ngành công nghiệp đất nước. Sứ mệnh của cơ quan này đã được nêu rõ trong Luật R&D 1984 là hỗ trợ cho sự phát triển và tiến bộ của ngành khoa học và công nghệ Israel, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và sở hữu trí tuệ, qua đó tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.
Từ năm 1994, Cơ quan Đổi mới sáng tạo Israel còn điều hành một chương trình đặc biệt có tên gọi MAGNET, giúp doanh nghiệp và các trường đại học phát triển những sản phẩm sáng tạo thông qua sự hợp tác chặt chẽ với nhau. Chương trình này dẫn đến kết quả là hoạt động R&D chung diễn ra hiệu quả hơn so với việc mỗi bên tiến hành độc lập với nhau. Mục tiêu chính của MAGNET là tạo điều kiện về tài chính và cơ chế cho các doanh nghiệp có thể yên tâm phát triển khoa học và công nghệ bên cạnh các hoạt động khác của họ.
Do các dự án R&D có độ rủi ro cao về khả năng thành công và lợi nhuận đầu tư (ROI) chỉ thu được sau một thời gian dài thực hiện, nên các doanh nghiệp được chương trình MAGNET hỗ trợ lên tới 66% chi phí R&D và họ không bị yêu cầu phải hoàn lại. Trong khi đó, các đối tác của họ là những trường đại học, viện nghiên cứu có thể được tài trợ từ 66% đến 80% hoặc thậm chí 90% chi phí - tùy thuộc vào ngành họ lựa chọn.
Với chính sách trên, Chính phủ Israel muốn thúc đẩy việc ứng dụng thực tế các nghiên cứu trong trường đại học trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ sinh học và công nghệ nano, qua đó chuyển giao kết quả nghiên cứu tới các doanh nghiệp. Chương trình MAGNET đã xây dựng mối quan hệ đối tác giữa các trường đại học với những chương trình R&D mang tính thương mại của các công ty. Đặc biệt, chương trình này khuyến khích được các nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hướng tới sản xuất, qua đó nâng cao năng lực công nghệ và sức cạnh tranh quốc gia.