Vào cuối tháng 6, Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN) thông qua kế hoạch xây dựng một máy gia tốc hạt mới mang tên Máy gia tốc Vòng tròn Tương lai (FCC).

Máy gia tốc Vòng tròn Tương lai (FCC) nằm ngay bên cạnh LHC. Ảnh: CERN
Máy gia tốc Vòng tròn Tương lai (FCC) nằm ngay bên cạnh LHC. Ảnh: CERN

FCC nằm trong một đường hầm dạng vòng tròn có chu vi 100 km tại Geneva (Thụy Sĩ), dài hơn 73 km so với Máy gia tốc hạt lớn (LHC) hiện nay.

Theo kế hoạch, công tác xây dựng sẽ bắt đầu từ năm 2038 với kinh phí gần 24 tỷ USD. FCC có các nam châm khổng lồ mạnh gấp đôi so với LHC, đủ khả năng để khiến các chùm hạt va chạm vào nhau với mức năng lượng 100 teraelectronvolt (TeV), gấp 7 lần mức năng lượng của LHC.

Máy gia tốc mới FCC được phát triển theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, FCC sẽ tạo ra va chạm giữa electron và positron để nghiên cứu hạt boson Higgs – hạt mang lại khối lượng cho những hạt cơ bản khác thông qua tương tác với chúng.

Ở giai đoạn hai, máy gia tốc sẽ thúc đẩy va chạm trực diện giữa các proton để tìm kiếm các hạt mới hoặc lực mới của tự nhiên, qua đó mở rộng hoặc thay thế mô hình chuẩn hiện tại của vật lý hạt.