Một số cơ quan giám sát an toàn hạt nhân phát hiện nồng độ chất phóng xạ tăng vọt trong bầu khí quyển ở khu vực phía Bắc châu Âu vào cuối tháng 6, đặc biệt là tại bán đảo Scandinavia.

Khu vực có thể là nơi phát ra phóng xạ. Ảnh: Live Science
Khu vực có thể là nơi phát ra phóng xạ. Ảnh: Live Science

Hiện nay chưa có quốc gia nào nhận trách nhiệm gây ra sự cố bất thường này. Mặc dù nồng độ phóng xạ vẫn ở mức an toàn với con người, nhưng nó đủ lớn để các trạm quan trắc ghi nhận.

“Nồng độ của các đồng vị phóng xạ tăng lên đột ngột bao gồm Caesium-134, Caesium-137, Coban-60 và Ruthenium-103. Các hạt nhân phóng xạ này đều có nguồn gốc nhân tạo”, Cơ quan An toàn Phóng xạ Thụy Điển cho biết.

Căn cứ vào dữ liệu hiện có, Viện Sức khỏe và Môi trường Quốc gia Hà Lan (RIVM) nhận định nguồn phóng xạ liên quan đến quá trình sản xuất điện hạt nhân, không phải do vũ khí hạt nhân gây ra. Cơ quan này cũng phỏng đoán các đồng vị phóng xạ đến từ khu vực phía Tây nước Nga.

Tuy nhiên, Rosenergoatom, tổ chức điều hành các nhà máy điện hạt nhân ở Nga, phủ nhận có vấn đề xảy ra với hai nhà máy điện Kola và Leningrad nằm ở phía Tây. “Cả hai nhà máy đều đang hoạt động bình thường với lượng phóng xạ trong mức cho phép”, Rosenergoatom khẳng định.