Trong bàn tay của một người không ngừng sáng tạo như ông Dương Xuân Quả - nhà sáng chế không chuyên ở An Giang, hạt lúa đã lên hương thành những hạt “gạo sữa” thơm ngon, không chỉ góp phần tăng thu nhập hơn cho người sản xuất mà còn nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam.

Để hạt thóc thành “ngọc thực”

Có lẽ, quy trình đưa hạt thóc thành hạt gạo thơm ngon là một quy trình mà bao đời nay, những người nông dân ở trong và ngoài miền Tây đều đã thực hiện. Hầu hết mọi người cho rằng quy trình này gắn liền với giống lúa, quy trình trồng trọt,... chứ ít khi nghĩ đến những công đoạn khác. Đi ra ngoài cách nghĩ thông thường đó, ông Dương Xuân Quả (tên thường gọi là Năm Nhã) - một nhà sáng chế không chuyên nổi tiếng về các thiết bị sấy lúa, trăn trở về những cách khác để đem lại những sản phẩm ngon thơm hơn. Với ông, sấy lúa chỉ để bảo quản tốt hạt thóc hơn thì phí phạm quá, người ta phải nghĩ xa hơn, ví dụ sấy để tăng thêm chất lượng và độ ngon của hạt gạo, “chẳng hạn như giống Hương Lài OM 4900, khi sấy đến độ ẩm tiêu chuẩn thông thường khoảng 14-15%, ăn rất dẻo và thơm. Nhưng nếu sấy xuống dưới 10% độ ẩm, hạt gạo sẽ khô cứng hơn, khi nấu cơm thì giảm bớt độ dẻo, nhưng lại tăng hương vị thơm ngọt. Hạt gạo khi đó có màu trắng sữa kiểu gạo nếp chứ không đục mờ như hạt gạo bình thường, vì thế gọi là gạo sữa”.

Ông Dương Xuân Quả giới thiệu về cánh đồng trồng lúa OM 4900 theo hướng an toàn để cung cấp nguyên liệu làm gạo sữa chất lượng cao. Nguồn: nongnghiep.vn

Hạt gạo sữa nghe thì ham vì thời gian bảo quản dài, giá bán cao hơn 10-20% so với gạo cùng loại nhưng phương pháp thì không dễ thực hiện. “Chỉ cần sấy lúa xuống dưới 10% độ ẩm, sau đó đem xát là thành gạo sữa nhưng cái khó là làm thế nào sấy được khô như vậy mà vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế”, ông Năm Nhã cho biết. “Áp dụng cách thông thường thì sấy một mẻ gạo sữa mất hơn hai ngày đêm, ai chịu nổi chi phí”.

Trong tư duy bình dị và có phần thực dụng của ông, làm tới làm lui thiết bị mới thì cũng phải nhớ một điều là phải giảm bớt các công đoạn và chi phí cho người nông dân. Đó là nguyên lý để ông từng cho ra đời những chiếc máy sấy tĩnh vỉ ngang có hệ thống cánh quạt tiết kiệm điện năng và lò đốt tiết kiệm nhiên liệu mang thương hiệu Năm Nhã. Do vậy, thiết bị giúp người nông dân làm ra những mẻ gạo sữa cũng sẽ phải tiết kiệm thời gian và chi phí. Nhưng làm bằng cách nào?

Trong khi chưa có được cách làm mà mình thấy hài lòng, ông lăn lộn với nhiều nơi, hỏi han người nọ người kia, kiếm tìm đủ cách, và cả tìm hiểu cả gạo sữa Campuchia. “Nhiều thương lái nhập lúa Lài từ Campuchia về đặt hàng mình sấy sữa. Giống lúa đó vốn có độ ẩm thấp, vì được trồng trên đồng ruộng khô, lúc thu hoạch đã khô chỉ còn 18-19% độ ẩm, nên dễ sấy sữa hơn so với các loại gạo ở Việt Nam”, ông kể. Sự khác biệt này khiến ông cảm thấy cần phải có cách thức đặc biệt hơn cho hạt gạo xứ mình.

Hóa ra, cứ đi mãi rồi cũng gặp, hỏi han riết rồi cũng biết. Việc đặt câu hỏi tới lui mọi người đã đem lại cho ông kết quả bất ngờ. “Nhiều khách hàng của tôi cũng đã làm về sấy sữa, họ cũng trao đổi kinh nghiệm với mình. Tất cả những cái đó tích hợp lại, tôi mới đưa ra một quy trình sấy sữa chuẩn cho họ. Chỉ cần làm đúng theo hướng dẫn của tôi thì đều sấy được gạo sữa có độ ẩm dưới 10%, tỉ lệ tấm chỉ khoảng 2-3% nhưng chi phí sản xuất vẫn ở mức phải chăng”, ông cho biết điều mình đúc rút được.

Những mày mò đúc kết đã đem lại cho ông một thiết kế một quy trình chế biến gạo sữa mà sau đó đã được ông quyết định đăng ký bảo hộ sáng chế. Ông nghĩ đến một cơ hội mới cho “đứa con” mới của mình: “Khi có sáng chế rồi, nếu có ai muốn hợp tác sản xuất thì sẽ dễ dàng và minh bạch hơn”. Cái hay trong quy trình sản xuất gạo sữa mà ông Năm Nhã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng sáng chế vào tháng 11/2021 là việc điều chỉnh nhiệt độ sấy phù hợp bằng cách thay đổi tốc độ quạt gió. Điểm quan trọng trong quy trình này đảm bảo lưu lượng gió phân bố đồng đều trước khi sấy sơ bộ ở mức nhiệt khoảng 40-42oC, tiếp đến bước sấy tạo sữa sẽ tăng dần nhiệt ở mức 2oC/giờ cho đến khi đạt 50oC. Cuối cùng, gạo được đưa vào bồn ủ để ổn định lúa, giúp gạo sữa thu được đồng đều, giảm tỉ lệ tấm”, ông giải thích cặn kẽ. “Với quy trình này, khối lúa đưa vào máy sấy có thể đổ cao từ 0,8-1,2m, tức là tăng năng suất sấy gấp 2-3 lần so với sấy vỉ ngang thông thường, đồng thời rút ngắn thời gian sấy tạo sữa mà không tăng nhiệt độ lên quá cao”.

Máy sấy tự động hóa hoàn toàn giúp giảm nhân công vận hành hệ thống, giảm 30% chi phí đầu tư và sấy được nhiều loại nông sản như lúa, bắp, cà phê, cacao, ớt trái, khoai mì, thảo dược, nhãn... Ảnh: doimoisangtao.vn

Chủ động nắm bắt cơ hội

Có những điểm thật lạ lùng ở những nhà sáng chế không chuyên miền Tây, trình độ học vấn không được bao nhiêu mà sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu dụng. Ông Năm Nhã là một trong những người như vậy. Điểm hay của ông là lúc nào cũng tìm tòi học hỏi những thứ nằm ngoài phạm vi kiến thức của người chưa học hết lớp 9. Từ các giải pháp lò sấy tĩnh vỉ ngang ở nhiều quy mô khác nhau, cho đến quy trình sản xuất gạo sữa,... tất cả đều là kết quả của việc không ngừng học hỏi và góp nhặt kiến thức. “Mình xác định ở trường học ít, nên giờ mình phải học ở trường đời. Tôi cũng phải mất bao nhiêu năm lăn lóc học hỏi để tích lũy kinh nghiệm, cái ba lô kiến thức của mình phải cố gắng nhét cho đầy”, ông nói. Có những lần lăn lóc như vậy, ông đã nhạy bén làm ra những thứ phù hợp với yêu cầu của người trồng lúa, tiêu biểu như giải pháp cánh quạt dùng cho lò sấy lúa, “khi tôi tình cờ nhìn thấy chú em mua cây quạt thổi lò, với tay nghề thợ cơ khí, nhìn cánh quạt là mình biết mình có thể làm hay hơn, mà chi phí cũng chỉ bằng khoảng một nửa giá bán của họ”.

Nhưng có điều lạ lùng hơn là ông không ngại hợp tác, ngay cả khi con mắt thực dụng còn chưa thấy lợi lộc ở đâu, ví dụ như việc tham gia dự án chế tạo lò sấy lúa do Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ vào năm 2012; dự án “Thiết kế, chế tạo hệ thống sấy lúa vỉ ngang năng suất 150 tấn/mẻ” thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia từ 2016-2018 do Bộ KH&CN quản lý,... Đây là cơ hội để ông cải tiến lò sấy, chẳng hạn như thay đổi công suất từ 5-150 tấn/mẻ, phù hợp với nhiều quy mô sản xuất khác nhau.

Không phải bao giờ trời cũng chiều lòng người nhưng kỳ lạ là bao giờ ông cũng cố xoay xở tìm được cơ hội để kết nối người nọ, người kia. Trước khi đại dịch COVID-19 ập đến, trong những cuộc hội thảo về nông nghiệp ở miền Tây, hầu như lúc nào cũng có mặt người đàn ông cao gầy có gương mặt hiền hậu. Ông ấy thường ôm một bịch “gạo sữa” giới thiệu một cách hồn nhiên sản phẩm của mình. “Khi đi giới thiệu về máy sấy, lúc nào tôi cũng mang theo bịch gạo sữa, tôi giới thiệu quy trình sấy của tôi thế này, gạo khô mà không gãy, rồi đem tặng biếu. Khi người ta ăn thấy ngon và thích, người ta gọi đến tới hỏi ở đâu bán, đây là một cách truyền thông không mất tiền đấy”, ông kể lại.

Dù “không hẹn mà gặp”, cách làm của ông Dương Xuân Quả có phần tương tự với trường hợp măng tre lục trúc ở Bắc Giang - một loại măng ngon nổi tiếng song ít người biết đến. Do vậy, từ cán bộ của Sở KH&CN cho đến chị giám đốc Hợp tác xã măng lục trúc ở Bắc Giang, “đi đâu cũng tranh thủ xách theo ít măng để giới thiệu cho mọi người ăn thử”. Dường như đây là điểm chung của những những người nông dân “kiểu mới”: sẵn sàng thử nghiệm để tìm cơ hội nâng cao giá trị từ chính ruộng đồng quê hương.

Việc kết nối với người nọ, người kia dĩ nhiên là khó có thể lúc nào cũng thành công. “Có lần tôi đi dự hội thảo gặp thầy Võ Tòng Xuân, tôi đem bịch gạo sữa giới thiệu và tặng thầy, nhưng thầy cũng phớt lờ”. Sự từ chối của giáo sư Võ Tòng Xuân không làm ông nản lòng mà chỉ dám nghĩ vẩn vơ là “có thể thầy đang bận công chuyện chứ thầy thương những người nông dân như tụi tôi lắm”.

Xét cho đến cùng, sự kiên trì và chân thành có lẽ là thứ “vũ khí” hiệu quả nhất, mà đó lại là phẩm chất có thừa của ông Năm Nhã. “Mình phải tiếp tục thử, lần một không được thì phải lần hai, nhất định phải đi đến đích”, ông bày tỏ. Quả thật, người không phụ người, những cơ hội mới vẫn tiếp tục được mở ra. “Một lần khác gặp lại thầy Võ Tòng Xuân, tôi xin phép thầy khoảng 15 phút thôi, tôi nói xong và tặng thầy gạo sữa. Không biết là thầy có nhớ ra cái người làm phiền thầy hồi trước không nhưng thật lạ là một thời gian ngắn sau, vào ngày mùng 2 Tết, thầy gọi cho tôi bảo ‘Năm Nhã ơi, gạo này ăn rất ngon, làm sao mà giới thiệu rộng ra…’”.