“Hotel California” - một trong những ca khúc nổi tiếng nhất lịch sử nhạc rock, giúp ban nhạc The Eagles trở thành huyền thoại vào những năm 1970 - một lần nữa gây sóng trong mùa hè 2017, nhưng không phải do tranh luận về nghệ thuật mà là liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Chủ “khách sạn ảo” kiện khách sạn thật

Ngày 1/5/2017, Công ty Eagles, Ltd. đã nộp đơn kiện Công ty Hotel California Baja ra tòa án Mỹ với cáo buộc xâm phạm nhãn hiệu “Hotel California” mà Eagles đã sử dụng trong hơn 30 năm nay. Baja là công ty Mỹ, sở hữu khách sạn Hotel California tại một thị trấn ở Mexico. Khách sạn đã sử dụng tên gọi này từ năm 1950, sau đó trải qua nhiều đời chủ với nhiều tên khác nhau.

Năm 2001, Baja mới tiếp tục dùng tên Hotel California cho khách sạn. Eagles cho rằng đây là hành vi lợi dụng sự nổi tiếng của bài hát "Hotel California" và The Eagles để trục lợi và đưa ra bằng chứng: Du khách Mỹ đã nhầm tưởng khách sạn California ở Mexico là nguồn cảm hứng sáng tác bài hát cùng tên. Họ thậm chí còn nghĩ khách sạn này là của các thành viên ban nhạc.

Khách sạn Hotel California tại Mexico. Ảnh:Los Cabos

Trên website chính thức, Baja luôn khẳng định The Eagles không có sự liên quan nào tới khách sạn. Tuy nhiên, Baja lại mô tả khách sạn với nhiều đặc điểm giống khách sạn trong bài hát của The Eagles. Khách sạn này luôn bật các bài hát của The Eagles, trong đó có ca khúc Hotel California.

Cuối năm 2015, Baja nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Hotel California tại Mỹ. Tháng 1/2017, Eagles cũng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu này và phản đối đơn của Baja dựa trên quyền sử dụng trước. Đầu tháng 5/2017, Eagles nộp đơn kiện Baja với cáo buộc xâm phạm nhãn hiệu.

Pháp luật Mỹ xác định quyền ưu tiên đối với một nhãn hiệu theo nguyên tắc sử dụng trước - ai sử dụng nhãn hiệu trước thì người đó là chủ sở hữu. Nhãn hiệu Hotel California đã được sử dụng làm tên khách sạn tại Mexico từ năm 1950, còn Eagles mới sử dụng nó tại Mỹ từ năm 1976. Liệu có thể khẳng định khách sạn tại Mexico là chủ sở hữu nhãn hiệu do sử dụng trước?

Thực chất, khách sạn ở Mexico sử dụng nhãn hiệu Hotel California trước nhưng chỉ ở Mexico. Eagles vẫn là người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu này trên đất Mỹ. Bởi quyền sở hữu trí tuệ mang tính lãnh thổ, Eagles chỉ có thể bảo vệ nhãn hiệu của mình trên đất Mỹ và không thể ngăn người khác sử dụng nó ở quốc gia khác, như tại Mexico.

Nhãn hiệu Hotel California in trên các sản phẩm của Eagles. Ảnh:Deviantart

Không đi đường thẳng thì đi đường vòng, Eagles cáo buộc Baja xâm phạm nhãn hiệu thông qua hành vi sản xuất đồ lưu niệm gắn nhãn hiệu tại Mỹ và bán cho người tiêu dùng trên đất Mỹ. Eagles cho rằng, khách hàng Mỹ mua đồ lưu niệm có gắn nhãn hiệu Hotel California của Baja vì nhầm tưởng khách sạn đó có liên quan tới ban nhạc The Eagles.

Trong đơn kiện, Eagles cũng yêu cầu Baja chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu Hotel California, đền bù thiệt hại và trả cho Eagles toàn bộ lợi nhuận kiếm được từ việc bán các sản phẩm gắn nhãn hiệu này.

Ngày 31/5/2017, Baja nộp phản tố tại tòa án California, cho rằng những cáo buộc của Egles không có hiệu lực bởi nguyên đơn đã ngầm đồng ý việc sử dụng nhãn hiệu được xác nhận của Hotel California. Trong 40 năm qua, Eagles dường như không thực hiện hành động nào để bảo vệ “Hotel California” như một nhãn hiệu. Baja cũng cho rằng việc sử dụng nhãn hiệu không làm giảm tính độc đáo của nó, không có khả năng gây nhầm lẫn, lừa dối. Vì vậy, họ yêu cầu tòa án bác bỏ vụ kiện và được bồi thường phí luật sư.


The Eagles sẽ thua nếu vụ kiện ở Việt Nam?

Đối với một bài hát đã trở thành huyền thoại, sẽ tốt hơn nếu chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu Hotel California. Theo luật Mỹ, chủ sở hữu một nhãn hiệu nổi tiếng có nhiều đặc quyền hơn so với chủ một nhãn hiệu thường bởi nhãn hiệu nổi tiếng khi bị xâm phạm có thể bị lu mờ và thiệt hại rất lớn. Theo luật Việt Nam, việc chứng minh mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu càng có ích khi nó chưa được đăng ký.

Việt Nam áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên cho nhãn hiệu nên nếu tình huống tương tự xảy ra, Eagles sẽ mất quyền đối với nhãn hiệu do nộp đơn muộn hơn. Đó là chưa kể, theo pháp luật Việt Nam, nhãn hiệu Hotel California khó được cấp văn bằng bởi chứa thành phần mang tính mô tả và dấu hiệu chỉ địa danh. Cánh cửa hẹp duy nhất cứu Eagles trong tình huống này là chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành quy định, quyền sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng và không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

Mặc dù vậy, chứng minh một nhãn hiệu nổi tiếng không phải việc đơn giản. Luật Sở hữu trí tuệ quy định 8 tiêu chí xác định mức độ nổi tiếng của một nhãn hiệu và chưa có quy định về định lượng để xác định các tiêu chí này. Nếu không chứng minh được sự nổi tiếng, The Eagles gần như nắm chắc phần thua tại Việt Nam.

Khá may cho Eagles vì đã “ra đời” và phát sinh tranh chấp ở Mỹ - nơi áp dụng nguyên tắc quyền sử dụng trước đối với việc đăng ký nhãn hiệu. Cũng thật may cho chủ sở hữu các nhãn hiệu Việt Nam khi có “bài học Hotel California” để ghi nhớ: Phải đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt để bảo vệ quyền lợi của mình.

Vụ việc này cũng sẽ sớm đi vào hồi kết khi thẩm phán Gary Klausner đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp vào ngày 21/8 tới đây với cả hai bên để đi đến kết luận cuối cùng.