Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cao có thể xóa sổ một trong những môi trường sống cuối cùng của loài hổ lớn nhất thế giới, các nhà khoa học cảnh báo trong một nghiên cứu mới.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, những con hổ này nằm trong số gần 500.000 loài sống trên đất đang có nguy cơ tuyệt chủng do đe dọa đối với môi trường sống tự nhiên.

Một con hổ Bengal ở Sundarbans bị thương được chăm sóc tại Zoological Garden ở Kolkata, Ấn Độ. Các nhà khoa học dự đoán sẽ không còn hổ ở Sundarbans vào năm 2070 vì biến đổi khí hậu và các yếu tố khác.

Sundarbans, vùng đất đầm lầy rộng 4.000 dặm vuông ở Bangladesh và Ấn Độ đang bị đe dọa. Đây là hệ sinh thái rừng ngập mặn lớn nhất thế giới và là nơi sinh sống của vài trăm loài động vật, bao gồm hổ Bengal.

Nhưng 70% đất khu vực này chỉ cao vài mét so với mực nước biển, và những thay đổi cực đoan sắp xảy đến với khu vực này, các nhà nghiên cứu từ Úc và Bangladesh đã báo cáo trong tạp chí Science of The Total Environment. Những thay đổi được tạo ra bởi nhiệt độ nóng lên sẽ đủ để xóa sổ vài trăm con hổ Bengal còn lại ở đó.

"Vào năm 2070, sẽ không còn môi trường sống phù hợp cho loài hổ ở Sundarbans Bangladesh", theo kết luận của báo cáo do 10 nhà nghiên cứu thực hiện.

Bài viết, dựa trên các kịch bản khí hậu do Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu phát triển, một lần nữa bổ sung thêm bằng chứng vào các nghiên cứu dự đoán tương tự cho động vật hoang dã ở Sundarbans.

Một ao nước mặn sau thủy triều cao trên đảo Ghoramara, một phần của Sundarbans ở Ấn Độ.

Năm 2010, một nghiên cứu do Quỹ Thiên nhiên Thế giới dẫn đầu dự báo rằng mực nước biển dâng 11 inch có thể làm giảm 96% số lượng hổ ở Sundarbans trong vài thập kỷ.

Một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy sự thay đổi khí hậu đã gây hại cho gần một nửa số động vật có vú đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Sharif A. Mukul, tác giả chính của báo cáo mới về vùng Sundarbans, và các đồng nghiệp đã xác định các rủi ro khác cho loài hổ bên cạnh việc mực nước biển dâng. Trong số các nguyên nhân thì nước biển dâng chỉ gây mất 5,4% đến 11,3% môi trường sống dự kiến vào năm 2050 và 2070.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy các yếu tố khác liên quan đến biến đổi khí hậu gây thiệt hại nhiều hơn cho loài hổ Sundarbans, một trong những quần thể hổ hoang dã lớn nhất còn lại trên thế giới. Kể từ đầu những năm 1900, mất môi trường sống, săn bắn và buôn bán bất hợp pháp các bộ phận động vật đã làm giảm số lượng hổ trên toàn cầu từ khoảng 100.000 xuống còn dưới 4.000.

Ở Sundarbans số lượng các sự kiện thời tiết khắc nghiệt tăng và thảm thực vật thay đổi sẽ còn làm giảm số lượng hổ hơn nữa. Và khi vùng Sundarbans ngập lụt có thể sẽ diễn ra các cuộc đối đầu giữa người và hổ khi chúng đi lạc ngoài môi trường sống của để tìm kiếm vùng đất mới.

"Có rất nhiều nguy cơ có thể xảy ra", chuyên gia Mukul, giáo sư quản lý môi trường tại Đại học Độc lập, Bangladesh, cho biết. "Tình hình có thể còn tồi tệ hơn nếu có lốc xoáy hoặc nếu có dịch bệnh bùng phát ở khu vực đó, hoặc thiếu lương thực."

Vào tháng 10, một báo cáo mang tính bước ngoặt của hội đồng khoa học Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cho thấy rằng nếu phát thải khí nhà kính tiếp tục ở mức hiện tại, bầu khí quyển sẽ ấm lên tới 2,7 độ F (so với mức trước công nghiệp) vào năm 2040.

Một con hổ Bengal và đàn con trong một sở thú ở Chittagong, Bangladesh.

Sự gia tăng đó sẽ có những hậu quả đáng kể đối với chuỗi thức ăn, các rạn san hô và các khu vực dễ bị lũ lụt. Nhiệt độ tăng cũng có thể ảnh hưởng đặc biệt lớn đến các quốc gia nghèo nhưng đông đúc như Bangladesh, có diện tích chỉ tương đương với Iowa và là ngôi nhà của 160 triệu người.

Khi phân tích các hồ sơ thủy triều của nhiều thập kỷ, các nhà khoa học phát hiện ra rằng thủy triều cao ở Bangladesh đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Nguyên nhân có thể do khu vực này nằm ở đồng bằng sông Hằng, một mạng lưới sông suối phức tạp.

Sugata Hazra, một nhà hải dương học tại Đại học Jadavpur, Ấn Độ, cho biết có thể có một số mất đất ở Sundarbans, nhưng nghiên cứu của ông cho thấy tác động ít nghiêm trọng hơn đối với hổ.

Một số bước đã được thực hiện để bảo vệ các khu vực trũng thấp và những con hổ sống ở đó, theo Zahir Uddin Ahmed, một quan chức của bộ phận lâm nghiệp Bangladesh.

Cây trồng có thể sống sót ở mức độ mặn cao hơn đang được đưa vào khu vực. Chính phủ đã xây dựng các bức tường bão. Sự phân phối lại trầm tích cũng đã tăng chiều cao của một số đảo, ông nói.

Tuy nhiên, Prerna Singh Bindra, tác giả của cuốn "The Vanishing: India’s Wildlife Crisis" (Cuộc khủng hoảng động vật hoang dã ở Ấn Độ), cho biết môi trường sống của hổ sẽ tiếp tục bị thu hẹp - cho dù do biến đổi khí hậu hay do sự phát triển của ngành công nghiệp - và khó có thể thực hiện được các lựa chọn bảo tồn tốt.

Việc di chuyển những con hổ Bengal sang một khu bảo tồn khác cũng không phải là một giải pháp khả thi của người, cô nói. "Bạn đặt những con hổ này ở đâu? Đâu là môi trường sống không bị xáo trộn thích hợp trên hành tinh đông đúc này?"

Nguồn: