Là một trong những dạng thời tiết gây ra nhiều thiệt hại bậc nhất trên trái đất, đến ngày nay bão nhiệt đới (tropical cyclone) vẫn còn là một câu hỏi khó cho các nhà khí tượng, ngay cả khi họ được trang bị những công cụ hỗ trợ hiện đại bậc nhất thế giới.
Về bản chất, cơn bão nhiệt đới là một hệ chuyển động nhanh với đặc trưng là một trung tâm áp suất thấp ở giữa, một chuyển động tuần hoàn của vùng khí quyển lân cận, gió mạnh và vùng giông kèm mưa lớn được phân bố theo hình xoáy ốc. Khác hẳn các loại bão khác được hình thành trong khí quyển, bão nhiệt đới có vùng trung tâm luôn ấm hơn vùng xung quanh – đây là hiện tượng hệ bão “lõi ấm”.
Trên khắp thế giới, bão nhiệt đới còn có nhiều tên gọi khác nhau như typhoon (Tây bắc Thái Bình Dương), Hurricane (Đông Bắc Thái Bình Dương, Bắc Atlantic, vùng biên giới Bắc Mỹ)… Dù chúng được gọi bằng những tên gì thì sự hình thành của chúng cũng chỉ là một: xuất phát từ những ‘động cơ’ khổng lồ chạy nhiên liệu được bốc hơi từ nước ấm trên bề mặt đại dương. Đó là nguyên nhân tại sao chúng hình thành chỉ ở những vùng biển ấm gần xích đạo. Đây là một chu trình diễn ra một cách liên tục: nước ấm, bốc hơi hình thành vùng áp suất thấp phía dưới. Không khí từ vùng xung quanh với áp suất cao bị đẩy vào khu vực áp suất thấp. Do diễn ra liên tục nên không khí xung quanh bị cuốn vào vòng xoáy đó. Toàn bộ hệ thống mây và gió xoay tròn và “lớn lên” với sự hỗ trợ của nhiệt độ và nước đại dương. Khi hệ thống bão hình thành quay nhanh hơn, một mắt bão hình thành ở trung tâm, nơi mọi thứ đều rất êm đềm với áp suất không khí thấp.
Bão nhiệt đới thường suy yếu khi vào đất liền vì nó không còn được nuôi dưỡng bằng năng lượng nước ấm đại dương. Dẫu sao, nó vẫn đủ sức đi xa vào đất liền, mang theo mưa lớn và là nguyên nhân gây lụt lội, gió lớn.
Tiến bộ và hạn chế trong dự báo hiện nay
Khi làm công tác dự báo về bão nhiệt đới, các nhà dự báo thời tiết thường sử dụng rất nhiều công cụ để có được thông tin về đường đi, cường độ bão cũng như các hiện tượng nước dâng và lượng mưa đi kèm. Do thật khó khăn để thu nhận được các quan sát về gió tại bề mặt đại dương dưới bão, họ thường phát triển các công cụ trên cơ sở các hình ảnh vệ tinh để ước lượng cường độ, địa điểm đổ bộ và khu vực nào, sức gió mạnh nhất và gây thiệt hại nhiều nhất.
Họ cùng rất nhiều mô hình để hỗ trợ công việc dự báo thời tiết của mình– từ các mô hình dự báo thời tiết số trị đến các mô hình thống kê. Dù mô hình thuộc dạng nào thì chúng đều bắt đầu bằng việc sử dụng các quan sát về khí quyển, sau đó sử dụng dữ liệu thu được để dự đoán.
Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của các mô hình để có thể dự đoán những thông tin cần thiết về bão trong tương lai, kết quả thu được cũng khác nhau. Theo thời gian, các nhà dự báo bão đã cải thiện được năng lực của mình, trước hết là cải thiện về thời gian dự báo bão trước 48 giờ với độ chính xác cao trong thông tin so với trước 14 giờ vào đầu những năm 1990. Trung tâm dự báo bão quốc gia Mỹ (US National Hurricane Centre) hiện giờ có năng lực dự báo tới 120 giờ bão. Tuy nhiên yếu tố về cường độ bão thì được cải thiện chậm chạp hơn, dù các mô hình đã được cải thiện và kỹ thuật vệ tinh đã được tăng cường chất lượng, năng lực của các nhà dự báo. Trả lời phỏng vấn của Zing.vn bên lề hội thảo” “Nắm vững công nghệ và kiến thức để đáp ứng những thách thức trong kỷ nguyên mới của dự báo bão” vào tháng 2/2018, ông Raymond Tanabe - Giám đốc Trung tâm Dự báo khu vực Thái Bình Dương, cũng cho biết dự báo cường độ bão vẫn còn là bài toán khó với ngành khí tượng thế giới: “Không chỉ Việt Nam, các nước có nền công nghệ hiện đại như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều gặp trở ngại này trong nhiều năm qua”.
Bên cạnh đó, việc nâng cao sự chính xác trong dự đoán lượng mưa, độ phủ của trường gió và và nước dâng vẫn còn tiến triển rất chậm. Vì thế, những hoạt động nghiên cứu về bão nhiệt đới ở khía cạnh này đang được các nhà khoa học trên thế giới đang tập trung, dự báo có thể tiến triển trong thập kỷ tới.
Không chỉ là việc của nhà khoa học
Trong thập kỷ qua, các nhà khoa học đã nỗ lực để gia tăng hiểu biết về bão nhiệt đới. Những quan sát được thực hiện ở nhiều góc độ, từ nhiều nguồn: vệ tinh, phao thu thập dữ liệu thời tiết trên biển, máy bay để bay vào nghiên cứu cấu trúc bão. Dẫu vậy những nỗ lực này không phải là duy nhất để cải thiện năng lực dự báo bão. Cũng giống như dịch bệnh truyền nhiễm, bão nhiệt đới cũng ảnh hưởng không theo phạm vi quốc gia. Những gì diễn ra trong suốt hàng thế kỷ qua cho thấy, bão nhiệt đới có thể hoạt động xuyên biên giới và tác động ở nhiều quốc gia.
Do đó, các hoạt động về nghiên cứu về bão cũng như “đón bão” cần được thực hiện trên phạm vi đa quốc gia. Để làm được điều này, các quốc gia cần phải có sự liên kết chặt chẽ với quốc gia khác thông qua việc cung cấp các thông tin, dữ liệu mà mình có về bão như đường đi của bão, những rủi ro tiềm năng và những giải pháp di dân khỏi vùng bị ảnh hưởng của bão.
Mặt khác, những ảnh hưởng về biển đổi khí hậu và sự ấm lên của Trái đất khiến việc dự đoán về bão nhiệt đới ngày càng khó hơn. Điều đó càng cho thấy vai trò quan trọng của các chính phủ và các quốc gia trong việc cùng thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu, qua đó góp phần làm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và gia tăng khả năng quản lý về rủi ro thiên tai. Làm tốt được điều này, các nhà dự báo bão nhiệt đới sẽ được chia sẻ một phần gánh nặng để làm tốt công việc của mình.