Những học sinh thích đặt câu hỏi thường sẽ có thành tích học tập tốt hơn, đặc biệt là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Lũ trẻ ngồi khoanh chân trên tấm thảm khi cô giáo chuẩn bị cho tiết dạy về thời tiết, với những bức hình minh họa về đám mây. Bên ngoài lớp học, những tia chớp lóe lên trên nền trời xám xịt và sấm sét ầm ầm. Những đứa trẻ đầy hiếu kỳ, chúng la lên và chỉ trỏ, nhưng giáo viên yêu cầu chúng tập trung vào bài học – bởi đây không phải là cách mà mục tiêu bài học muốn hướng đến.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng này ở các trường học. Trẻ em luôn đầy ắp câu hỏi về những điều mà chúng quan tâm, lại đang phải học cách không hỏi về những thắc mắc ấy khi ở trường. Khi mà các bài kiểm tra và thành tích mới là thứ được đặt lên hàng đầu, những thắc mắc vẩn vơ ấy phần lớn không được giải đáp, và thế là cơ hội học hỏi đã bị bỏ lỡ.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất của Mỹ cho thấy chúng ta nên khuyến khích việc đặt ra câu hỏi, bởi vì những đứa trẻ tò mò sẽ học hỏi được nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Nhi C.S Mott thuộc Đại học Michigan và Trung tâm Phát triển Con người đã thực hiện khảo sát về mức độ tò mò ở 6.200 trẻ em, khảo sát này là một phần của bài Nghiên cứu Lâu dài về Trẻ nhỏ ở Hoa Kỳ. Nghiên cứu được nhấn mạnh trong một cuốn sách mới của Judith Judd và tôi, “Cách thành công ở trường. Những gì phụ huynh nên biết.”

Một nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy chúng ta nên khuyến khích việc đặt ra câu hỏi, bởi vì những đứa trẻ tò mò sẽ học hỏi được nhiều hơn. Ảnh: psmag.com

Các nhà nghiên cứu đánh giá mức độ tò mò ở các giai đoạn bao gồm khi trẻ còn sơ sinh, mới biết đi và học mẫu giáo, bằng cách trò chuyện cùng phụ huynh va sử dụng bản câu hỏi. Khả năng đọc hiểu, tính toán và cách cư xử thì được kiểm tra ở trường mẫu giáo (năm đầu tiên đến trường), nơi họ nhận thấy rằng những đứa trẻ tò mò nhất thực hiện các bài kiểm tra tốt hơn cả. Đáng chú ý, trong một nghiên cứu quan trọng nhằm phân tích chênh lệch thành tích học tập giữa trẻ đến từ gia đình nghèo và trẻ xuất thân khá giả hơn, mối liên hệ giữa sự tò mò và kết quả của bài kiểm tra được thể hiện rất rõ ở trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng để một đứa trẻ có khả năng học tập tốt, không hẳn nằm ở sức tập trung, chẳng hạn như việc không bị phân tâm bởi cơn giông, mà quan trọng hơn cả là ở sự tò mò – những câu hỏi mà trẻ có thể đặt ra về cơn bão đó.

Các giáo viên tập trung phát triển khả năng tập trung và thái độ học tập vì nghĩ rằng đây là những yếu tố để có được kết quả học tập tốt, giờ đây họ cần phải nhận ra rằng phát triển trí tò mò ở trẻ có thể còn quan trọng hơn nữa.

Đứng đầu nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Prachi Shah, một bác sĩ chuyên nghiên cứu về phát triển và hành vi trẻ em tại Bệnh viện Nhi C.S Mott và là trợ lý nghiên cứu tại Đại học Michigan, cho biết: “Kích thích trí tò mò ở trẻ, đặc biệt là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, có thể là một hướng đi quan trọng nhưng chưa được đánh giá đúng tầm trong việc giải quyết vấn nạn chạy theo thành tích. Kích thích trí tò mò là nền tảng cho quá trình học tập trong giai đoạn đầu khi ngồi trên ghế nhà trường – điều mà chúng ta nên chú trọng hơn khi đánh giá thành tích học tập.”

Tò mò là bản năng. Số câu hỏi mà một đứa trẻ mới chập chững biết đi có thể hỏi dường như là vô hạn – đó là một trong những phương pháp quan trọng mà con người áp dụng để học hỏi trong cuộc sống. Năm 2007, các nhà nghiên cứu đã thông kê số câu hỏi mà những đứa trẻ từ 14 tháng tuổi đến năm tuổi đặt ra có thể lên tới trung bình 107 câu hỏi một giờ. Có thời điểm, cứ một phút thì đứa trẻ lại đặt ra ba câu hỏi liên tục.

Nhưng nghiên cứu của Susan Engel, tác giả của cuốn The Hungry Mind và những tài liệu nghiên cứu hàng đầu về trí tò mò ở trẻ, nhận thấy những câu hỏi cứ thưa thớt dần một khi trẻ bắt đầu chập chững đến trường. Khi nhóm nghiên cứu của bà thống kê số câu hỏi được đặt ra trên lớp, bà phát hiện ra rằng những đứa trẻ nhỏ nhất ở một trường tiểu học ngoại ô của Mỹ đã hỏi từ hai đến năm câu hỏi trong khoảng thời gian hai giờ. Tệ hơn, khi chúng lớn lên, những đứa trẻ chẳng thiết tha gì với việc đặt ra câu hỏi nữa. Trong một tiết học kéo dài hai tiếng đồng hồ của học sinh lớp 5, những đứa trẻ 10 và 11 tuổi không thể hỏi giáo viên của mình dù chỉ là một câu hỏi duy nhất.

Trong một tiết học mà bà được tham dự, một học sinh lớp chín giơ tay hỏi rằng liệu có nơi nào trên thế giới này không có ai làm nghệ thuật không. Người giáo viên chặn đứng thắc mắc bất chợt đó, và nói, “Zoe, chúng ta đang trong giờ học, đặt câu hỏi đó sang một bên nhé.”

Engel, giáo sư chuyên về tâm lý học phát triển thuộc Đại học Williams ở Williamstown, Massachusetts, nhận xét: “Khi bạn có dịp ghé thăm các trường học ở nhiều nơi trên thế giới, nhìn những học sinh ở đây, khó mà nghĩ rằng đó là những đứa trẻ năng động, hiểu biết rộng, bởi vì không một ai nhắc đến đời sống tinh thần, thế giới nội tâm bên trong chúng. Chúng có thái độ tốt thế nào, thành tích học tập xuất sắc ra sao, dường như đó mới là điều mà những người làm giáo dục quan tâm trước nhất. Hệ thống giáo dục dường như đã gạt trí tò mò của trẻ sang bên lề.”

Trong một môi trường mà người giáo viên dạy cho những đứa trẻ rằng không được đặt câu hỏi, không có gì đáng ngạc nhiên khi các sinh viên có thành tích cao được nhận thấy là ít tò mò hơn – theo bài nghiên cứu vào năm 2013 của nhóm nghiên cứu người Mỹ, bởi vì họ nhận thấy sự tò mò là mối đe dọa đối với kết quả học tập của họ. Những câu hỏi mà họ đặt ra chỉ hướng đến việc hoàn thành bài tập tốt hơn, trong khi những sinh viên ham học hỏi sẽ đặt ra các thắc mắc với mong muốn hiểu sâu hơn về chủ đề đó.

Tất nhiên, vẫn có một số giáo viên khuyến khích và thúc đẩy trí tò mò – Engel cho biết, rằng trong mỗi ngôi trường mà bà đến đều có xu hướng có một giáo viên đang cố gắng làm điều đó. Nhưng thông thường đó chỉ là câu chuyện của một cá nhân – chứ không phải là một cách tiếp cận có hệ thống như cách mà trường mẫu giáo Ilminster Avenue, ở Bristol đang tiến hành.
Tháng 9 năm ngoái, nhà trẻ đã tiến hành một bước đi quyết liệt trong việc loại bỏ hầu như toàn bộ số đồ chơi dành cho trẻ hai tuổi ở đây, và thay thế bằng một loạt những thùng các-tông, lon thiếc, nồi và chảo, điện thoại cũ, ấm đun nước, máy tính và thiết bị lắp ống nước – bất cứ thứ gì mà trẻ có thể thỏa thích sáng tạo.

Những đứa trẻ lập tức vớ lấy các vật dụng mới, làm cầu trượt cho nhà lắp ghép bằng ống nước, căn cứ địa và tàu vũ trụ bằng các hộp các-tông và trò chuyện với những nhân vật tưởng tượng bằng điện thoại cũ. Những chiếc chìa khóa cũ được sử dụng để khóa mọi thứ hoặc mở khóa các vương quốc tưởng tượng. Trong đám trẻ, hầu như chẳng em nào đòi trả lại những món đồ chơi trước kia.

Các em nhỏ ở trường mầm non Ilminster Avenue bên “căn cứ địa” được làm bằng thùng cạc-tông của chúng. Ảnh: Sam Frost/The Guardian

Matt Caldwell, hiệu trưởng, chia sẻ rằng các bậc phụ huynh và giáo viên từng hoài nghi, thì giờ đây đã bị thuyết phục bởi sự thay đổi – những đứa trẻ được thỏa thích sáng tạo và trò chuyện cùng nhau.

Ông nói: “Trẻ em thích bắt chước những gì mà người lớn thực hiện với các đồ vật. Cách mà con người và đồ vật vận hành sẽ khiến chúng tò mò về thế giới xung quanh.”

“Trường học giết chết trí tò mò. Khi nào thì trẻ mới có thể đặt câu hỏi về những điều mà chúng quan tâm? Ngay khi còn học tiểu học, chúng phải biết giữ trật tự và tập trung vào học. Lỗi không nằm ở những người giáo viên. Họ phải gánh trên mình áp lực từ nhiều phía.”

Paul Howard-Jones, giáo sư khoa học thần kinh và giáo dục tại Đại học Bristol, người đã đến trường học để quan sát những đứa trẻ chơi với “đồ chơi” mới của chúng, cho biết rằng con người học hỏi từ những biến cố, và trí tò mò là yếu tố quan trọng xuyêt suốt hành trình khám phá đó.”

“Trẻ em nên được khuyến khích đặt câu hỏi mặc dù điều đó có thể là thử thách đối với giáo viên,” ông nói. “Trong một ngày, cần có những khoảng thời gian để các em học sinh được đặt câu hỏi. Nhà trường không có đủ thời gian để nuôi dưỡng sự sáng tạo và duy trì óc tò mò.”

Nguồn: