Hơn 210.000 người tại 173 quốc gia và khu vực đã được xác nhận mắc COVID-19. Nhưng không phải ai cũng được xét nghiệm, vì vậy những con số không thể phản ánh chính xác mức độ lây nhiễm trong các cộng đồng trên toàn thế giới.

Qua phỏng vấn với ba nhà lãnh đạo về sức khỏe cộng đồng - tại WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và tại một trong những tổ chức từ thiện nghiên cứu lớn nhất trên thế giới - trang tin Nature giải thích cách các quan chức và nhà nghiên cứu đang cố gắng ước tính kích thước của các ổ dịch riêng lẻ dựa trên dữ liệu không đầy đủ.

Odisha, ở miền đông Ấn Độ, đã đóng cửa các nhà hát, bể bơi, trường học và các không gian công cộng khác để ngăn chặn sự lây lan virus corona.

Có phải virus corona gây ra COVID-19 đã âm thầm lây lan trong một số cộng đồng?

Có. Một dấu hiệu là có các trường hợp được xác nhận mắc COVID-19 nhưng không có lịch sử tiếp xúc hay du lịch quốc tế gần đây. Có nghĩa là những trường hợp này được kết nối thông qua một mạng lưới lây nhiễm ẩn. Cách lý tưởng để biết có bao nhiêu người trong cộng đồng đã bị nhiễm virus corona là thu thập mẫu máu từ mọi người ở mọi lứa tuổi để tìm kiếm kháng thể chống lại virus (cho thấy một người đã bị nhiễm virus trước đó). Dữ liệu từ các nghiên cứu huyết thanh học như vậy có thể được sử dụng để xác định chính xác tỷ lệ tử vong và lây truyền. Nhưng những nghiên cứu như vậy cần có thời gian.

Các nhà khoa học có thể ước tính kích thước của một ổ dịch mà không cần thử nghiệm diện rộng?

Đúng. Các chuyên gia nói rằng họ so sánh các tuyến bằng chứng khác nhau. Một ước tính có thể bắt đầu với số người chết trong một khu vực.

Ví dụ, dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy thời gian từ khi một người cảm thấy bị bệnh đến khi chết vì COVID-19 là 3 tuần. Giả sử tỷ lệ tử vong khoảng 1%, thì có thể suy ngược lại rằng mỗi trường hợp tử vong đại diện cho khoảng 100 trường hợp nhiễm bệnh trong tuần đầu tiên. Nếu 100 trường hợp đó không được xác định và cách ly, số người nhiễm sẽ tăng gấp đôi mỗi tuần, đưa ước tính số ca nhiễm lên 400 vào thời điểm có ca tử vong sau 3 tuần.

Bởi vì biến số trong các ước đoán này rất lớn, các nhà dịch tễ học liên tục đối chiếu số liệu của họ với các thông tin mới.

Các chuyên gia có thể đối chiếu các ước tính với phân tích bộ gen của virus corona. Ví dụ điển hình nhất là từ Seattle, Washington. Ngày 29/2/2020, Trevor Bedford, nhà sinh học tính toán tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, đã báo cáo rằng bộ gen của một virus thu thập từ một thiếu niên gần thành phố gần giống với bộ gen virus thu thập 6 tuần trước đó từ một người phụ nữ sáu mươi tuổi trở về Seattle từ Trung Quốc, giữa hai người này không có tiếp xúc. Cách giải thích đơn giản nhất là virus đã lây từ người phụ nữ sang người khác, người đó lây sang người khác nữa, và cuối cùng đã đến được với thiếu niên. Nhóm của Bedford tính toán rằng trong 6 tuần, hàng trăm người có thể đã bị nhiễm.

Vậy vì sao thiếu niên này bị nhiễm mà số ca nhiễm vẫn không tăng vọt? Sau khi người phụ nữ và chồng của bà có kết quả dương tính vào giữa đến cuối tháng 1, các quan chức y tế đã theo dõi 347 người tiếp xúc với cặp đôi này. Khả năng là một số trong những người tiếp xúc đã bị nhiễm, nhưng cho thấy rất ít, nếu có, các triệu chứng của COVID-19. Nếu triệu chứng quá nhẹ và họ không tự cách ly, có thể họ đã phát tán virus trong cộng đồng.

Đầu tháng 3, các phòng thí nghiệm hàn lâm rầm rộ sàng lọc virus corona và mức độ bùng phát thực sự ở Seattle mới được tiết lộ. Tính đến ngày 12/3, Sở y tế hạt King, bao gồm Seattle, đã báo cáo 270 trường hợp nhiễm bệnh, với 27 trường hợp tử vong.

Với rất nhiều trường hợp không bị phát hiện, làm thế nào WHO có thể đưa ra tuyên bố về việc có bao nhiêu quốc gia đã bị lây nhiễm?

WHO cho biết phải sử dụng thông tin mà họ có. Hầu hết các dữ liệu của WHO đến từ giám sát và phát hiện trường hợp, nhưng tổ chức này cũng hợp tác với các nhà khoa học tiến hành phân tích bộ gen và các nghiên cứu khác.

Có bằng chứng cho thấy các biện pháp ngăn chặn đã có tác dụng ở Trung Quốc: nước này báo cáo chỉ khoảng 20 trường hợp mới mỗi ngày trong tuần trước. (Để so sánh, Ý đã xác nhận hơn 2.000 trường hợp chỉ trong vòng 24 giờ.)

Tín hiệu ban đầu cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu lật ngược tình hình dịch bệnh, là hầu hết các trường hợp được báo cáo mới xuất hiện trong số các trường hợp được biết và đã cách ly. Nói cách khác, virus không lây lan một cách âm thầm và không bị phát hiện.

Các chuyên gia cũng lo lắng rằng tình hình của châu Âu có thể báo trước những gì sẽ xảy đến với Hoa Kỳ.

Đã quá muộn để ngăn chặn COVID-19?

Hoàn toàn không. Các chiến lược ngăn chặn và giảm thiểu đều giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng giảm thiểu tác động của nó đối với người dân và bệnh viện.

Biện pháp ngăn chặn cơ bản nhất là phải thử nghiệm để xác định người bị nhiễm bệnh, tìm địa chỉ liên lạc của họ và ngăn không cho họ lây nhiễm sang người khác. WHO cho rằng Trung Quốc có thể hạn chế bùng phát nhờ xác định tỉ mỉ các trường hợp và những người họ tiếp xúc. Chính phủ Trung Quốc đã cách ly những người tiếp xúc tại nhà và tại các cơ sở trong 14 ngày.

Biện pháp này là cần thiết, vì dù không thể ngăn chặn dịch bùng phát nhưng nó sẽ giúp các bệnh viện thời gian chuẩn bị.

Các bệnh viện ở miền bắc Italy đang hết giường cho bệnh nhân và khoảng 250 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh. Nếu tỷ lệ nhiễm trùng hiện tại tiếp tục, một phân tích trong The Lancet dự đoán rằng các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở Ý sẽ chạm ngưỡng công suất tối đa vào cuối tuần tới.

Nguồn: