Trẻ em nhận thức rất rõ về mâu thuẫn giữa những gì người lớn nói và những gì người lớn làm.

.

Khi khảo sát các phụ huynh Mỹ về những mong muốn của họ dành cho con cái mình, hơn 90% nói rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của họ là nuôi dạy con cái trở thành người tử tế. Điều này nghĩa là: Lòng tốt và sự quan tâm được coi là những đức tính cần có trong gần như mọi xã hội và mọi tôn giáo lớn. Nhưng khi bạn hỏi những đứa trẻ rằng cha mẹ chúng muốn gì cho chúng, 81% nói rằng cha mẹ chúng coi trọng thành tích và niềm vui của con hơn là việc con trở thành một người biết quan tâm.

Trẻ em học cách hiểu đâu là thứ quan trọng đối với người lớn không phải bằng cách lắng nghe lời chúng ta nói, mà bằng cách để ý những gì thu hút sự chú ý của ta. Và trong nhiều xã hội phát triển, phụ huynh giờ đây chú ý đến thành tích cá nhân và niềm vui hơn bất cứ điều gì khác. Dù chúng ta ca ngợi lòng tốt và sự tử tế nhiều đến đâu, thực tế chúng ta vẫn chưa cho trẻ em thấy rằng chúng ta coi trọng những yếu tố này.

Có lẽ chúng ta không nên lấy làm bất ngờ, khi mà, lòng tốt dường như không còn được coi trọng. Một phân tích đáng tin cậy dựa trên các cuộc khảo sát hằng năm với sinh viên đại học Mỹ cho thấy sự sụt giảm đáng kể từ năm 1979 đến năm 2009 về lòng đồng cảm và đặt mình vào góc nhìn của người khác. Suốt giai đoạn này, các sinh viên ngày càng ít dành sự quan tâm đến những người có số phận kém may mắn - và cũng ít bận tâm hơn khi chứng kiến người khác bị đối xử bất công.

Vấn đề không chỉ là mọi người đang dần ít quan tâm đi; mà dường như họ cũng đang giúp đỡ ít hơn. Một nhà xã hội học, trong thí nghiệm của mình, đã rải hàng ngàn bức thư - trông có vẻ như là bị thất lạc, ở hàng chục thành phố của Mỹ vào năm 2001, và một lần nữa vào năm 2011. Từ lần đầu tiên đến lần thứ hai, tỷ lệ các bức thư được người qua đường nhặt được và sẵn lòng đặt vào trong hòm thư giảm 10%. (Khi thí nghiệm tương tự được thực hiện ở Canada, con số này không giảm.) Các nhà tâm lý học nhận thấy rằng những đứa trẻ sinh ra sau năm 1995 cũng giống như thế hệ trước, tin rằng những ai lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì nên nhận được sự giúp đỡ - nhưng họ cảm thấy ít trách nhiệm cá nhân hơn trong việc giúp đỡ đó. Chẳng hạn như, họ ít quyên góp cho quỹ từ thiện hơn, và cũng ít bày tỏ sự quan tâm đến việc đó hơn.

Nếu các mối quan hệ trong xã hội ngày nay đang dần bị rạn nứt, nếu chúng ta thực sự ít quan tâm đến nhau hơn, một trong những lý do mà ta có thể đổ lỗi nằm ở những giá trị mà các bậc cha mẹ đã đề cao. Trong thực tế cuộc sống, chúng tôi đã quan sát thấy nhiều cha mẹ vì quá chú trọng vào thành tích mà quên mất việc nuôi dưỡng lòng tốt của con mình. Họ dường như coi thành công của con cái là một ‘tấm huy chương’ danh dự cá nhân - và những vấp ngã của chúng sẽ phản ánh sự thất bại của chính họ trong việc nuôi dạy con cái.

Các bậc cha mẹ khác thì khéo léo ngăn cản lòng tốt của con mình, coi đó là nguồn gốc của sự yếu đuối trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt. Chẳng hạn như, trong một số cộng đồng nuôi dạy con cái, có một phong trào chống lại việc can thiệp khi trẻ mẫu giáo thể hiện sự ích kỷ trong khi chơi trò chơi. Những bậc cha mẹ này lo lắng rằng việc can thiệp có thể ngăn trẻ em học được cách đấu tranh vì quyền lợi của chính mình. Họ cho rằng, thà nuôi dạy một người trưởng thành không thích chia sẻ, còn hơn là một người chật vật để nói câu từ chối. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các bậc cha mẹ không thể dạy con của mình biết cách quan tâm đến những người xung quanh lẫn bản thân - vừa sẵn lòng giúp đỡ người khác, mà vẫn giàu lòng tự trọng. Nếu bạn khuyến khích trẻ em cân nhắc giữa nhu cầu bản thân và cảm xúc của người khác, đôi khi chúng sẽ cân nhắc, và đôi khi thì không. Nhưng chúng sẽ sớm học được nguyên tắc ‘có qua có lại’: Nếu bạn không đối xử với người khác một cách tử tế, họ có thể cũng không tử tế với bạn. Và những người xung quanh bạn rồi cũng sẽ ít tử tế hơn với những người khác nữa.

Các bậc phụ huynh chú trọng việc dạy con trở thành người cứng rắn, một phần bởi hậu quả không lường trước được của mong muốn tốt đẹp nhằm tạo ra sự bình đẳng trong cách cư xử với bé trai và bé gái. Trước đây, gia đình và trường học khuyến khích bé gái trở nên tốt bụng và ân cần, còn bé trai thì mạnh mẽ và tham vọng. Ngày nay, các bậc phụ huynh và giáo viên đang dành nhiều thời gian và công sức hơn trong việc nuôi dưỡng sự tự tin và khả năng lãnh đạo ở bé gái. Đáng tiếc là, không có một đà phát triển tương tự đối với việc nuôi dưỡng lòng hào hiệp và hay giúp đỡ ở các bé trai. Kết quả là cả xã hội ít chú trọng hơn vào việc nuôi dưỡng lòng trắc ẩn.

Trẻ em, với một tâm hồn nhạy cảm, nhận ra tất cả những điều này. Chúng nhìn thấy những người bạn đồng trang lứa được ca tụng chủ yếu vì thành tích cá nhân, chứ không phải vì sự tốt bụng mà chúng thể hiện. Trẻ em nhận thấy người lớn quan tâm đến thành tích chứ không chú ý nhiều đến tính cách của chúng. Phụ huynh là những người sẽ truyền lại các giá trị tốt đẹp cho các thế hệ tiếp theo, nhưng chúng ta có nguy cơ thất bại trong việc truyền lại giá trị tốt đẹp của lòng tốt. Làm thế nào để thực hiện việc này tốt hơn?

Khi những đứa con của chúng tôi bắt đầu đi học, chúng tôi nhận ra những câu hỏi mà mình đặt ra vào cuối ngày đều liên quan đến thành tích mà các con đạt được: Nhóm của con thắng chứ? Bài kiểm tra thế nào?

Để chứng minh rằng biết quan tâm là một giá trị cốt lõi, chúng tôi nhận thấy cần dành cho nó mối quan tâm tương xứng. Chúng tôi bắt đầu bằng việc thay đổi cách đặt câu hỏi. Trong bữa tối của gia đình, chúng tôi hỏi các con rằng chúng đã làm gì để giúp đỡ người khác. Lúc đầu, “Con quên mất rồi” là câu trả lời mặc định. Nhưng sau một thời gian, chúng bắt đầu đưa ra những câu trả lời chi tiết hơn. Chẳng hạn như, “Con đã chia sẻ bữa ăn nhẹ của mình với một người bạn không có gì để ăn,” hoặc “Con đã giúp một người bạn cùng lớp làm lại chỗ sai trong bài kiểm tra của bạn ấy.”

Với tư cách là những người làm cha làm mẹ, chúng tôi đã cố gắng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân - bao gồm cả những khoảnh khắc khi chúng tôi thất bại. Việc kể cho con của bạn nghe về cách mà bạn đã hối hận khi không đấu tranh bảo vệ cho một đứa trẻ đang bị bắt nạt, có thể thúc đẩy chúng một ngày nào đó sẽ dũng cảm đứng lên bảo vệ người khác. Cùng hồi tưởng lại quãng thời gian khi bạn rời khỏi nhóm và để mặc các thành viên của mình tự xoay sở, có thể khiến con bạn suy ngẫm nghiêm túc hơn về trách nhiệm của chúng đối với mọi người.

Vấn đề không phải là chúng ta đang năn nỉ những đứa trẻ hãy trở thành người tốt bụng, dụ dỗ chúng hãy biết quan tâm chia sẻ với mọi người, mà là giúp chúng nhận ra những phẩm chất này được chú ý và có giá trị. Trẻ em luôn sẵn lòng san sẻ - ngay cả những đứa trẻ nhỏ nhất dường như cũng tồn tại trong mình sự nhạy cảm bẩm sinh trong việc hiểu về nhu cầu của người khác. Khi chúng được một tuổi rưỡi, nhiều trẻ em muốn giúp đỡ dọn bàn, quét sàn và dọn dẹp đống đồ chơi; đến khi chúng lên hai tuổi rưỡi, nhiều đứa trẻ sẽ nhường chiếc chăn của mình cho người khác để họ không bị cảm lạnh.

Nhưng quá nhiều những đứa trẻ có xu hướng xem lòng tốt là một nghĩa vụ hơn là một sự lựa chọn. Chúng ta có thể thay đổi điều đó. Các cuộc thí nghiệm cho thấy rằng khi những đứa trẻ được lựa chọn có chia sẻ hay không, thay vì bị ép buộc phải làm vậy, chúng có khả năng sẽ thể hiện sự quan tâm, chia sẻ một cách nhiệt tình hơn gấp bội. Và khi những đứa trẻ được khen ngợi và công nhận vì đã giúp đỡ người khác, chúng có nhiều khả năng sẽ sẵn lòng giúp đỡ một lần nữa.

Các em học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) tham gia hoạt động gói bánh chưng gửi tặng trẻ em mồ côi vùng cao Hà Giang. Ảnh: dangcongsan.vn
Các em học sinh trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội) tham gia hoạt động gói bánh chưng gửi tặng trẻ em mồ côi vùng cao Hà Giang. Ảnh: dangcongsan.vn

Chúng ta cũng có thể khuyên con cái nên chú ý đến những người bạn mà chúng giao du. Các nhà tâm lý học phân biệt giữa hai con đường dẫn đến sự mến mộ: nể sợ (xuất phát từ việc thống trị và dẫn dắt sự chú ý) và sự yêu mến (xuất phát từ sự thân thiện và tử tế). Trẻ vị thành niên thường bị cuốn hút bởi sự nể sợ, tụ bạ với những đứa trẻ ‘ngầu’ và tỏ vẻ hơn người, ngay cả khi chúng không được tử tế cho lắm. Trẻ em rất dễ ngưỡng mộ những người bạn đồng trang lứa dựa trên thành tích của chúng, người chạy nhanh nhất trong nhóm, hay người chiến thắng của chương trình tài năng. Chúng tôi không nghĩ rằng cha mẹ nên kiểm soát những mối quan hệ đó, nhưng chúng tôi nghĩ điều quan trọng đó là hãy giúp trẻ em chú ý đến những người bạn cùng lớp có tính cách tốt bụng và sở hữu một tấm lòng nhân hậu. Chúng ta có thể hỏi rằng những đứa trẻ đó đối xử với người khác như thế nào và chúng khiến người khác cảm thấy thế nào. Đó là điểm khởi đầu để phát triển tình bạn với những đứa trẻ có cùng hệ giá trị.

Có thể thấy, việc quá coi trọng thành tích cá nhân có thể gây ra sự thiếu hụt trong việc hình thành nên tính cách biết quan tâm, chia sẻ. Nhưng chúng ta không nhất thiết phải lựa chọn rạch ròi giữa cả hai. Trên thực tế, dạy trẻ quan tâm đến người khác có thể là cách tốt nhất để chuẩn bị cho chúng một cuộc sống thành công và trọn vẹn.

Một vài bằng chứng cho thấy những đứa trẻ hay giúp đỡ người khác cuối cùng sẽ đạt được nhiều hơn những đứa trẻ không thích cho đi. Những cậu bé được giáo viên mẫu giáo đánh giá biết giúp đỡ người khác sẽ kiếm được nhiều tiền hơn vào 30 năm sau. Những học sinh cấp hai biết giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ với bạn bè cũng thể hiện sự vượt trội về mặt điểm số - so với các bạn cùng lớp không thích giúp đỡ. Những em học sinh lớp tám với thành tích học tập tốt nhất, 5 năm trước lại không phải là những người đạt điểm cao nhất; đó là những học sinh được các bạn cùng lớp và giáo viên lớp ba đánh giá biết quan tâm, giúp đỡ nhất. Và những học sinh cấp hai tin rằng cha mẹ của chúng coi trọng sự quan tâm, lễ phép và tử tế hơn là thành tích học tập xuất sắc thì theo học một trường đại học danh tiếng và có bảng thành tích tốt hơn, đồng thời ít có khả năng phá vỡ các quy tắc.

Nhưng lòng tốt cũng có thể tạo nên niềm vui cho trẻ em ngay từ bây giờ. Trong một thí nghiệm, những đứa bé vẫn còn chập chững nhận được bánh quy Goldfish hoặc bánh quy Graham, sau đó được mời đưa một ít cho một con rối, con rối sẽ “ăn” chúng và thốt lên “ngon quá”. Các nhà nghiên cứu đánh giá các biểu hiện trên khuôn mặt của đứa trẻ và nhận thấy rằng việc chia sẻ các món ăn dường như tạo ra nhiều niềm vui hơn so với việc nhận được chúng. Và những đứa trẻ đang còn chập chững trông hạnh phúc nhất khi những món ăn mà chúng cho đi đến từ chính bát ăn của chúng, hơn là từ đâu khác.

Giá trị thực sự của việc nuôi dạy con cái không phải là những gì mà con bạn đạt được, mà ở chỗ chúng sẽ trở thành ai và sẽ đối xử với người khác như thế nào. Nếu bạn dạy con trở thành người tử tế, bạn không chỉ khởi tạo cho chúng con đường đến thành công, mà còn khởi tạo con đường đó cho những đứa trẻ xung quanh chúng.