Các nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học Môi trường & Lâm nghiệp, Đại học Bang New York bày tỏ mong muốn giải phóng mặt bằng liên bang để trồng hàng ngàn cây hạt dẻ Mỹ trong nỗ lực phục hồi loài cây này. Thí nghiệm đã được thực hiện nhằm bổ sung một loại gen có khả năng chống lại bệnh bạc lá – căn bệnh đã xóa sổ nhiều thế hệ cây từ thế kỉ 20.

Một hạt dẻ Mỹ thụ phấn mở mọc trên cây tại Trạm thí nghiệm thuộc Trường Khoa học Môi trường & Lâm nghiệp của Đại học Bang New York ở Syracuse, Mỹ. Ảnh: AP Photo/Adrian Kraus

Động thái này đang được theo dõi sát sao và sẵn sàng đưa các loại cây chỉnh sửa gen từ trang trại đến môi trường rừng. Đây là trường hợp chưa từng có tiền lệ và tăng thêm tính cấp thiết cho câu hỏi khiến các nhà khoa học vẫn luôn trăn trở: Nên hay không sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen để phục hồi hoặc cải tạo cây trong tự nhiên?

Những ý kiến phản đối cảnh báo về nguy cơ khơi nguồn một thí nghiệm có quy mô rộng lớn với kết quả không thể đảo ngược được trong hệ sinh thái có độ phức tạp cao. Trong khi đó, bên ủng hộ cho rằng công nghệ cũng có thể cứu các cánh rừng khỏi các loài sâu hại như cách chúng được áp dụng rộng rãi với những sản phẩm thực vật bày bán trong siêu thị.

Các nhà nghiên cứu hi vọng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ phê duyệt cho loại cây hạt dẻ Mỹ được bổ sung một loại gen từ lúa mạch giúp chống lại cryphonectria parasitica – một loại nấm vô tình du nhập vào Mỹ từ khoảng 100 năm trước.

Bệnh bạc lá do loại nấm này gây ra đã tàn phá giống cây từng phủ khắp các cánh rừng nước Mỹ. Cho đến sau Thế chiến thứ hai, các cây còn lại chỉ là cây bụi mọc từ những rễ cũ chưa bị nhiễm bệnh. Song, việc trồng những cây hạt dẻ Mỹ chống được bệnh bạc lá như cây dẻ Trùng Khánh – cây bản địa của Trung Quốc, khó khăn hơn tưởng tượng rất nhiều, bởi đặc tính này của cây dẻ Trùng Khánh đến từ một bộ chứ không phải chỉ một, hai gen.

Giáo sư William Powell và đồng sự Charles Maynard, theo yêu cầu của Hiệp hội Cây dạt dẻ Mỹ New York, đã thực hiện thí nghiệm kéo dài nhiều thập kỉ nhằm tạo một loại enzym có khả năng phân giải các axit có hại từ nấm. Hiện tại, các cây biến đổi gene đang được theo dõi chặt chẽ. Chúng được trồng trong khu thí nghiệm gần những cây không biến đổi gen. Hai loại cây này sẽ được lai ghép với nhau để tạo đa dạng gen, song các đầu cành ra hoa sẽ được bọc lại để ngăn phấn hoa phát tán đi xa. Các hạt dẻ phát triển và được thu hoạch trong cùng một túi. Theo các nhà khoa học, một nửa số hạt dẻ sẽ thừa hưởng được gen này.

Các nhà nghiên cứu mong muốn Dịch vụ Kiểm tra Sức khỏe Động vật và Thực vật Hoa Kỳ (USDA) thực hiện đánh giá rủi ro của cây biến đổi gen và từ đó dỡ bỏ các quy định hiện hành. Hồ sơ nghiên cứu đã được gửi tới USDA, song vẫn cần được xem xét lại trước khi bắt đầu đánh giá chính thức.

Hiện USDA vẫn cấp phép trồng các loại cây biến đổi gen, chẳng hạn như phần lớn các cây ngô và đậu tương thương mại ở Mỹ đều được biến đổi gen để có khả năng chống chịu được thuốc diệt cỏ hoặc côn trùng. Thậm chí, một số cây ăn quả cũng được cấp phép như đu đủ kháng vi rút đốm.

Tuy nhiên, cây trồng biến đổi gen không được cho phép trồng trong rừng, dù là với mục đích bảo tồn. Song điều này có thể thay đổi, khi mà các kĩ thuật biến đổi gen dần trở nên phổ biến hơn và cây cối ngày càng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và sâu bệnh.

Theo giáo sư Jason Delborne (ĐH Bang North Carolina), nếu cây hạt dẻ biến đổi gen được cấp phép, có khả năng cao nó sẽ mở đường cho nhiều loại cây ứng dụng công nghệ sinh học khác. Trong năm nay, Delborne cũng vừa thực hiện một báo cáo khoa học khẳng định công nghệ sinh học có tiềm năng giúp bảo vệ rừng , song vẫn cần nghiên cứu và đầu tư nhiều hơn.

Một bộ phận các nhà khoa học lo ngại về ảnh hưởng dài hạn của việc đưa cây hạt dẻ về môi trường rừng, cụ thể là sự tương tác giữa chúng với các loài thay thế trong khoảng thời gian hơn 200 năm tuổi thọ của cây sẽ diễn ra theo chiều hướng nào và điều gì sẽ xảy ra nếu cây chết đi sau 50 năm nữa?

Nếu được USDA cấp phép, cây hạt dẻ biến đổi gen vẫn cần được xem xét thêm bởi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) Hoa Kỳ. Powell tin rằng quá trình đánh giá có thể mất hai đến bốn năm. Khi đó, tín hiệu bật đèn xanh từ chính phủ cũng sẽ dọn đường cho việc phân phối cây giống, phấn hoa hoặc cành ghép biến đổi gen.

Nguồn: https://www.usnews.com/news/news/articles/2019-11-06/high-tech-chestnuts-us-to-consider-genetically-altered-tree