Sau gần 11 tiếng đồng hồ chìm trong biển lửa, thành cổ Shuri – Okinawa, Nhật Bản – đã gần như bị thiêu rụi trong sự bàng hoàng của người dân địa phương. Chính quyền và người dân đang nỗ lực gấp rút tiến hành hướng tới việc phục dựng tòa thành cổ - một biểu tượng bản sắc của hòn đảo này.
1500 hiện vật và tài liệu lên tới 300 năm tuổi
Vụ cháy vào ngày 31/10 đã khiến thành cổ Shuri, tỉnh Okinawa, Nhật Bản bị thiêu rụi, cụ thể là sáu tòa điện của thành cổ nằm trên tổng diện tích 4.200 m2 đã bị vụ cháy phá hủy. Sở cứu hỏa Naha cho rằng ngọn lửa xuất phát từ tầng một tòa Chính Điện (Seiden) ở trung tâm thành, sau đó lan ra bên ngoài, thiêu hủy hoàn toàn tòa điện cũng như hai tòa Bắc Điện (Hokuden) và Nam Điện (Nanden) liền kề. “Tất cả (ba) tòa nhà chính đã bị lửa triêu rụi, không còn lại gì cả,” theo lời ông Daisuke Furugen, đại diện Sở Cứu hỏa Naha trả lời báo giới.
Tòa Chính Điện có cấu trúc được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, trong khi hai tòa điện còn lại xây dựng với khung thép. Các trụ cứu hỏa không được lắp đặt bên trong khuôn viên thành cổ, khiến cho chính quyền đã phải huy động khoảng 100 lính và 30 xe chữa cháy đến đập tắt ngọn lửa.
Những điều tra bước đầu với vụ cháy đã được tiến hành. Phía cảnh sát đã sớm loại bỏ giả thuyết rằng vụ cháy là hành động phá hoại có chủ ý. Trong khi đó, một số nguồn tin nói rằng các camera an ninh ở Chính điện đã ghi lại được một tia sáng xuất hiện ở thời điểm xảy ra vụ cháy. Tại hiện trường, cảnh sát đã phát hiện một bảng điện có cho thấy một dấu vết cháy ở một mạch chập. Các nhà điều tra do đó đang tập trung xem xét khu vực xung quanh hộp điện để kiểm định giả thuyết trên.
Ở thời điểm xảy ra vụ cháy, có khoảng 1500 hiện vật và tài liệu cổ về Okinawa, bao gồm tranh vẽ, đồ sơn mài, thư pháp và trang phục được lưu trữ trong các tòa cung điện. Khoảng 400 trong số đó, bao gồm cả các văn bản liên quan đến triều đình Lưu Cầu xưa nằm trong tòa Chính điện ở thời điểm của vụ cháy, theo đại diện Quỹ Okinawa Churashima – đơn vị quản lý thành Shuri cho biết. Số hiện vật còn lại được lưu giữ trong hai nhà kho chống cháy – tuy vậy, tình trạng của các tài liệu này hiện chưa được làm rõ. “Những hiện vật đó đã có 200-300 năm tuổi. Tôi hi vọng chúng vẫn được bảo vệ,” Giám đốc Quỹ Yoshihiro Hanashiro phát biểu trước báo giới.
Tuy vậy, số lượng hiện vật bị thiêu hủy vẫn là những mất mát cực kỳ to lớn với công chúng và các nhà nghiên cứu. “Tôi không thể chấp nhận được thực tế này,” theo Giáo sư Kurayoshi Takara (Đại học Lưu Cầu) trả lời đài NHK.
Vai trò đặc biệt trong thương mại châu Á thế kỷ XI đến XVII
Thành Shuri (Thủ Lí) được xây dựng – kết hợp lối kiến trúc Trung Hoa và bản địa Okinawa – làm cung điện của quốc vương Lưu Cầu, một vương quốc của người Okinawa bản địa từng tồn tại độc lập trong 450 năm. Trong vài trăm năm, vương quốc Lưu Cầu từng có một lịch sử giàu có về văn hóa và đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong thương mại châu Á từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVII.
Từng là ba tiểu vương quốc cạnh tranh nhau gay gắt, Lưu Cầu được thống nhất vào năm 1425 dưới sự cai trị của vua Shō Hashi (1422-1439) tại Chuzan (Trung Sơn). Hai vương triều nhà Shō (Nhà Thượng) cũng đánh dấu sự thịnh vượng về kinh tế và thương mại của Lưu Cầu. Được công nhận là một chư hầu của triều đình nhà Minh và cả Nhật Bản thời Tokugawa, Lưu Cầu đóng một vai trò trung gian đặc biệt quan kết nối thị trường hai nước này với khu vực, cũng như giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á.
Hướng đến các nước Đông Nam Á, Lưu Cầu trao đổi các sản phẩm từ phương Bắc như lưu huỳnh, gốm sứ, sắt, tiền đồng, thuốc Đông y, trong khi thu lại hương liệu, gỗ quý và nhiều sản phẩm thủ công khác của Đông Nam Á và Nam Á… Hoạt động thương mại này đem lại nguồn lợi khổng lồ: mức lãi lên đến 1500% như với hương liệu bán tại Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á khác. Đại Việt cũng là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của Lưu Cầu tại Đông Nam Á.
Sự thịnh vượng của vương quốc Lưu Cầu suy yếu từ thế kỷ XVII với sự xuất hiện của thương nhân phương Tây. Năm 1609, Satsuma – một lãnh địa ở miền Tây Nam Nhật Bản - xâm lược Lưu Cầu và bắt vương quốc này phải chịu sự phụ thuộc. Vương quốc Lưu Cầu tuy nhiên tiếp tục tồn tại cho đến khi bị sáp nhập vào Nhật Bản năm 1879.
Trong Thế chiến II, thành cổ Shuri trở thành căn cứ quan trọng của Hải quân Nhật Bản, và khi Okinawa trở thành mục tiêu đầu tiên trong chiến dịch tấn công Nhật Bản của quân đội Mỹ, Shuri trở thành một trọng điểm bắn phá của máy bay và pháo kích Hải quân Hoa Kỳ. Trận Okinawa, kéo dài trong 82 ngày từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1945, khiến 200.000 người Mỹ và người Nhật thiệt mạng, trong đó có khoảng một phần tư dân thường sống trên đảo Okinawa khi đó. Thành cổ Shuri bị thiêu hủy hoàn toàn.
Năm 1992, thành cổ Shuri được phục dựng lại trên nền cũ và được Chính phủ Nhật Bản công nhận là công viên quốc gia. Đến năm 2000, tòa thành và các di tích khác trên đảo Okinawa được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới thứ 11 của Nhật Bản, và sau đó trở thành địa điểm tổ chức Hội nghị G-8 năm 2000. Nơi đây trở thành một địa điểm du lịch được ưa thích và đóng vai trò là biểu tượng cho sự hồi sinh của Okinawa sau chiến tranh.
Góp vốn cộng đồng để phục dựng
Chủ đề vụ cháy thành Shuri trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và truyền thông Okinawa suốt tuần qua. Hầu hết người dân Okinawa đều bày tỏ sự bất ngờ và nỗi buồn khi mất đi một phần quan trọng trong di sản của mình. “Tôi cảm thấy cực kỳ đau buồn trước thảm họa, tôi thực sự bị sốc.” Thị trưởng Naha Mikiko Shiroma phát biểu: “Chúng ta đã mất đi biểu tượng của Okinawa.”
Từ Tokyo, Chính phủ Nhật Bản khẳng định sẽ hỗ trợ phục dựng thành Shuri sau vụ cháy: “Đó là một phần của công viên Di sản Quốc gia Okinawa. Chính phủ sẽ làm hết sức để phục dựng lại tòa thành.” Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng nói trong cuộc họp báo sáng ngày 1/11 tại Tokyo. Trong cuộc họp nội các vào sáng ngày 6/11, Thủ tướng Abe Shinzo cũng đặt ra vấn đề tương tự khi ông chỉ đạo các bộ lập dự trù kinh phí phục dựng, nhấn mạnh giá trị của việc chính phủ cần phải phục dựng thành cổ trong thời gian sớm nhất vì nguyện vọng của người dân địa phương.
Những hành động hướng tới khắc phục hậu quả thảm họa, tuy vậy, diễn ra rất nhanh chóng. Từ ngày mùng 1/11, chính quyền thành phố Naha mở lời kêu gọi góp vốn cộng đồng (crowdfunding) nhằm phục dựng lại thành cổ Shuri. Sau 1 tuần cuộc góp vốn đã thu được trên 250 triệu yên (khoảng 53,4 tỷ đồng) – nhanh chóng vượt qua mốc dự kiến 100 triệu yên chỉ trong 2 ngày đầu tiên. Các nghệ sĩ địa phương cũng hưởng ứng các chương trình hòa nhạc để quyên tiền, như chị Haruhi Nakazato, một sinh viên đại học và thành viên một ban nhạc tên là Nenes, trả lời báo Manichi: “Tôi hi vọng sẽ đến một ngày chúng ta sẽ được nhìn thấy thành Shuri một lần nữa.”
Là một quốc gia thường xuyên gánh chịu thiên tai, mối đe dọa với các di tích lịch sử ở Nhật Bản luôn thường trực. Lâu đài Kunamoto ở đảo Kyushu từng bị thiệt hại nặng sau trận động đất 7 độ Richter hồi năm 2016. Việc phần lớn các di tích được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cũng là vấn đề khiến hỏa hoạn thường xuyên xảy ra. Nổi tiếng nhất là vụ cháy chùa Kinkakuji ở cố đô Kyoto năm 1950 – sự kiện khiến Chính phủ Nhật Bản ban hành đạo luật về Bảo vệ Tài sản Văn hóa từ năm 1950, với ngày 26/1 hằng năm được đặt là ngày phòng chống hỏa hoạn cho di tích.
Bảo vệ đến từng viên gạch ngói Một số nghệ nhân địa phương cũng đang kêu gọi việc sử dụng lại một phần mái ngói từ các tòa điện bị cháy. Đại diện của hội nghệ nhân giải thích rằng loại ngói đỏ dùng trong tòa thành là sản phẩm của một nghệ nhân nổi tiếng, sử dụng nguyên liệu và kỹ thuật nung đặc biệt khiến cho chúng không thể được làm lại hoàn hảo. Theo lời người đứng đầu nhóm, Tadashi Tabata, các nghệ nhân có thể tự mình kiểm tra chất lượng của từng viên ngói để đảm bảo số ngói này có thể tiếp tục sử dụng trong tương lai. |