Nghiên cứu này làm sáng tỏ sự di cư của người cổ đại đến những vùng đất chưa có người ở tại Nam Thái Bình Dương cách đây 3.000 năm.
Người Vanuatu và Tonga mang gene của cả người châu Á cổ lẫn người Australo-Papua.
Ảnh: WKM
Trước đó, các nhà khoa học nêu giả thuyết rằng một nhánh người cổ Australo-Papua vốn sống tại Australia, New Guinea và quần đảo Solomon đã di cư đến khu vực trên. Tuy nhiên, kết quả phân tích 3 bộ xương người lâu đời nhất của Vanuatu cho thấy họ đến từ châu Á. Hoàn toàn không có dấu vết DNA của các tộc người thuộc các nước láng giềng trong khu vực.
“Những cư dân đầu tiên ở đây đến từ châu Á. Họ có lẽ đã rời Đài Loan và tiến xuống bắc Philippines, đi qua nhiều địa điểm đã có cư dân bản địa sống. Tuy nhiên, khi đến Vanuatu thì khác hẳn. Nơi đây chưa từng có người và họ chính là những cư dân đầu tiên” - GS Spriggs - Đại học Quốc gia Australia, thành viên nhóm nghiên cứu nói.
Theo ông Spriggs, một mẫu phân tích DNA từ xương người cổ tại Tonga cũng cho kết quả tương tự. “Kết quả này đáng tin cậy bởi thử nghiệm được làm tại hai phòng thí nghiệm khác nhau ở Mỹ và Đức. Nó cho cùng kết quả, cả hai đều thuộc một chủng tộc người” - ông Spriggs nói.
Nhà khoa học này cho biết thêm, người cổ có nguồn gốc châu Á xuất hiện đầu tiên tại khu vực Nam Thái Bình Dương, sau đó kết hợp với làn sóng những người di cư cổ Australo-Papua để tạo nên giống người hiện đại tại khu vực này.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature.