Giải Nobel Vật lý năm nay vừa được trao cho nhà khoa học Takaaki Kajita của Nhật Bản và Arthur B. McDonald của Canada, vì công trình khám phá ra sự dao động của hạt neutrino (hạt sơ cấp), qua đó cho thấy neutrino có khối lượng của họ.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ca ngợi, công trình của hai nhà khoa học Nhật Bản và Canada đã có đóng góp quan trọng làm thay đổi sự hiểu biết của nhân loại về hoạt động ở tận cùng của vật chất và vũ trụ của chúng ta.
Giải Nobel Vật lý năm nay vừa được trao cho nhà khoa học Takaaki Kajita của Nhật Bản và Arthur B. McDonald của Canada
"Các nhà vật lý đã góp phần chứng minh rằng, neutrino - "hạt cơ bản khó nắm bắt nhất của tự nhiên" - có khối lượng. Trước đây, hạt neutrino được cho là không có khối lượng", tuyên bố của Quỹ Nobel ở Stockholm nhấn mạnh.
Bí ẩn về hạt neutrino khiến nhiều nhà vật lý đau đầu suốt hàng chục năm qua.Công trình nghiên cứu của 2 nhà khoa học Takaaki Kajita và Arthur B. McDonald cho thấy, các hạt neutrino phát ra từ Mặt trời không biến mất trên đường đến Trái đất.
Thay vào đó, chúng xuất hiện với hình dáng khác. Hai nhà khoa học đã chứng minh được điều này thông qua các thí nghiệm ở Đài quan sát Sudbury Neutrino, nằm sâu 2.100 m dưới lòng đất Sudbury, Ontario, Canada. Nó cũng cho thấy neutrino có khối lượng.
Người công bố giải thưởng Nobel Vật lý tại Stockholm chiều nay là ông Goran K. Hansson, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển.
Nhà khoa học Takaaki Kajita sinh năm 1959 tại Higashimatsuyama, Nhật Bản. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Trường ĐH Tokyo năm 1986 và hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu tia vũ trụ đồng thời là Giáo sư tại Trường ĐH Tokyo.
Trong khi đó, nhà khoa học Arthur B. McDonald sinh tại Canada năm 1943, có bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ California năm 1969 và hiện là Giáo sư danh dự tại Trường ĐH Queen (Canada).
Hai nhà khoa học này sẽ chia đôi khoản tiền thưởng 8 triệu kronor Thụy Điển (962.000 USD).
Trước đó một ngày, hôm thứ Hai (5.10), Giải Nobel Y học 2015 đã được trao cho bộ 3 nhà khoa học William C. Campbell, Satoshi Omura và Youyou Tu nhờ các công trình nghiên cứu và sáng chế ra những loại thuốc mới kháng các bệnh ký sinh trùng vốn cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người trên thế giới mỗi năm, đặc biệt là ở châu Phi.
Ngày mai, giải Nobel Hóa học sẽ được công bố, sau đó là giải Nobel Văn học vào thứ Năm. Sự kiện chính, giải Nobel Hòa bình, sẽ được trao vào ngày thứ Sáu tại Oslo, Na Uy. Cuối cùng, vào thứ Hai tuần sau, người đoạt giải Nobel Kinh tế 2015 sẽ được xướng tên.