Giải Ig Nobel lần thứ 25 mới đây được tổ chức tại Đại học Harvard (Mỹ) đã khiến khán giả cười nghiêng ngả với những nghiên cứu, phát hiện độc, dị vô cùng. Tuy nhiên, lắng đọng lại đằng sau đó là những thông điệp khiến ai cũng phải suy ngẫm…
Cùng cười và suy ngẫm
Hôm 17/9/2015, lễ trao giải Ig Nobel lần thứ 25 đã diễn ra. Công chúng không thể kìm được những trận cười nghiêng ngả khi nghe công bố các giải thưởng như: Nghiên cứu cho ong đốt vào dương vật và nhiều bộ phận trên cơ thể hàng trăm lần để tìm ra chỗ nào bị đau nhất; nghiên cứu tìm ra thời gian đi tiểu của động vật có vú, hay dùng phương pháp toán học để lý giải vì sao Hoàng đế Moulay Ismael sinh được 888 người con trong vòng 30 năm…
Nhưng đúng như tôn chỉ của giải thưởng Ig Nobel - tôn vinh những nghiên cứu mà “đầu tiên làm cho người ta cười và sau đó khiến họ phải suy ngẫm”, các giải thưởng năm nay cũng như những năm trước đều hàm chứa nhiều điều đáng để chúng ta phải suy tư sau khi cười. Nghe qua có vẻ các nghiên cứu này dường như làm cho vui, nhưng thực tế nó đã được các nhà khoa học thực hiện vô cùng nghiêm túc, công phu.
Đơn cử như để nhận được giải Ig Nobel 2015, Michael Smith - thuộc Khoa Hành vi và Sinh học thần kinh của Đại học Cornell (Mỹ) - đã cho ong mật đốt vào 25 vị trí khác nhau trên chính cơ thể của mình, bao gồm cả bộ phận dương vật. Điều đáng nói, Michael Smith đã tuân thủ một cách nghiêm ngặt phương pháp và quy trình khoa học. Cụ thể, ong đốt vào mỗi vị trí phải đảm bảo thời gian 5 giây và để nọc của ong phải cắm sâu vào trong da. Sau đó, nọc này được giữ lại trong da khoảng 1 phút rồi được lấy ra bằng kẹp.
Không những thực hiện nghiêm túc, tỉ mỉ, nhiều nghiên cứu đoạt giải Ig Nobel còn hứa hẹn có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Theo Tạp chí ChemBioChem, sự nghiên cứu biến trứng gà đã luộc chín thành trứng sống nhờ vào việc phục hồi protein về trạng thái ban đầu - giành giải Ig Nobel năm nay - có những ứng dụng quan trọng trong việc sản xuất thuốc và thực phẩm - những ngành cần có kỹ thuật phục hồi protein.
Trước đây, nhiều giải Ig Nobel khác cũng tạo ra những bước tiến đáng kể về khoa học. Ví dụ vào năm 2006, nhà côn trùng học Bart Knols đã nhận giải Ig Nobel về sinh học khi phát hiện ra loài muỗi gây bệnh sốt rét bị thu hút như nhau khi có mùi phômai và mùi hôi phát ra từ chân người (do loại khuẩn tạo mùi hôi chân người và khuẩn Limburger trong phômai có mối liên hệ gần nhau). Tới năm 2011, nghiên cứu này đã nhận được 775.000USD tiền hỗ trợ để tạo ra các loại bẫy sử dụng các chất phát mùi phômai và mùi hôi chân người dùng để diệt muỗi ở Kenya.
“Nghiên cứu mà ban đầu người ta tưởng như là trò cười giờ đây đã trở thành một phương pháp để kiểm soát bệnh sốt rét ở châu Phi” - Knols tự hào cho biết trên tạp chí Time.
Thậm chí, có những nhà khoa học từng nhận giải Ig Nobel, sau đó còn được nhận nhiều giải thưởng khoa học cao quý ở cấp quốc gia và quốc tế. Điển hình là Giáo sư Andre Geim thuộc Đại học Nijmegen (Anh). Ông đã nhận giải Ig Nobel về vật lý vào năm 2000 với kết quả nghiên cứu dùng nam châm có thể nâng con ếch sống lên không trung. Tới năm 2010, cũng chính nhà khoa học này đã giành giải Nobel Vật lý với việc phát hiện ra chất grapheme. Điều này cho thấy, những người nhận giải Ig Nobel chẳng phải là không có tài, kỳ quái và luôn thực hiện những nghiên cứu vô bổ như nhiều người nghĩ mà ngược lại, họ là những nhà khoa học thực thụ và không ít trong số này có tài năng vượt trội.
Kích thích niềm đam mê khoa học
Một trong những hiệu ứng quan trọng mà Ig Nobel đem lại, đó là khiến công chúng quan tâm để rồi dành tình yêu cho khoa học - một lĩnh vực mà nhiều người vẫn cho là khô khan. Marc Abrahams - người sáng lập giải Ig Nobel - tiết lộ, giải thưởng này nhằm “làm cho mọi người quan tâm và thích thú đối với khoa học. Bởi khi bạn cười vui với điều gì đó, có nghĩa rằng bạn đang để ý tới nó”.
Ig Nobel từ khi ra đời (năm 1991) đến nay vẫn luôn là sự kiện hấp dẫn đối với đông đảo quần chúng. Số lượng khán giả đến dự lễ trao giải năm nay vượt quá con số 1.100 chỗ của khán phòng. Đó là chưa kể đông đảo công chúng theo dõi Ig Nobel qua các kênh thông tin khác.
“Ig Nobel luôn luôn thu hút rất đông người quan tâm, theo dõi. Thực tế mà nói, các giải Ig Nobel còn được phổ biến nhiều hơn so với không ít giải khoa học khác. Giải thu hút được thanh - thiếu niên và những người bình thường. Giải cũng đã đạt chất lượng đáng kể theo phương châm làm cho mọi người cười và sau đó phải suy nghĩ” - cựu nhà báo Karin Bojs, người từng phụ trách mục Khoa học của tờ Dagens Nyheter ở Stockholm (Thụy Điển) - cho biết.
Ig Nobel làm cho khoa học trở nên hài hước, lý thú hơn. Nhờ vậy, nhiều công trình nghiên cứu đã thực sự được biết đến sâu rộng. “Nhờ có Ig Nobel, nghiên cứu về vịt đồng tính của tôi đã có số lượng người biết đến gấp 7-8 lần so với các nghiên cứu thông thường khác” - Kees Moeliker, người đoạt giải Ig Nobel Sinh học năm 2003 về nghiên cứu vịt đồng tính Mallard - tiết lộ.
Ig Nobel được xem như là một sân chơi khoa học kích thích trí tò mò của công chúng và đồng thời cũng là nơi thể hiện sự nhiệt huyết, tình yêu khoa học của chính những người trong cuộc. Andre Geim - người đoạt giải Ig Nobel Vật lý năm 2000 và đoạt giải Nobel Vật lý năm 2010 - thừa nhận “Giải Ig Nobel luôn luôn đem lại những niềm vui hài hước có ích”.
Giáo sư Deborah Anderson thuộc Đại học Y Boston (Mỹ) - người đoạt giải Ig Nobel năm 2008 - cũng khẳng định: “Hầu hết các nhà khoa học đều hài hước. Ig Nobel chính là nơi cho thấy các nhà khoa học luôn tràn đầy năng lượng, cả trên sân khấu lẫn ngoài đời”.
Justin Schmidt - người đoạt đồng giải thưởng Ig Nobel Sinh lý học 2015 với Michael Smith - tự hào cho biết: “Đôi khi những thứ tưởng như điên rồ, nhưng khi suy ngẫm kỹ càng lại hàm chứa rất nhiều điều sâu sắc”.
Một số giải Ig Nobel 2015 ấn tượng: - Hóa học: Phát minh ra chất hóa học có khả năng làm trứng chín thành trứng lòng đào. - Ig Nobel Vật lý: Nghiên cứu phát hiện hầu hết các động vật có vú đi tiêu chỉ trong vòng 21 giây. - Văn học: Nghiên cứu cho thấy từ “huh” tồn tại trong hầu hết trong ngôn ngữ của con người. - Kinh tế: Ý tưởng thưởng thêm tiền cho cảnh sát từ chối nhận hối lộ. - Y học: Các thí nghiệm nghiên cứu về lợi ích và tác hại của các nụ hôn mãnh liệt cũng như các hoạt động thân mật khác của con người với nhau. - Toán học: Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật toán học để lý giải Hoàng đế Morocco Moulay Ismael làm cách nào có được 888 người con từ năm 1697-1727. - Sinh học: Nghiên cứu phát hiện khi gắn thêm cây gậy nặng vào đuôi gà thì con vật này sẽ có dáng đi tương tự như khủng long. - Y học chẩn đoán: Phương pháp chẩn đoán chính xác bệnh viêm ruột thừa cấp tính bằng việc tính toán những cơn đau khi người mắc bệnh lái xe qua gờ giảm tốc. - Sinh lý học và Côn trùng học: Nghiên cứu phát hiện ra những chỗ đau nhất trên cơ thể người khi bị ong mật đốt. |