Năm 1935, nhà địa lý Hồ Hoán Dung (1901 – 1998) đã vẽ một đường chéo cắt đôi Trung Quốc trên bản đồ để minh họa cho nghiên cứu của ông về sự phân bố dân cư tại quốc gia đông dân nhất thế giới1.

Hắc Hà – Đằng Xung Tuyến. Nguồn: Wikipedia
Hắc Hà – Đằng Xung Tuyến. Nguồn: Wikipedia

Điểm đầu trên của đường chéo nằm tại thị trấn Hắc Hà (tiếp giáp vùng Viễn Đông Nga)2, còn điểm đầu dưới là thị trấn Đằng Xung (tiếp giáp Myanmar). Đường này vì thế thường được giới nghiên cứu Trung Quốc gọi bằng cái tên Hắc Hà – Đằng Xung Tuyến (黑河–騰衝線), trong khi các học giả phương Tây lại gọi nó là Hu Line (bính âm của Hồ Hoán Dung là Hu Huanyong).

Hắc Hà – Đằng Xung Tuyến dài tổng cộng hơn 3750 km và nó chia đất nước Trung Quốc thành hai phần. Năm 1935, nửa phía Tây (màu vàng) chiếm gần 64% lãnh thổ nhưng chỉ có khoảng 4% dân số sinh sống. Còn nửa phía Đông (màu đỏ), mặc dù chỉ chiếm 36% lãnh thổ nhưng lại có tới 96% dân số. Tỷ lệ này đúng từ lúc dân số Trung Quốc mới chỉ 500 triệu (1935) và cho đến nay (hơn 1,4 tỷ) vẫn đúng. Năm 2015, nửa phía Tây (màu vàng) chiếm 57% lãnh thổ và 6% dân số; phía Đông (màu đỏ) chiếm 43% lãnh thổ và 94% dân số. Sở dĩ có đôi chút điều chỉnh trong giai đoạn này là do Trung Quốc công nhận nền độc lập của Mông Cổ (chỉ Ngoại Mông nơi có diện tích hơn 1,5 triệu km2) sau Hội nghị Yalta3, bên cạnh xu hướng di dân của người Hán4 sang khu vực phía Tây – chính sách được Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động. Thời gian gần đây, dân số miền Tây được ghi nhận là tăng trưởng nhanh hơn miền Đông (chủ yếu tập trung tại các đô thị Ürümqi, Lan Châu, Ordos, Ngân Xuyên) song vẫn chưa đủ để tạo ra bất cứ thay đổi nào đáng kể. Ngoài ra, hơn 98% dân số ở phía Đông là người Hán, tức đạt mức độ thuần chủng rất cao và hầu như không có đa sắc tộc.

Hắc Hà – Đằng Xung Tuyến được Hồ Hoán Dung vẽ lần đầu năm 1935. Nguồn: Chinese Journal of Geography
Hắc Hà – Đằng Xung Tuyến được Hồ Hoán Dung vẽ lần đầu năm 1935. Nguồn: Chinese Journal of Geography

Khí hậu và địa hình là hai yếu tố chính dẫn đến đặc điểm phân bổ này của Trung Quốc. Khu vực phía Đông Hắc Hà – Đằng Xung Tuyến có đất đai bằng phẳng và độ ẩm cao hơn, thích hợp cho nhiều hoạt động canh tác nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, ...) để nuôi sống một lượng dân cư khổng lồ. Trong khi phía Tây chỉ toàn là núi, cao nguyên và sa mạc, khí hậu khắc nghiệt,... nên gặp rất nhiều khó khăn. Nơi nào tập trung đông người ở thì tất nhiên sẽ kéo theo những thứ khác. Nửa phía Đông nắm giữ hầu như toàn bộ cơ sở hạ tầng và nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh chụp vệ tinh vào ban đêm cho thấy khu vực phía Đông tỏa sáng rực rõ, trái ngược với phía Tây tối đen như mực và chỉ lác đác một vài điểm sáng. Theo dữ liệu tổng hợp từ số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố, GDP đầu người ở phía Đông (bao gồm cả Hongkong, Macau, Thẩm Quyến, ...) cao gần gấp hai lần phía Tây.

Độ ẩm trung bình các vùng miền tại Trung Quốc, trong đó độ ẩm ở phía Tây chỉ khoảng 10%.
Độ ẩm trung bình các vùng miền tại Trung Quốc, trong đó độ ẩm ở phía Tây chỉ khoảng 10%.

Cũng bởi mật độ khá dày (316 người/km2)5 nên sức ép di dân tại khu vực phía Đông Hắc Hà – Đằng Xung Tuyến là cực kỳ lớn (so với phía Tây chỉ là 15 người/km2). Ngoài ra, sự phát triển kinh tế xã hội bất cân xứng giữa hai nửa cũng sẽ đem đến rất nhiều nguy cơ tiềm ẩm. Điều này đặc biệt đúng với Tân Cương và Tây Tạng – hai khu vực tự trị với đa số người dân không mang gốc Hán, nên thường có xu hướng bất tuân hoặc kháng cự lại những chính sách mang tính tập trung từ chính quyền trung ương. Hệ quả của sự mâu thuẫn đối kháng này là nhiều vụ trấn áp thẳng tay, mặc dù đó không hẳn là chiến lược dài hạn của Bắc Kinh. Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ thời Giang Trạch Dân đến nay (Tập Cận Bình), luôn chủ trương phải thúc đẩy hiện đại hóa miền Tây, thông qua nhiều sáng kiến phát triển công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chúng cũng lại khiến người bản địa lo ngại không bảo vệ được bản sắc (tức bị đồng hóa) trước làn sóng di dân của người Hán.

Tại Trung Quốc, các dân tộc thiểu số được nhà nước chính thức công nhận thường sẽ có những quyền lợi nhất định. Tuy nhiên, nếu biến thành người thiểu số trên chính vùng đất quê hương mình thì quyền lợi đó sẽ chẳng có gì khác ngoài việc được biểu diễn các bài hát hoặc điệu múa dân gian.
---
Chú thích
1. Trung Quốc vừa chính thức bị Ấn Độ soán danh hiệu “quốc gia đông dân nhất thế giới”.

2. Phần lớn diện tích vùng Primorsky Krai (bao gồm cả thành phố Vladivostok), thuộc Viễn Đông Nga, trước đây là đất của Nhà Thanh (phát địa của tộc Nữ Chân). Sau Hiệp ước Bắc Kinh (1860) thì nơi này được nhượng cho Đế quốc Nga. Người Trung Quốc luôn tin rằng họ đã mất khoảng 600.000 km2 cho Nga bởi một hiệp ước bất bình đẳng và cần đòi lại.

3. Hội nghị Yalta (hay Hội nghị Crimea) diễn ra từ ngày 4 đến 11/2/1945, là cuộc gặp giữa các nguyên thủ Hoa Kỳ, Anh quốc và Liên Xô trước thềm kết thúc Thế chiến II (1939 – 1945) để thảo luận việc tái cấu trúc nước Đức và châu Âu thời hậu chiến. Sự kiện này đã dẫn đến việc hình thành Trật tự lưỡng cực Yalta – phân chia ảnh hưởng giữa hai siêu cường Liên Xô và Hoa Kỳ. Một trong các điều kiện được Liên Xô nêu tại hội nghị Yalta là Ngoại Mông Cổ cần duy trì nền độc lập. Sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 20/10 /1945 (người Mông Cổ bỏ phiếu tuyên bố độc lập) và sự kiện thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10/1949), hai nước chính thức công nhận nhau vào ngày 6/10/1949.

4. Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó dân tộc Hán chiếm hơn 91% (khoảng 1,2 tỷ người).

5. Miền Đông Trung Quốc có mật độ gần tương đương Việt Nam (320 người/km2). Tuy nhiên, Trung Quốc lại đang làm tốt hơn Việt Nam trong việc tạo ra những vùng đại đô thị giàu có bậc nhất thế giới như Quảng Đông (GDP năm 2022 đạt hơn 1.800 tỷ USD),... Các thành phố phát triển nhất của Trung Quốc như Thẩm Quyến, Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu,... hiện đã có GDP đầu người ngang ngửa Tây Âu.