Chiến dịch này ban đầu được biện minh bởi mối lo cho sức khỏe cộng đồng, song kinh tế mới là nguyên nhân chính đằng sau. Tư tưởng kinh tế phát xít tin rằng quốc gia không cần thiết phải dựa vào trao đổi với nước ngoài (ngoại thương) để tồn tại và phát triển. Chính quyền Mussolini vì thế đã theo đuổi một nền nông nghiệp tự cung tự cấp bằng cách cắt giảm nhiều nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm cả bột mì (dùng làm pasta, bánh mì, ...) và thay vào đó là đẩy mạnh hoạt động sản xuất lúa gạo (được trồng chủ yếu tại các khu vực thuộc miền Bắc nước Ý như Lombardy, Piedmont, Venetoi,...) Ngoài ra, thông qua việc kiểm soát nguồn cung lương thực thực phẩm và thói quen ăn uống, Mussolini có lẽ còn muốn người dân phải cảm nhận được sự hiện diện của ông ta ở khắp mọi nơi, ngay cả trên bàn ăn.
Tại miền Nam nước Ý, nơi những đầu bếp và nhà hàng thường chỉ quen chế biến vermicelli, rigatoni và fusilli (các loại pasta phổ biến nhất) thì gạo lại gợi về những ký ức không mấy vui, cụ thể là từ thời Thế chiến I (1914 – 1918) khi người dân phải sống bằng khẩu phần ăn kham khổ. Theo quan niệm của họ, gạo là thứ khá nhạt nhẽo và chỉ thích hợp cho động vật chứ không phải con người. Và tất nhiên họ đã phản đối chủ trương của Mussolini. Để đối phó, Đảng Phát xít Ý đã phát động một chiến dịch tuyên truyền quy mô lớn nhằm thuyết phục người dân rằng pasta không có lợi cho sức khỏe. Năm 1932, thi sĩ Filippo Tommaso Marinetti (1876 – 1944) – một đại diện của thuyết Futurism (vị lai) và đồng tác giả của Tuyên ngôn Phát xít (Fascist Manifesto) đã xuất bản một cuốn sách về chủ đề ẩm thực, trong đó viết: pasta hay được ăn một phần vì nó dễ nuốt, không cần nhai nhiều. Điều này dễ khiến chúng ta trở nên lười biếng, dễ chán nản và uể oải. Bên cạnh giới thiệu những công thức nấu ăn xa lạ với hầu hết người dân Ý, ông còn gài vào đó luận điểm: “Sự đam mê pasta đến mức cuồng nhiệt chính là một điểm yếu chết người, gót chân Achilles hay một dạng thức nô lệ mà nước Ý cần phải thoát khỏi nếu muốn phục hưng những vinh quang từ thời Đế chế La Mã.”
Song song với việc sử dụng các nhân vật có ảnh hưởng như Marinetti để hạ thấp vị thế của món pasta,chính quyền Mussolini còn hậu thuẫn cho một số tổ chức như Ente Nazionale Risi (Hội đồng Lúa gạo Quốc gia) tìm cách len lỏi và thuyết phục công chúng thay đổi nhận thức. Những chuyến xe chở hàng thường tiến vào các vùng nông thôn để phát gạo miễn phí kèm theo ricettari – một cuốn sổ tay nấu ăn mỏng không chỉ giới thiệu những công thức mà còn cổ vũ người đọc rằng “ăn gạo là yêu nước”. Khi sản xuất và tiêu thụ gạo, người Ý sẽ không chỉ cải thiện được sức khỏe cho bản thân mà còn góp phần giúp đất nước phát triển vững mạnh. Trang bìa của ricettari còn vẽ hình ảnh các mondine2 đang hăng say làm việc trên những ruộng lúa ngập nước ởmiền Bắc nước Ý; họ thường được vinh danh như là biểu tượng của sức mạnh từ sự lao động và sinh sôi.
Nhưng trên thực tế, các mondine thường phải làm việc trong điều kiện hết sức thiếu thốn vất vả, dễ mắc bệnh nấm, phụ khoa, rối loạn kinh nguyệt, sảy thai,... Những nạn nhân thấp cổ bé họng này đã cùng cất lên lời ca của bài hát Bella ciao (Xin giã biệt người xinh đẹp), tổ chức đình công và che giấu các chiến sĩ du kích chống phát xít khỏi sự truy lùng. Sự dũng cảm của họ đã truyền cảm hứng cho nhiều tầng lớp khác trong xã hội Ý nổi lên chống lại Mussolini. Thị trưởng thành phố Naples – nơi khởi nguồn của rất nhiều cách chế biến pasta sáng tạo, đã tuyên bố: “Những thiên thần sẽ chỉ ăn pasta với sốt cà chua trên thiên đường”; còn nhật báo La Settimana Modenese thì nhận định: “Cuốn sách của Marinetti đơn giản là không thể tiêu hóa nổi.”
Có lẽ chính sự phản đối dữ dội đã gây sức ép buộc Mussolini phải cho phép trồng lúa và sản xuất pasta ở cả miền Trung lẫn Bắc nước Ý trong thập niên 1930. Như vậy, chiến dịch chống pasta lại khiến món ăn trở nên được trân quý hơn nữa. Đối với người Ý hiện đại, pasta không đơn thuần chỉ là thực phẩm mà nó còn mang trên mình một di sản mà đến chủ nghĩa phát xít cũng không thể hủy hoại.
Chú thích
1. Benito Amilcare Andrea Mussolini (1883 – 1945) là người sáng lập chủ nghĩa Phát xít Ý, đồng minh thân cận của Adolf Hitler (1889 – 1945). Khi còn sống, ông ta rất thích được người khác gọi bằng cái tên Il Duce (Quý Lãnh tụ trong tiếng Ý). Những ngày cuối tháng 4/1945, khi đang tìm cách đào tẩu sang Thụy Sĩ, Mussolini cùng nhân tình bị các thành viên của Đảng Cộng sản Ý bắt giữ; họ đem hai người ra xử bắn vào ngày 28/4/1945. Quan điểm chính trị của Mussolini chịu ảnh hưởng khá lớn từ cha của ông, một người thợ rèn và nhà hoạt động say mê chủ nghĩa xã hội.
2. Người làm công việc nhổ cỏ dại trên những cánh đồng lúa gạo ở miền Bắc nước Ý để đảm bảo các cây mạ sẽ phát triển khỏe mạnh. Họ thường là phụ nữ, xuất thân từ tầng lớp nghèo hèn nhất trong xã hội Ý.
Nguồn: Big Think