Khu vực trung tâm TPHCM không thể xây thêm nhà cao tầng, khu công nghiệp có tiềm năng xả khí thải nữa; trong khi khu phía Tây vẫn còn dư địa phát triển - theo kết quả nghiên cứu mới được công bố trên Nature Scientific Reports của Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, ĐH Quốc gia TPHCM.

Quy mô vùng phát thải theo bài nghiên cứu của nhóm tác giả ĐHQG TP.HCM
Quy mô vùng phát thải theo bài nghiên cứu của nhóm tác giả ĐH Quốc gia TPHCM

Đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam chỉ ra khu vực nào ở TPHCM không còn khả năng tiếp nhận thêm khí thải ô nhiễm nữa từ nay đến năm 2030.

“Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng quận nào ở TPHCM không còn khả năng xả thải khí thải, nghĩa là không thể xây thêm nhà cao tầng, khu công nghiệp có tiềm năng xả khí thải nữa. Điều này có ý nghĩa phục vụ cho việc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong thời gian tới”, TS Hồ Quốc Bằng, Trung Tâm Nghiên cứu Ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, ĐH Quốc gia TPHCM, điều phối dự án nghiên cứu, cho biết.

TPHCM là một trong những đô thị lớn có tốc độ phát triển hạ tầng dân cư và công nghiệp nhanh chóng. Tuy nhiên những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở thành phố này đã trở nên báo động.

Các tác giả mô phỏng chất lượng không khí ở TPHCM tại các thời điểm khác nhau: 2017, 2025 và 2030 bằng mô hình TAPM-CTM dựa trên dữ liệu đầu vào kiểm kê phát thải từ năm 2017, dữ liệu khí tượng quan trắc từ trạm Tân Sơn Hòa và dữ liệu chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố trong 10 năm tiếp theo.

Họ nhận thấy rằng nồng độ CO, NO2 và Ozone của TPHCM vào thời điểm năm 2017 đã vượt từ 1,1 đến 1,5 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường không khí xung quanh, chỉ có nồng độ SO2 là vẫn dưới ngưỡng cho phép.

Tuy nhiên, các giá trị này sẽ càng tăng vào năm 2025 và 2030, nếu chính quyền địa phương không có kế hoạch giảm phát thải. Đặc biệt SO2, chất khí độc thường sinh ra trong quá trình đốt cháy nguyên liệu, cũng được dự báo sẽ cao hơn 1,02 lần so với quy chuẩn vào năm 2030.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy khu vực trung tâm thành phố không còn khả năng nhận thêm lượng phát thải, thậm chí cần phải giảm lượng phát thải xuống hơn một nửa (58%). Do đó chính quyền thành phố nên xem xét giảm đô thị hóa và phát triển công nghiệp ở khu vực này. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, cần giảm phương tiện cá nhân trong khu vực này vì theo kiểm kê phát thải, đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm chính của TPHCM.

Phân vùng xả thải khí thải TP HCM
Khả năng chịu phát thải của mỗi chất ô nhiễm mà từng quận ở TPHCM có thể chịu được thêm đến năm 2030. Màu càng đậm (cam, đỏ) chỉ những quận cần giảm phát thải các loại khí, trong khi đó màu càng sáng (xanh, vàng) chỉ những quận có khả năng tải thêm khí thải ô nhiễm. Số lượng khí thải cần cắt giảm hoặc có khả năng tiếp nhận thêm được ghi chú bên cạnh bảng màu| Nguồn ảnh: Bài nghiên cứu.

Ô nhiễm ở TPHCM xảy ra mạnh nhất vào những tháng cuối năm. Dưới tác động của gió thịnh hành vào mùa khô, phía Tây thành phố có khả năng nhận ô nhiễm cao. Ngược lại, các khu vực phía Đông là nơi đầu gió khiến các chất ô nhiễm có thể được vận chuyển ra ngoài.

“Chúng tôi khuyến nghị rằng chiến lược tốt nhất để kiểm soát khí thải ở TPHCM là tránh phát triển công nghiệp và đô thị ở những vùng đầu gió để có được chất lượng không khí tốt hơn cho cả hai khu vực Đông-Tây. Trong trường hợp cần thiết phải chọn một khu vực để phát triển, thì khu vực đón gió phía sau cần được ưu tiên hơn [tức khu vực phía Tây]”, các tác giả viết trong bài báo.

Họ cũng đề xuất duy trì nguyên trạng của khu vực Cần Giờ mặc dù nơi này vẫn có khả năng nhận thêm khí thải, vì Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển quan trọng của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Scientific Reports vào đầu tháng 4/2020 với tiêu đề “Study loading capacties of air pollutant emissions for developing countries: a case of Ho Chi Minh City, Vietnam” (tạm dịch: Nghiên cứu phân vùng xả thải khí thải cho các nước đang phát triển: Trường hợp TPHCM).