Tâm đắc với câu nói “khoa học không phải là thứ gia truyền” trong phim “Tiền tuyến gọi”, cô thiếu nữ Đặng Thị Kim Chi ngày trước đã không theo ngành y để nối nghiệp cha - Giáo sư - bác sỹ Đặng Vũ Hỷ - mà thử sức mình trong một lĩnh vực mới.

Bà đã trở thành một trong những nhà khoa học tiên phong và có nhiều đóng góp trong nghiên cứu bảo vệ môi trường.

“Khai phá” ngành môi trường

Tôi may mắn được gặp Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) - Nhà giáo Nhân dân Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ (KH&CN) môi trường, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội - trước khi bà bắt đầu chuyến khảo sát về ô nhiễm nguồn nước tại Bình Dương. Ở tuổi 68, bà vẫn giữ tác phong nhanh nhẹn, vẫn luôn sẵn sàng xuất hiện ở những nơi có tiếng gọi của môi trường.

GS Kim Chi gây ấn tượng mạnh với tôi bởi nét đẹp cổ điển, nền nã, thanh lịch, phong thái điềm tĩnh, sang trọng, giọng nói nhỏ nhẹ và đôi mắt biết cười. Trông bà không giống người làm khoa học, càng không giống chút nào với một chuyên gia nghiên cứu về kỹ thuật, công nghệ môi trường.

Bản thân bà cũng thừa nhận con người mình phảng phất chút gì đó lãng mạn, bay bổng của tâm hồn thi sỹ. Bà yêu thơ ca từ thời học phổ thông nhưng sau đó bà đã lựa chọn “cất giấu” tình yêu đó trong một góc tâm hồn, bước vào con đường khoa học, tập trung vào việc tìm giải pháp cho những làng nghề đang bị ô nhiễm của Việt Nam.

Nhớ về khoảng thời gian cách đây hơn 40 năm, khi vừa bước chân vào học chuyên ngành kỹ thuật bảo vệ môi trường, bà nói: “Tôi vốn tốt nghiệp khoa Hóa của ĐH Bách khoa Hà Nội, sau đó ở lại trường làm cán bộ giảng dạy. Đến năm 1976, chủ nhiệm khoa đặt vấn đề rằng chiến tranh kết thúc, đất nước tập trung vào phát triển kinh tế nhưng chúng ta phải quan tâm đến bảo vệ môi trường. Vì vậy, tôi được khoa cử đi làm nghiên cứu sinh ở Đức về lĩnh vực này”.

Giáo sư - tiến sỹ - Nhà giáo Nhân dân Đặng Thị Kim Chi. Ảnh: Trịnh Điệp.

“Ban đầu tôi rất băn khoăn vì môi trường là ngành còn quá mới đối với Việt Nam thời đó, nhưng vì trách nhiệm của mình đối với khoa, với trường và cũng không thể phụ lòng tin của mọi người trong ngành, tôi quyết tâm đi học. Hồi mới sang Đức, là con gái học kỹ thuật, lại học về một ngành mà ở Việt Nam chưa từng có nên tôi vất vả hơn các bạn, phải học lại kiến thức từ đầu để theo được chương trình” - GS-TS Kim Chi kể lại.

Dường như khó khăn là chất xúc tác khiến con người nỗ lực nhiều hơn. “Có những đợt phải làm thí nghiệm liên tục, tôi đến trường khi đèn đường chưa tắt và trở về thì đèn đường đã bật. Hồi đó một lá thư từ Việt Nam gửi đi, rồi từ Đức gửi về phải mất 2 tháng và suốt 4 năm du học tôi không về nước lần nào. Nhiều lúc tôi nghĩ mình chưa làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ. Những khi nhớ con, thương chồng, tôi lại nghĩ về hình ảnh anh bộ đội bế con vẫy tay chào lúc tiễn tôi lên máy bay mà thấy nặng lòng” - nhà khoa học bày tỏ.

Sau khi trở về nước, GS-TS Đặng Thị Kim Chi đã cùng nhóm cán bộ gồm 6 người đứng ra thành lập nhóm nghiên cứu môi trường - tiền thân của Viện KH&CN môi trường của ĐH Bách khoa ngày nay. “Mọi thứ đều bắt đầu từ bàn tay trắng, chúng tôi phải xây dựng các chương trình đào tạo, tham khảo các chương trình đào tạo kỹ sư về kỹ thuật môi trường ở các nước tiên tiến. Đến nay, viện đã có gần 100 cán bộ nghiên cứu và giảng dạy” - bà cho biết.

Có đam mê, cuộc đời vui hơn

Trong ngành môi trường, GS Kim Chi được biết đến là chuyên gia về môi trường làng nghề. Từ những năm 1990, người ta đã thấy bà chạy đôn chạy đáo về các làng nghề để nghiên cứu giải pháp xử lý ô nhiễm.

Bà đúc rút: “Làng nghề của các nước châu Á khác mà tôi biết không ô nhiễm nặng như ở Việt Nam. Khi được giao chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu các giải pháp và chính sách cải thiện chất lượng môi trường các làng nghề Việt Nam”, tôi đã tìm ra cơ sở khoa học và thực tiễn giải quyết những vấn đề môi trường tại các làng nghề Việt Nam”.

Sau này, trên cơ sở nghiên cứu đề tài cùng hàng loạt nghiên cứu tiếp theo về môi trường làng nghề, GS-TS Kim Chi đã góp phần vào việc cải thiện công tác quản lý môi trường của các làng nghề. Bà xây dựng một số mô hình, các tài liệu hướng dẫn cải thiện môi trường với 7 loại hình làng nghề như làng nghề thực phẩm, tái chế giấy, tái chế nhựa, làng nghề vật liệu xây dựng... Các tài liệu này đã được in thành sách và đưa về phổ biến tại các tỉnh.

Là người tận tâm và nhiệt huyết với nghề, GS-TS Kim Chi luôn trăn trở về việc nâng cao nhận thức của người dân. “Khi tôi đến thăm một làng nghề ở Bắc Ninh, thấy họ đốt chất thải, tôi ám ảnh bởi dòng khói đen đang bay nghi ngút lên không trung. Khi đó tôi thấy thương chính những người công nhân đang đốt rác và việc đốt bừa bãi như vậy chẳng khác gì họ đang giết nhau. Nhà nước, lãnh đạo địa phương cần giúp họ thay đổi nhận thức, nếu không hậu quả sẽ khôn lường, nhất là về sức khỏe con người” - GS-TS Kim Chi chia sẻ.

Nói về tình yêu với công việc nghiên cứu và giảng dạy, nụ cười của bà rạng lên niềm hạnh phúc: “Tôi yêu thích công việc đi dạy, nghiên cứu và đi tới các làng nghề để giúp đỡ mọi người. Tôi nghĩ rằng có đam mê thì cuộc đời vui hơn, như niềm vui của tôi khi nhìn thấy các công nghệ hiện đại xử lý rác đã và đang được áp dụng tại Việt Nam”.