Theo GS. Finn E.Kydland, những quyết định thúc đẩy tăng trưởng quan trọng như hoạt động đổi mới, sáng tạo, đầu tư vào khả năng sản xuất mới... đòi hỏi có sự phán đoán và đánh giá về môi trường chính sách trong tương lai.

Sáng ngày 12/7, GS. Finn E.Kydland, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2004, đã có buổi thuyết trình tại ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội. Sự kiện này được Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Hội Gặp gỡ Việt Nam tổ chức với sự tham dự của các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, giảng viên và sinh viên các viện nghiên cứu, các trường đại học thuộc khối ngành kinh tế tại Hà Nội.

GS. Finn E.Kydland tại buổi thuyết trình
GS. Finn E.Kydland tại buổi thuyết trình. Ảnh: Truyền thông khoa học

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuyến công tác của GS. Finn E. Kydland tới Việt Nam tham dự hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” - một trong những hoạt động lớn nhất của chuỗi các sự kiện trong Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 năm 2016 tham gia vào chương trình phát triển khoa học và giáo dục quốc gia.

Trong phần thuyết trình của mình, GS Finn E. Kydland chú trọng đến các vấn đề liên quan tới chính sách kinh tế và phát triển bền vững. Các mối quan hệ kinh tế có liên kết chặt chẽ và là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong khoa học kỹ thuật.

Theo GS. Finn E. Kydland, trong thời gian dài hạn, các quốc gia đang trở nên thịnh vượng hơn, điều này được đánh giá dựa trên khía cạnh thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, mức độ nghèo đói thấp hơn. Như vậy, giảm các trở ngại trong việc duy trì năng suất cao, tăng khả năng sản xuất và nâng cao năng suất.

Tuy nhiên, GS. Finn E. Kydland cũng cho rằng, phần lớn các khu vực trên thế giới hiện nay, môi trường kinh doanh đều có chung đặc diểm là tính bất định chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ qua. Lý do chính là sự thiếu rõ ràng trong công tác hoạch định chính sách kinh tế.

Để đưa ra các quyết định thúc đẩy tăng trưởng quan trọng như hoạt động đổi mới sáng tạo, đầu tư vào khả năng sản xuất mới, lựa chọn thị trường,… đòi hỏi phải có sự đánh giá và phán đoán về môi trường chính sách trong tương lai. Những chính sách quan trọng đó bao gồm chính sách thuế, chi tiêu và chính sách nợ, mức độ hạn chế thương mại và các quy định môi trường nói chung. Dựa trên lý thuyết kinh tế, sự gia tăng bất ổn chính sách trong thập kỷ qua khá dễ dự đoán.

Tại buổi thuyết trình, GS. Finn E. Kydland cũng thảo luận thêm về các nguyên nhân cơ bản và bối cảnh từ các khu vực khác nhau trên thế giới.