Nghệ thuật học, mỹ học đều có thể coi là khối kiến thức căn bản đối với giáo dục khai phóng (liberal arts). Song lâu nay, như một mặc định, nghệ thuật học là thứ “xa xỉ”, “nói hươu nói vượn”, vì thế, sự đầu tư công phu, bài bản cho bộ môn này chưa được chú trọng.

Chuyến du hành nghệ thuật chóng vánh

Không kể các trường đại học có chuyên ngành đào tạo nghệ thuật, một số trường thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn cũng đang đưa bộ môn Nghệ thuật học, hay như phổ biến hơn, Mỹ học, vào giảng dạy. Thế nhưng, ngay từ cách đặt tên môn học một cách phổ biến, “Nghệ thuật học đại cương” hay “Mỹ học đại cương” đã nói lên tính chất dẫn nhập chung chung, giới thiệu đại khái, thậm chí là “cưỡi ngựa xem hoa” của cả người soạn giảng và người học.

Thông thường, ở bộ môn này, ngoài các khái niệm gần như đóng khung theo hàng chục năm, người dạy chỉ tập trung lược dẫn lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật phương Tây. Việc dừng lại ở bước lược dẫn, rõ ràng, chỉ mới cung cấp thông tin cơ bản chứ không thể đi sâu phân tích, diễn giải và từ đó, giúp người học thẩm thấu được các giá trị đích thực của tinh thần sáng tạo và thưởng ngoạn.

Ở trường Đại học Văn hóa Hà Nội chẳng hạn, theo quan sát của tôi, mức độ lược dẫn này còn rơi vào tình trạng dàn trải, chủ yếu nhìn theo “diện”, điểm mặt gọi tên là chính. Chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng 30 tiết), nghệ thuật nhân loại từ cổ đại đến hiện đại, từ thời Hy-La đến Phục hưng, từ kiến trúc sang điêu khắc, từ hội họa đến âm nhạc, từ sân khấu đến điện ảnh…, đều được đề cập! Đó quả là một “tour” du hành nghệ thuật quá chóng vánh và thay vì đem lại sự hứng khởi, niềm ngưỡng mộ đối với thành quả sáng tạo của con người, sinh viên chỉ thấy mơ hồ, hời hợt.

Tiếp xúc với các triển lãm, trưng bày, phòng tranh, bảo tàng, công viên nghệ thuật, nhà hát, rạp chiếu phim… chưa trở thành hoạt động chính thức và thường xuyên ở các trường đại học có giảng dạy bộ môn nghệ thuật học. Ảnh minh họa: baophuyen.com.vn

Một bộ sách mang tính dẫn luận ngắn (“Dẫn luận về Cái đẹp” của Roger Scruton; “Dẫn luận về Lịch sử nghệ thuật” của Dana Arnold. Cả hai do Đại học Oxford ấn hành và đã được dịch ra tiếng Việt) cho thấy người viết/giảng dạy đều phải là những nhà nghiên cứu chuyên sâu, có khả năng chuyển hóa khối kiến thức hàn lâm thành hiểu biết phổ thông. Ở Việt Nam, các giáo trình thực sự dành cho nghệ thuật học hay mỹ học đều ít ỏi và đa số đều thiếu cập nhật.

Ở đó, thường xuyên sẽ là bàn về mỹ học của Platon, Aristote, Hegel, Kant hay Bielinski, Marx, Lenin,…Nhưng ngay cả khi nhắc đến các tên tuổi này, do rào cản ngoại ngữ, nên cũng khó thấu suốt quan điểm chính yếu của họ. Tình trạng “tam sao thất bản” về mặt học thuật trong các giáo trình nghệ thuật học/mỹ học, quả thật, chưa có một kiểm thảo nào kĩ lưỡng. Người học chỉ có thể phong thanh những nhận xét, nhận định của một tác giả phương Tây nào đó nhưng nguồn dẫn, tư liệu ở đâu thì khó mà chắc chắn.

Nghệ thuật học, mỹ học đều có thể coi là khối kiến thức căn bản đối với giáo dục khai phóng (liberal arts). Bất kì ngành học nào cũng cần đến môn học này, ngay cả với kinh tế hay an ninh, quốc phòng. Song lâu nay, như một mặc định, nghệ thuật học là thứ “xa xỉ”, “nói hươu nói vượn”. Vì thế, sự đầu tư công phu, bài bản cho bộ môn này không được chú trọng. Các trường không chuyên về nghệ thuật, dĩ nhiên, chẳng phóng tay đầu tư cho đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để phục vụ một môn học mà hiệu quả đối với người học không thể đo đếm rõ ràng. Do đó, giáo dục nghệ thuật bị rơi vào thế yếu, đã dàn trải, mênh mông lại càng ít có cơ hội vươn lên để có vị trí xứng đáng trong chương trình đào tạo.

Người dạy “liều mình như chẳng có”, người học mất động lực

Có một thực tế phổ biến là người dạy nghệ thuật hoặc mỹ học ở các trường không chuyên đôi khi chỉ là “người soạn giảng” dựa trên kiến thức thu thập mang tính lí thuyết. Họ không phải là những nhà thực hành, những người làm nghề nên thường “nói hay cày dở”. Bởi thế, các trải nghiệm, kinh nghiệm nghệ thuật của họ không đủ sinh động, hấp dẫn và tạo được quyền uy đối với người học.

Là lĩnh vực đặc thù, người dạy nghệ thuật cần thiết phải tham gia sâu vào đời sống nghệ thuật thường ngày, hoặc là các nhà nghiên cứu – phê bình hoặc là những nghệ sĩ có tác phẩm. Tuy nhiên, yếu tố bằng cấp bắt buộc đối với người dạy bậc đại học (Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ) đã cản trở không ít trường mời được các nghệ sĩ thực thụ đến giảng dạy. Rút cuộc, nhiều giảng viên không chuyên đã phải “liều mình như chẳng có” đảm nhận một bộ môn rất cần đến năng lực quan sát, đánh giá thẩm mĩ đặc biệt.

Muốn giảng dạy nghệ thuật tốt, cần thiết phải có các phương tiện, thiết chế hỗ trợ. Việc học nghệ thuật ở trên lớp chỉ hiệu quả khi người dạy, người học được tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với các triển lãm, trưng bày, phòng tranh, bảo tàng, công viên nghệ thuật, nhà hát, rạp chiếu phim… Vì nhiều lí do, trong đó có thời gian, chi phí và sự ít ỏi của các thiết chế văn hóa này, mà đòi hỏi đó không dễ khả thi.

Phần lớn các bài giảng về mĩ thuật, kiến trúc, điêu khắc phương Tây đều lấy hình ảnh trên internet. Mọi cảm xúc hay suy nghĩ về nghệ thuật cũng nhờ không gian mạng mà nảy sinh. Ỷ vào internet, có lẽ, là thói quen khiến mỹ cảm nghệ thuật trở nên đơn điệu, nhàm chán.

Thưởng ngoạn và thấu hiểu nghệ thuật đòi hỏi tinh thần tranh luận, đối thoại được công khai và lắng nghe. Hiệu ứng của bộ môn này không chỉ phụ thuộc vào kiến thức mà còn nằm ở sự khơi gợi, kích thích năng lực sáng tạo của người học. Cho dẫu một sinh viên không có năng khiếu nghệ thuật thì họ vẫn có vô số cách thức biểu đạt năng lực thẩm mĩ, quan niệm cái đẹp của mình. Không có không gian và điều kiện thực hành nghệ thuật thì người học đánh mất nhu cầu chất vấn, hoài nghi các giá trị. Đặc biệt, họ cũng tự khép chặt ý tưởng riêng tư về nghệ thuật, đồng nghĩa với việc làm sụt giảm động lực khám phá và lao động tích cực.

Vốn vẫn bị coi là xa rời đời sống, nghệ thuật học trên giảng đường đại học, một lần nữa, lại chưa tạo thêm được thiện cảm đối với xã hội.

(Còn tiếp)