Sách chuyên khảo của nhóm tác giả Lê Mạnh Tú cung cấp hiểu biết về cách thức vật liệu mới được hình thành.

Vừa qua, nhóm tác giả Lê Mạnh Tú (chủ biên) cùng cộng sự tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa được Nhà xuất bản Elsevier đầu tư chi phí xuất bản sách chuyên khảo với tựa đề “Nucleation and Growth in Applied Materials” (Tạo mầm và tăng trưởng mầm tinh thể trong vật liệu ứng dụng).

abc
Sách được xuất bản bằng tiếng Anh và bán trên toàn thế giới qua các kênh của Elsevier. Nguồn: Elsevier

PGS.TS Lê Mạnh Tú cho biết nhóm của anh được Elsevier đầu tư từ hội đồng thẩm định đề xuất, phản biện quốc tế, việc viết sách, đội ngũ hỗ trợ chỉnh sửa bản thảo, cho đến in ấn và quảng bá. Lợi nhuận từ việc bán sách cũng sẽ được chia sẻ cho chủ biên.

Trước đó, nhóm tác giả đã phải trải qua nhiều thử thách với những lần phản biện của Nhà xuất bản, phản biện quốc tế nhằm đảm bảo chất lượng và quy trình đầu tư xuất bản sách.

Cuốn sách dày 258 trang, cung cấp nhiều hiểu biết về hiện tượng tạo mầm và tăng trưởng trong vật liệu.

Theo PGS Tú, có thể hiểu đơn giản, tạo mầm tinh thể là quá trình đầu tiên xảy ra trong quá trình hình thành vật liệu, khi các hạt đầu tiên biến đổi từ pha lỏng hoặc pha hơi sang pha rắn. Từ những hạt đầu tiên này, các nguyên tử tiếp theo có cơ sở - hay mầm - để phát triển và lớn lên, tạo thành các cấu trúc vật liệu mà ta quan sát được bằng mắt thường. Tạo mầm và phát triển mầm là hai quá trình kế tiếp nhau, quyết định hình dáng, cấu tạo bên ngoài và tính chất của vật liệu. Bởi vậy, để nghiên cứu chế tạo vật liệu mới, cần hiểu cặn kẽ về hai quá trình này.

def
PGS.TS Lê Mạnh Tú Trưởng nhóm nghiên Công nghệ Điện hóa Ứng dụng, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu. Nguồn: Trường ĐH Phenikaa

Nhóm tác giả hướng đến giải đáp một số câu hỏi đang được đặt ra như: làm thế nào để xác định chất lượng và số lượng quá trình tạo mầm và tăng trưởng; ảnh hưởng của quá trình tạo mầm đến tính chất khối của vật liệu là gì; làm thế nào để xác định tốc độ tăng trưởng mầm tinh thể (sự phân bố tốc độ tăng trưởng cục bộ dọc theo các mặt tinh thể, sự không ổn định về hình dạng), số lượng mầm tinh thể trong quá trình luyện kim và điện hóa. Các phương pháp lý thuyết và thực tiễn được sử dụng để xác định và định lượng quá trình tạo mầm được phân tích một cách chi tiết.

Cuốn sách còn đề cập quá trình tạo mầm trong polymer, giải thích quá trình chuyển từ pha monomer sang polymer, hay còn gọi là polymer hóa.

gkh
PGS.TS Lê Mạnh Tú (bìa trái) hướng dẫn sinh viên thực hành. Nguồn: Trường ĐH Phenikaa

Năm 2020, PGS.TS Lê Mạnh Tú cũng từng được Elsevier xuất bản cuốn sách chuyên khảo về hiệu ứng Barkhausen với tiêu đề “Barkhausen noise for nondestructive testing and materials characterization in low carbon steels”. Hiệu ứng này là nền móng cho phương pháp đo không phá hủy chính xác đến cấp độ micro mét, và phương pháp xác định ứng suất dư trong công nghiệp kim loại và hàng không. Đây được coi là cuốn sách đầu tiên trên thế giới mô tả cặn kẽ về hiệu ứng Barkhausen.