Theo một nghiên cứu quốc gia nằm trong dự án kéo dài 3 năm do IAEA điều phối, các nước từ Armenia và Ghana đến Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy tiềm năng đáng kể khi sử dụng năng lượng hạt nhân để giảm phát thải khí nhà kính và đáp ứng các mục tiêu về biến đổi khí hậu.
Các kết quả của Dự án Nghiên cứu Phối hợp trên (Coordinated Research Project – CRP) minh họa phạm vi tiềm năng do tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm hỗ trợ mạnh mẽ hơn các mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu quốc gia, được đề cập trong “Hiệp ước Khí hậu Glasgow” và nhận được đồng thuận tại COP26 vào tháng trước. Khoảng 30 quốc gia đưa năng lượng hạt nhân vào các kế hoạch đệ trình theo Thỏa thuận Paris 2015 – bao gồm cả các mục tiêu ngắn hạn (năm 2030) trong bản Đóng góp do quốc gia xác định (NDC) và các chiến lược dài hạn hướng tới phát thải ròng bằng 0. Kết quả của Dự án Nghiên cứu Phối hợp đã phản ánh sức nóng của điện hạt nhân ngày một gia tăng khi các quốc gia đang loay hoay tìm cách thực thi những mục tiêu khí hậu tham vọng hơn.
Ông Hal Turton, nhà kinh tế năng lượng IAEA, thư ký khoa học của Dự án CRP cho biết: “Nhìn chung, nghiên cứu của các quốc gia đều chứng minh, năng lượng hạt nhân có tiềm năng đáng kể, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, tùy thuộc vào hoàn cảnh mỗi nước. Các nhóm nghiên cứu cũng nêu bật tính phù hợp của năng lượng hạt nhân trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì an ninh cung cấp năng lượng bằng cách giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, đảm bảo hệ thống điện linh hoạt và đáng tin cậy, hỗ trợ các mục tiêu tầm cỡ hơn phục vụ phát triển bền vững”.
Dự án CRP có tên “Đánh giá vai trò tiềm năng của năng lượng hạt nhân trong các chiến lược quốc gia về giảm thiểu biến đổi khí hậu”, tập hợp các nhóm nghiên cứu từ 12 quốc gia hiện đang phải đối mặt với một loạt thách thức về năng lượng, phát triển và khí hậu, thực hiện nghiên cứu thăm dò xem năng lượng hạt nhân, cùng với các nguồn năng lượng các-bon thấp khác sẽ hữu ích ra sao. Họ đã phát triển và áp dụng các khuôn khổ phân tích và công cụ mô hình khác nhau để dự báo nhu cầu năng lượng trong vài thập kỷ tới, đánh giá các lựa chọn và danh mục cung cấp về công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu dự kiến và đánh giá tác động của các danh mục đó đối với phát thải khí nhà kính.
Các nhóm nghiên cứu ở Armenia, Pakistan, Ba Lan, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định được tiềm năng đáng kể của năng lượng hạt nhân trong giảm thiểu biến đổi khí hậu ở chính quốc gia của họ. Nếu giải quyết được chi phí đầu tư trả trước và các rào cản tài chính thì điện hạt nhân sẽ trở nên ngày càng hấp dẫn ở Chile, Ghana và Nam Phi. Tại 3 quốc gia – Croatia, Lithuania và Việt Nam – điện hạt nhân hiện được coi là không thể cạnh tranh với các loại năng lượng khác. Australia và Ukraine đã chia sẻ kiến thức chuyên môn theo nhiều báo cáo khác nhau.
Ghana và Ba Lan nằm trong số khoảng 30 quốc gia “tân binh” về hạt nhân đã bắt tay vào việc hoặc đang xem xét về năng lượng hạt nhân. Armenia và Nam Phi đã vận hành các nhà máy điện hạt nhân và cân nhắc mở rộng. Pakistan đang xây mới để bổ sung vào đội ngũ các lò phản ứng hiện có. Thổ Nhĩ Kỳ đang xây dựng các lò phản ứng đầu tiên, trong khi điện hạt nhân của Chile có thể cần được xem xét trong tương lai.
Tại một sự kiện của IAEA tại COP26 tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Ghana Matthew Opoku Prempeh cho biết nước này đang cân nhắc sử dụng năng lượng hạt nhân để sản xuất điện các-bon thấp, nguồn năng lượng thủy điện không còn duy trì được nữa. Ông Seth Kofi Debrah, Giám đốc Viện Năng lượng Hạt nhân của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Ghana cho biết: “Kết quả của Dự án CRP đã hỗ trợ Chương trình Điện hạt nhân Ghana, thêm minh chứng vững chắc để đưa hạt nhân vào hỗn hợp năng lượng, và vào bản NDC.” Ông nói thêm rằng Ghana đã sửa đổi NDC vào tháng 11/2021, trong đó đã bổ sung điện hạt nhân.
Đối với Armenia, quốc gia này đã dựa vào một lò phản ứng điện hạt nhân duy nhất cho khoảng 1/3 sản lượng điện. Việc đánh giá một số kịch bản năng lượng chỉ ra rằng, sử dụng năng lượng hạt nhân có thể giúp nước này tuân thủ đầy đủ các cam kết trong Thỏa thuận Paris. Giống như Ghana, Armenia cũng cập nhật NDC, trong đó lần đầu tiên có năng lượng hạt nhân góp mặt vào năm 2021.
Đối với Ba Lan, nghiên cứu khẳng định tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân đối với giảm thiểu biến đổi khí hậu trong tương lai, phù hợp với kế hoạch quốc gia xây dựng 6 lò phản ứng điện hạt nhân lớn trong hai thập kỷ tới để hỗ trợ cả mục tiêu khí hậu và an ninh năng lượng. Vì Ba Lan hiện phụ thuộc vào than để tạo ra khoảng 70% điện năng, nên những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế và xã hội của đất nước có thể cần thiết để đáp ứng các cam kết của Hiệp định Paris và nghiên cứu của CRP cho thấy rằng, bổ sung hạt nhân vào hỗn hợp có thể mang lại nhiều việc làm hơn và GDP cao hơn để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch này hỗ trợ các mục tiêu phát triển của xã hội.
Ngoài việc hỗ trợ các nỗ lực quốc gia đánh giá vai trò tiềm năng của năng lượng hạt nhân, Dự án CRP còn giúp nâng cao kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia tham gia nghiên cứu trong đánh giá các chiến lược và chính sách về năng lượng và biến đổi khí hậu một cách rộng rãi hơn. Theo Giáo sư Mladen Zeljko, Giám đốc Điều hành cho biết Cán bộ của Viện Năng lượng Hrvoje Pozar ở Croatia, bằng cách “trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia từ các quốc gia khác… [CRP đã giúp nâng cao] trình độ kiến thức… và cũng tạo điều kiện xác định các yếu tố quyết định quan trọng nhất của các văn bản và kế hoạch chiến lược quốc gia trong lĩnh vực năng lượng”.
Nhiều nhóm nghiên cứu quốc gia, bao gồm cả Croatia, đã sử dụng các công cụ mô hình năng lượng của IAEA, đánh giá tiềm năng của năng lượng hạt nhân trong CRP. Nghiên cứu của Croatia, quốc gia cùng vận hành một nhà máy điện hạt nhân với nước láng giềng Slovenia, cho thấy, xây mới một nhà máy điện hạt nhân lớn không có tính cạnh tranh về tài chính và giá các-bon hiện tại, nên nước này dự định theo dõi sự phát triển của các SMR như một lựa chọn tiềm năng với giá cả phải chăng và tạo điện các-bon thấp linh hoạt.
Giáo sư Mladen Zeljko chia sẻ, “CRP mang lại lợi ích to lớn cho chúng tôi trong phát triển các kế hoạch chiến lược quốc gia liên quan đến khí hậu và năng lượng, giúp hình thành các kịch bản nhất quán, đặt ra các mục tiêu chính cho sự phát triển lâu dài và những tác động của ngành năng lượng đối với biến đổi khí hậu”.