Dù không được trao một cách liên tục trong số 7 lần trao giải nhưng giải trẻ Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã đánh dấu một dấu ấn quan trọng trên con đường nghiên cứu của các nhà khoa học đoạt giải. Hơn thế, nó còn góp phần xây dựng niềm tin vào một môi trường học thuật minh mạch, khách quan và công bằng ở Việt Nam.

Nếu chỉ xét trên một phạm vi rất hẹp bao gồm bốn nhà khoa học được nhận giải trẻ Tạ Quang Bửu từ 12 hồ sơ đề cử và ứng cử hạng mục này trong vòng 7 năm, khó có thể hình dung được tác động và ý nghĩa mà giải thưởng đem lại với cộng đồng các nhà nghiên cứu trẻ mà theo nhận xét của TS. Đỗ Quốc Tuấn (trường ĐH Phenikaa) – giải trẻ Tạ Quang Bửu năm 2018, “hầu hết đều được đào tạo ở các nước có nền khoa học phát triển, do đó nghiên cứu của họ cũng thường là những nghiên cứu thuộc dòng chảy chính của khoa học thế giới”. Vì vậy, không đơn thuần là việc chọn được những người xứng đáng nhất nhất, giải trẻ Tạ Quang Bửu còn góp phần khuyến khích những người trẻ gây dựng sự nghiệp nghiên cứu ngay trên quê hương mình và đóng góp cho khoa học Việt Nam.

Tác động quan trọng đến nghiên cứu

GS. TSKH Phạm Hoàng Hiệp nhận giải thưởng Ramanujan.
GS. TSKH Phạm Hoàng Hiệp nhận giải thưởng Ramanujan.

Năm năm trôi qua kể từ ngày nhận giải trẻ Tạ Quang Bửu, hiện tại GS. TSKH Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã có thêm nhiều công trình mới, nâng số bài báo của mình lên con số 34. Nhìn lại thời điểm chọn công trình tốt nhất của mình xuất bản trên Acta Mathematica, tạp chí theo lời nhà toán học đoạt giải thưởng Field 2010 Cédric Villani đánh giá là “uy tín bậc nhất trong các tạp chí nghiên cứu về toán”, và gửi hồ sơ tới Quỹ NAFOSTED – đơn vị thường trực Giải thưởng Tạ Quang Bửu, GS. TSKH Phạm Hoàng Hiệp cho rằng, giải thưởng có một ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu khoa học của mình. Theo góc nhìn của anh, giải thưởng không chỉ ghi nhận những nỗ lực và cố gắng của các nhà khoa học trẻ mà còn giúp họ có thêm hứng khởi trong nghiên cứu. Còn với bản thân anh, “động lực từ đó đã giúp tôi tiếp tục thực hiện thêm các công trình nghiên cứu khoa học để vào năm 2019, tôi được trao tặng giải thưởng Ramanujan” (giải thưởng mà Trung tâm Vật lý quốc tế (ICTP), Liên đoàn Toán học thế giới, Bộ KH&CN Ấn Độ dành cho các nhà toán học dưới 45 tuổi ở các nước đang phát triển kể từ năm 2005). Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng Ramanujan.

Không riêng với giáo sư Phạm Hoàng Hiệp, hai nhà vật lý trẻ là PGS. TS Phùng Văn Đồng và TS. Đỗ Quốc Tuấn, những người lần lượt nhận giải vào năm 2016 và 2018, đều trên con đường trở thành chuyên gia uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. “Khi nhận giải, tôi đã có 10 năm làm khoa học, bắt đầu xây dựng nhóm nghiên cứu và đề xuất được một số hướng nghiên cứu mới triển vọng trong ngành, một trong các hướng đó là Mô hình 3-3-1-1 cho vật chất tối”, PGS. TS Phùng Văn Đồng nhớ lại “mốc Tạ Quang Bửu” trong con đường làm khoa học. Anh cho rằng, sự ghi nhận của Bộ KH&CN cũng như của các nhà khoa học hàng đầu đối với nỗ lực của anh qua giải trẻ Tạ Quang Bửu đã củng cố cho anh thêm tin tưởng vào công việc mình đã lựa chọn cũng như vào điều mình tâm niệm “Với một nhà khoa học, tiền đề thành công là đào tạo nhân lực, xây dựng nhóm nghiên cứu và hướng đến những kết quả nghiên cứu lớn”.

Niềm tin vào khả năng mở rộng và nâng cao chất lượng nghiên cứu đó đã đưa PGS. TS Phùng Văn Đồng từ Viện Vật lý (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) sang Đại học Phenikaa, nơi anh có đủ điều kiện thành lập nhóm nghiên cứu Vật lý năng lượng cao và vũ trụ học (High Energy Physics and Cosmology HEPC) và thực hiện ước mơ của mình: nghiên cứu trên một phạm vi trải rộng từ thang Planck, nơi hấp dẫn lượng tử bắt đầu chi phối BigBang, mở tới các kích thước hạt cơ bản được thiết lập bởi Mô hình chuẩn, đến các cấu trúc thang lớn được xác định bởi Lý thuyết vũ trụ chuẩn. Sau năm rưỡi ở chốn mới, anh và nhóm nghiên cứu mới đã có 8 công trình, trong đó 5 đã công bố và 3 trong giai đoạn phản biện, trên tạp chí top Q1. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đi ban đầu để anh hướng đến những cái đích xa hơn trong nghiên cứu: đưa nhóm nghiên cứu của mình trở thành nhóm mạnh ở tầm quốc tế, mỗi năm có từ 15 đến 20 bài tốt.

PGS. TS Phùng Văn Đồng đã xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh về Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học tại ĐH Phenikaa.
PGS. TS Phùng Văn Đồng đã xây dựng được nhóm nghiên cứu mạnh về Vật lý năng lượng cao và Vũ trụ học tại ĐH Phenikaa.

Tương tự PGS. TS Phùng Văn Đồng, TS. Đỗ Quốc Tuấn nhận thấy, giải thưởng Tạ Quang Bửu thật sự là một cú hích rất lớn cho sự nghiệp nghiên cứu của một nhà khoa học trẻ và tạo dựng cho anh một tự tin nhất định. Đó là cơ sở để anh nghĩ đến những thứ mà mình ấp ủ từ lâu, đó là gây dựng một nhóm nghiên cứu tiềm năng về vật lý hấp dẫn.

Tuy nhiên, hiệu ứng mà giải thưởng đem lại còn vượt quá phạm vi những người đoạt giải. Với trường hợp nhiều người chỉ là ứng cử viên, người ta cũng thấy sự chuyển biến rõ rệt, ví dụ trường hợp của PGS. TS Phạm Văn Phúc (Viện Nghiên cứu Tế bào gốc, ĐHQGTPHCM), người lọt vào vòng xét chọn cuối vào năm 2016. Tuy không may mắn được trao giải nhưng Phạm Văn Phúc vẫn có được những thành công trên con đường của mình: trở thành một chuyên gia hàng đầu Việt Nam về tế bào gốc, xây dựng hai tạp chí của Viện vào danh sách tạp chí Scopus và góp phần đưa Viện Tế bào gốc trở thành đơn vị tự chủ với nhiều sản phẩm được chuyển giao.

Những đề xuất nâng cao tác động của giải thưởng

Khi được hỏi về lý do gửi hồ sơ tham dự Giải thưởng Tạ Quang Bửu, cả ba nhà khoa học đều cho rằng, điều thuyết phục họ chính là sự nghiêm túc và công bằng trong xét chọn để tìm ra những người xứng đáng. “Tôi đã đọc các công trình được giải của các nhà Vật lý và Toán học đoạt giải trước đó và nhận thấy, các hướng nghiên cứu của các công trình này đều rất hay, đặc biệt hơn là đều được đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín bậc nhất trên thế giới. Đây là những điều làm tôi rất ấn tượng với Giải thưởng Tạ Quang Bửu”, TS. Đỗ Quốc Tuấn nói.

Một trong những điểm khác làm nên chất lượng của Giải thưởng Tạ Quang Bửu là tiêu chí lựa chọn dựa trên chất lượng công bố và tạp chí công bố, ở cả hạng mục giải chính và giải trẻ. Theo phân tích của TS. Đỗ Quốc Tuấn: “Giải thưởng không dành cho việc xem xét số lượng công bố khoa học, mà dành cho việc xem xét các công bố xuất sắc nhất. Điều đó rất phù hợp với các nhà nghiên cứu trẻ khi tuổi nghề chưa nhiều”. Tuy vậy anh cũng cho biết, vẫn còn tồn tại hiện tượng nhiều nhà nghiên cứu trẻ có những công trình tốt, xuất bản trên các tạp chí uy tín vẫn còn ngần ngại gửi hồ sơ ứng cử.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến Giải thưởng Tạ Quang Bửu vẫn còn chưa thật sự hấp dẫn các nhà nghiên cứu trẻ? Một trong những nguyên nhân đó là trong việc triển khai xét chọn giải trẻ, còn tồn tại một số điểm mà vô hình trung khiến nhiều người cảm thấy chưa thật công bằng. Theo giáo sư Ngô Việt Trung, cách xét chọn hiện nay vẫn mới chỉ nghiêng về những người người làm trong ngành lý thuyết, “bởi trong những ngành này, các nhà khoa học trẻ có thể đạt được những thành tựu rất xuất sắc với những công trình nghiên cứu không liên quan đến thực nghiệm. Tuy nhiên ở các ngành khoa học thực nghiệm thì về cơ bản, công trình là công sức của cả một tập thể và người làm chủ chốt cũng phải có kinh nghiệm”. Do đó, giải trẻ chưa thật sự khuyến khích các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực thực nghiệm, vốn cần nhiều thời gian tích lũy để có công trình tốt. Từ ví dụ “huy chương Fields là một trong những giải thưởng danh giá nhất thể giới mà giáo sư Ngô Bảo Châu nhận được là dành trao tặng cho các nhà toán học dưới 40 tuổi”, giáo sư Phạm Hoàng Hiệp đã đề xuất, “tuổi xét giải có thể tăng lên 40 để khuyến khích các nhà khoa học trẻ”.

Mặt khác, để thu hút được nhiều người trẻ xuất sắc, tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng vẫn áp dụng là được tổ chức đề cử hoặc bản thân tự đề cử cần được mở rộng để “các nhà khoa học uy tín, ví dụ là những người đã được giải Tạ Quang Bửu, giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN, các giáo sư Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài…, có thể đề cử các nhà khoa học trẻ nếu thấy công trình của họ tốt. Thủ tục giới thiệu cũng nên đơn giản hóa, chỉ cần một lá thư giới thiệu nêu được giá trị công trình tiến cử”, TS. Đỗ Quốc Tuấn đề xuất một giải pháp.

Không chỉ quan tâm đến những tiêu chí và tiêu chuẩn xét chọn, các nhà nghiên cứu còn mong muốn những người đoạt giải có một mức thưởng không quá thiệt thòi, ví dụ theo giáo sư Phạm Hoàng Hiệp, “cần điều chỉnh lại kinh phí giải thưởng trẻ lên gần so với giải chính” hoặc theo TS Đỗ Quốc Tuấn “nếu không được trao giải, các đề cử vào vòng chung kết nên được trao một giấy khen ghi nhận của hội đồng ngành Quỹ NAFOSTED cho nghiên cứu xuất sắc kèm theo một mức tiền thưởng nho nhỏ mang tính khích lệ”.