Cùng với các cộng sự thực hiện công trình nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế “So sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi ở các phụ nữ không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm” – PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan được vinh danh ở hạng mục chính của giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020.
Cuộc trò chuyện trước thềm lễ trao giải, hóa ra lại là một buổi tâm tình về cuộc sống, công việc và hạnh phúc của một nhà khoa học bận rộn…
LIÊN KẾT QUỐC TẾ TẠO KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CHUNG CHO NHÂN LOẠI
Chúc mừng PGS Ngọc Lan. Xin bắt đầu bằng một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc: công trình này của chị có ý nghĩa như thế nào với nền y học thế giới nói chung và nền y học Việt Nam nói riêng?
PGS TS Vương Thị Ngọc Lan: Đối với nền y học thế giới, nghiên cứu này góp thêm một nghiên cứu chất lượng để trả lời các vấn đề thực hành lâm sàng y khoa.
Đối với nền y học Việt Nam, nghiên cứu này được công bố trên tạp chí y khoa hàng đầu New England Journal of Medicine cho thấy đội ngũ nghiên cứu Việt Nam hoàn toan có đủ năng lực thực hiện nghiên cứu với phẩm chất khoa học cao, đóng góp vào kho tàng dữ liệu của y học thế giới.
Còn với ngành y học sinh sản mà chị theo đuổi thì sao?
Nghiên cứu góp phần giải quyết vấn đề thời sự và tranh luận trong ngành hỗ trợ sinh sản.
Hiện nay, mỗi năm trên thế giới có hơn 2 triệu trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Sau khi TTTON tạo ra phôi, chuyển phôi tươi thường được thực hiện trong chu kỳ điều trị và số phôi dư có thể được đông lạnh để sử dụng tiếp nếu chuyển phôi tươi thất bại. Vào năm 2011, kết quả chuyển phôi đông lạnh được ghi nhận có vẻ tốt hơn chuyển phôi tươi, từ đó, nhiều trung tâm thụ tinh ống nghiệm trên thế giới chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ và chỉ thực hiện chuyển phôi rã đông cho bệnh nhân. Cách làm này có thể làm kéo dài thời gian điều trị của bệnh nhân, có thể tăng thêm chi phí cho quy trình đông lạnh – rã đông phôi mà thật ra hiệu quả của phương pháp này cũng chưa được chứng minh và công bố rộng rãi. Hiệu quả của chuyển phôi tươi so với chuyển phôi đông lạnh là vấn đề nổi cộm và được tranh luận nhiều trong các hội thảo về hỗ trợ sinh sản trên thế giới.
Ý nghĩa khoa học của nghiên cứu tập trung vào 4 điểm chính: (1) Nghiên cứu chứng minh được chuyển phôi đông lạnh hiệu quả và an toàn như chuyển phôi tươi, do đó, các cặp vợ chồng điều trị TTTON không cần chuyển nhiều phôi tươi một lúc mà có thể giảm số phôi chuyển xuống, số còn dư được đông lạnh để sử dụng sau đó, tránh việc phải kích thích buồng trứng trở lại nếu thất bại; (2) Trữ phôi và giảm số phôi chuyển vào buồng tử cung, giúp giảm tỉ lệ đa thai, từ đó, hạn chế các biến chứng thai kỳ cho mẹ và con, cải thiện sức khỏe của trẻ sinh ra từ TTTON; (3) Các phụ nữ điều trị TTTON có nguy cơ quá kích buồng trứng, có thể thực hiện đông lạnh phôi toàn bộ, sau đó thực hiện chuyển phôi rã đông, sẽ giúp giảm biến chứng quá kích buồng trứng; (4) Cả 2 phương pháp chuyển phôi đều hiệu quả như nhau, do đó, các bác sĩ không nên chuyển sang thực hiện chuyển phôi đông lạnh cho tất cả bệnh nhân vì sẽ làm kéo dài thời gian từ lúc bắt đầu điều trị đến có thai và tăng chi phí của bệnh nhân.
Kết quả của nghiên cứu đã góp phần làm thay đổi thực hành về trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trên thế giới và ở Việt Nam. Ước tính cả thế giới mỗi năm có hơn 2 triệu cặp vợ chồng thực hiện TTTON và có gần 3 triệu lượt chuyển phôi đông lạnh; ở Việt Nam hiện nay mỗi năm có hơn 30.000 cặp vợ chồng thực hiện TTTON và gần 40.000 trường hợp chuyển phôi đông lạnh.
Còn với những bệnh nhân bình thường có nhu cầu được hỗ trợ sinh sản thì sao ạ?
Nghiên cứu là cơ sở để cá thể hóa phương pháp chuyển phôi cho từng bệnh nhân, tăng hiệu quả điều trị, giảm chi phí và biến chứng của điều trị.
Nghiên cứu này đã đưa ngành y học sinh sản của Việt Nam lên mức độ nào so với thế giới? Vì sao nhiều người Việt chọn sang Thái Lan để làm thụ tinh trong ống nghiệm mà không thực hiện tại Việt Nam?
Thật ra, uy tín của ngành hỗ trợ sinh sản của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới đã tốt từ trước khi có nghiên cứu này. Trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là quốc gia mạnh về hỗ trợ sinh sản cả về chiều rộng và chiều sâu. Chiều rộng ở đây muốn nói đến số chu kỳ điều trị thực hiện được hằng năm. Chiều sâu muốn nói đến các loại kỹ thuật chúng ta thực hiện được, tỉ lệ thành công của điều trị và chúng ta phát triển theo hướng học thuật với những công trình nghiên cứu có chất lượng, công bố khoa học và báo cáo khoa học tại các hội nghị quốc tế. Đơn cử như vai trò của Việt Nam trong Hội Sinh sản châu Á – Thái Bình Dương, chúng ta có vị trí trong Ban chấp hành, được mời nói bài báo cáo chính, có nhiều báo cáo và giải thưởng ở diễn đàn khoa học này hằng năm.
Ra khỏi tầm khu vực, ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam ngày càng được nhận biết nhiều trên thế giới với các báo cáo khoa học tại các diễn đàn khoa học lớn hằng năm của Châu Âu (ESHRE – Hiệp hội Sinh sản và Phôi học người Châu âu) và Mỹ (ASRM – Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ).
Một số kỹ thuật, như kỹ thuật trưởng thành noãn non trong ống nghiệm, chúng ta được xem như dẫn đầu thế giới với nhiều công bố khoa học và báo cáo khoa học. Học viên nước ngoài (Mỹ, Úc, Singapore, các nước khác trong khu vực) cũng sang Việt Nam học tập.
Còn vì sao nhiều người Việt sang Thái Lan làm thụ tinh trong ống nghiệm?
Chủ yếu có 2 nguyên nhân chính: (1) Nhu cầu thực hiện các kỹ thuật mà Việt Nam không được phép thực hiện như chọn lựa giới tính, mang thai hộ (trước đây, còn hiện nay điều kiện để được thực hiện mang thai hộ ở Việt Nam cũng rất chặt chẽ và chỉ có 5 bệnh viện trong cả nước được phép thực hiện), (2) Dịch vụ ngoài yếu tố chuyên môn, ví dụ sự riêng tư, thời gian chờ đợi, dịch vụ cho phân khúc cao,…Ngoài ra, về niềm tin, một số người Việt Nam có khả năng kinh tế vẫn nghĩ rằng …nước ngoài có thể tốt hơn trong nước.
Do đó, về mặt kỹ thuật chuyên môn, ngành hỗ trợ sinh sản (HTSS) ở Việt Nam đã làm tốt, được đánh giá khá cao trong khu vực và thế giới, tuy nhiên, mình cần có sự đầu tư để làm dịch vụ tốt hơn, truyền thông tốt hơn để tăng hơn nữa niềm tin của người Việt Nam với chuyên ngành HTSS Việt Nam (nói riêng) và y tế Việt Nam (nói chung).
Nghiên cứu này đã kế thừa những nghiên cứu trước đây mà mở ra hướng nghiên cứu mới cho các nhà khoa học Việt Nam và trên thế giới như thế nào?
Sau nghiên cứu chính, chúng tôi thực hiện tiếp tục hai phân tích thứ cấp quan trọng từ dữ liệu gốc của nghiên cứu chính. Hai công trình này sau đó cũng đã được công bố trên 2 tạp chí uy tín của ngành hỗ trợ sinh sản và được báo cáo tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh sản người và châu Âu (ESHRE tháng 6/2018). Kết quả của hai phân tích thứ cấp hỗ trợ thêm cơ sở cho việc quyết định chọn lựa kiểu chuyển phôi nào cho từng bệnh nhân cụ thể.
(1) Chi phí-hiệu quả của hai chiến lược chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh, đã được công bố trên tạp chí Human Reproduction (IF 4.990) tháng 6/2018 (Khoa D Le, Lan N Vuong, Tuong M Ho, Vinh Q Dang, Toan D Pham, Clarabelle T Pham, Robert J Norman, Ben W Mol. A cost-effectiveness analysis of freeze-only or fresh embryo transfer in IVF of non-PCOS women. Human Reproduction 2018;33(10):1907-1914).
(2) Vai trò của biomarker trong định hướng cho việc chọn chiến lược chuyển phôi tươi hay chuyển phôi đông lạnh, được công bố trên Tạp chí Reproductive Biomedicine Online (IF 2.967) tháng 12/2018 (Lan N Vuong, Toan D Pham, Vinh Q Dang, Tuong M Ho, Vu NA Ho, Robert J. Norman, Ben W Mol. Live birth rates with a freeze-only strategy versus fresh embryo transfer: secondary analysis of a randomized clinical trial. Reproductive BioMedicine Online 2019;38(3):387-396)
Hiện nay, ngoài các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng độc lập được tiến hành ở các nước về đề tài này (khoảng 10 nước), các nhóm nghiên cứu đã đồng thuận chia sẻ số liệu để có một số liệu lớn chung toàn thế giới nhằm rút ra những kết luận xác đáng cho vấn đề này. Trong thời đại hiện nay, liên kết, hợp tác và chia sẻ là hết sức quan trọng để giảm thiểu nguồn lực cần đầu tư cho nghiên cứu và phục vụ cho ứng dụng thực tiễn kịp thời, hiệu quả.
ĐỊNH NGHĨA VỀ HẠNH PHÚC
Có một nghiên cứu của nhóm chuyên gia tâm lý học Hà Lan, nói rằng “có những đứa trẻ không được hỏi ý kiến trước khi được sinh ra”. Những gì chị đang làm, có bao giờ bị nghĩ lại là “đi ngược lại quy luật tự nhiên” không ạ?
Đây là các vấn đề liên quan đến đạo đức (ethics) của chuyên ngành Y học sinh sản. Các vấn đề đạo đức trong Y học sinh sản luôn luôn là vấn đề được tranh luận nhiều nhất, xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng nhất. Người ta bàn về quyền của đứa trẻ muốn được ra đời hay không, quyền của cặp vợ chồng như thế nào, quyền sở hữu noãn, tinh trùng, phôi trong các tình huống cụ thể,… rất rất nhiều vấn đề, vì đây là chuyên ngành tạo ra con người. Điển hình là GS. Robert G Edwards, cha đẻ của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, công trình thành công tạo ra em bé TTTON đầu tiên trên thế giới của ông vào năm 1978 nhưng mãi đến năm 2010, ông mới nhận được giải Nobel Y học. Có thể nói đây là giải Nobel Y học được chờ đợi lâu nhất, bởi vì các nhà khoa học đã theo dõi, chờ đợi đến khi em bé này thể hiện đầy đủ chức năng của một con người bình thường, đó là chức năng sinh sản tự nhiên (cô bé TTTON đầu tiên đó lập gia đình, thụ thai tự nhiên và sinh con bình thường). Khá buồn là đến lúc nhận giải, GS. RG Edwards đã yếu đến mức không còn nhận biết là mình được trao giải và ông mất vài năm sau đó.
Trong thực hành hỗ trợ sinh sản, mỗi kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đều được cân nhắc, xem xét ở nhiều khía cạnh và nhiều góc nhìn khác nhau bởi Hội đồng Đạo đức. Do vậy, tôi chú trọng hơn đến khía cạnh khoa học và tính nhân văn của kỹ thuật. Khía cạnh đạo đức là một vấn đề rất rộng, có nhiều chuyên gia xem xét, phản biện. Chúng tôi, những người làm việc trong lĩnh vực này, luôn luôn tuân thủ các chuẩn mực, quy định và chịu sự điều chỉnh của Hội đồng đạo đức.
Báo chí hay gọi chị là “bà mẹ của nghìn con”, và nói rằng chị đã mang lại hạnh phúc cho hàng nghìn gia đình. Vậy chị có đang hạnh phúc không?
Thật ra, tôi nghĩ, công việc của mình thì mình làm, mình làm tốt nhất để có kết quả tốt nhất, điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân nhất. Còn nhiều ngành nghề khác, mỗi người cũng đều làm tốt nhất công việc của mình, có những công việc rất thầm lặng,… Do đó, được gọi là “bà mẹ của nghìn con” là một sự ưu ái mà mọi người dành cho tôi. Tôi rất hạnh phúc và cảm ơn vì điều này.
Chị định nghĩa “hạnh phúc” như thế nào ạ?
Hạnh phúc là mang lại hạnh phúc cho người khác.
Một ngày điển hình của chị sẽ diễn ra như thế nào ạ?
Buổi sáng tôi bắt đầu từ 7 giờ làm công việc sản phụ khoa, giảng dạy lâm sàng cho sinh viên, học viên sau đại học; buổi trưa làm thụ tinh trong ống nghiệm; buổi chiều tôi tham gia công việc quản lý ở trường, dạy lý thuyết trên giảng đường (nếu có giờ giảng), đọc tài liệu, soạn bài giảng, viết bài nghiên cứu; buổi chiều muộn, tôi khám ngoài giờ. Tôi về nhà khoảng 7 giờ tối. Cả nhà cùng ăn cơm tối, tôi nói chuyện và xem chuyện học hành của con đến khoảng 10 giờ. Thông thường, khoảng thời gian sau 10 giờ tối và sáng sớm là lúc tôi suy nghĩ, đọc về các đề tài nghiên cứu, viết bài báo, trả lời email,…
Là một người phải đảm nhiệm quá nhiều vai trò trong cuộc sống và gánh vác nhiều kỳ vọng xã hội, có bao giờ chị bị mệt mỏi và hết năng lượng không? Nếu có, cách nào giúp chị vượt qua những giai đoạn này?
Có chứ, trong cuộc sống, không ai tránh khỏi những lúc cảm thấy mệt mỏi và hết năng lượng về mặt tinh thần.
Cách tôi giải quyết là cố gắng không suy nghĩ về điều đó nữa, ngủ một giấc, tự động viên “Ngày mai sẽ là một ngày mới”. Đôi khi có những việc không đơn giản, tôi chia sẻ với người thân (gia đình hay đồng nghiệp) để có người lắng nghe và góp ý cho mình,
Chị luôn được nhắc đến trên truyền thông với hai cái tên đi kèm: mẹ và chồng, cũng đều là các chuyên gia đầu ngành trong cùng lĩnh vực. Sự ảnh hưởng của hai nhân vật này, với chị, là như thế nào?
Gia đình tôi khá đặc biệt, tôi không ở gần ba tôi từ khi rất nhỏ. Tôi lớn lên hầu như chỉ có mẹ. Khi tôi còn nhỏ, mẹ vừa là mẹ, vừa là ba của tôi. Mẹ tôi rất bận rộn, lo cho công việc của bệnh viện, điều trị bệnh nhân, giảng dạy sinh viên, tham gia công tác chính trị, xã hội, đoàn thể,…không có nhiều thời gian cho gia đình. Chị em chúng tôi (3 chị em gái) được mẹ huấn luyện từ nhỏ về tính tự lập, suy nghĩ mạnh mẽ, nghị lực và bản lĩnh vượt khó. Khi tôi vào trường Y, mẹ tôi là người thầy của tôi. Tôi chứng kiến những hy sinh của mẹ cho nghề nghiệp, thương yêu bệnh nhân, những lần quyết liệt cứu bệnh nhân nặng bằng mọi giá,… Tôi vẫn nhớ mẹ nói với tôi: “Phải cố gắng cứu sống người phụ nữ này vì không thể để cho những đứa trẻ mất mẹ, nhất là con gái lớn lên mà không có mẹ bên cạnh thì rất khổ. Mà muốn cứu được bệnh nhân, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân thì mình phải giỏi chuyên môn, đó là điều tiên quyết và mình phải có tấm lòng”. Hiện nay, mẹ tôi đã về hưu, mẹ giúp tôi chăm sóc, dạy dỗ con cái. Tôi nghĩ mình có nhiều đặc điểm về tính cách giống mẹ.
Tôi may mắn có chồng làm cùng lĩnh vực. Chồng tôi cùng suy nghĩ, chia sẻ và hỗ trợ cho định hướng phát triển của tôi. Ngoài ra, chồng tôi cũng không nề hà việc chăm sóc con cái khi tôi bận rộn.
Hiện nay, có những trường hợp điều trị khó khăn hay có những hướng phát triển, nghiên cứu, tôi thường chia sẻ với mẹ và chồng để lắng nghe những ý kiến và định hướng của họ. Tôi biết ơn gia đình tôi vì tôi hy sinh cho công việc bao nhiêu thì mẹ tôi, chồng tôi và các con tôi cũng hy sinh cho tôi bấy nhiêu.
Một mai khi chị qua đời, chị sẽ muốn người đời ghi dòng chữ gì trên mộ phần của mình?
Tôi chưa nghĩ đến chuyện qua đời đâu. Tôi còn nhiều việc, nhiều dự định, còn nhiều điều muốn tiếp tục học và hiểu. Tuy nhiên, sinh lão bệnh tử là quy luật của tự nhiên nên chắc chắn không ai tránh được.
Lúc đó, tôi muốn tôi chỉ là tôi, trút bỏ hết những suy tư, vai trò, trách nhiệm, kỳ vọng. Dòng chữ “Một phụ nữ tràn đầy tình yêu thương” có lẽ là phù hợp nhất.
Nếu không phải là PGS Ngọc Lan của ngành y học sinh sản, thì chị sẽ có thể là nhân vật như thế nào?
Là một bác sĩ, giảng viên về sản phụ khoa yêu nghề, yêu bệnh nhân, yêu học trò, không bỏ cuộc trước khó khăn và luôn học hỏi, nghiên cứu để tiến bộ.
Thời gian riêng tư, không liên quan đến công việc, gia đình, mà chỉ là của cá nhân chị, chị thích làm gì nhất?
Đọc truyện tiểu thuyết. Tôi thường “tự thưởng” cho mình thời gian đọc một quyển tiểu thuyết sau khi hoàn thành một chuyến công tác, thường đây là thời gian tôi ngồi trên máy bay trở về nhà sau một chuyến công tác.
Chị có tin vào phép màu không?
Tôi không tin vào phép màu bởi vì theo tôi, bất cứ hiện tượng, sự việc nào xảy ra cũng có nền tảng, cơ sở của nó. Ví dụ, không thể là một người giỏi nếu không học, không nghiên cứu. Không thể khỏi bệnh nếu không điều trị bệnh hay không có cơ chế phục hồi bệnh.
Chị có tin vào tâm linh không?
Điều gì xảy ra mà mình chưa hiểu rõ, chưa giải thích được thì thường tin vào tâm linh. Tôi cũng thỉnh thoảng như vậy.
Chị thường đọc sách, xem phim và nghe nhạc gì?
Về sách đọc giải trí, tôi thích quyển Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell. Tôi thích nhân vật nữ Scarlett O’Hara, một cô gái đầy nữ tính nhưng cũng đầy sức mạnh, tinh thần lạc quan, tìm mọi cách sống sót qua chiến tranh và vượt lên cuộc sống khó khăn thời hậu chiến. Lúc còn nhỏ, tôi đọc đi đọc lại, làm dấu những đoạn mình thích để khi muốn đọc, mở sách ngay đúng đoạn mình thích để đọc thôi.
Về phim, tôi thích phim Collateral beauty, đạo diễn người Mỹ, David Frankel. Phim có những chi tiết vừa thực, vừa ảo, xoay quanh những thứ mật thiết nhất của một con người, đó là, Tình yêu, Thời gian và Cái chết. Cái cách mà người đàn ông vượt qua biến cố đau thương của mình, tìm lại tình yêu cuộc sống thông qua ba người bạn “Tình yêu – Thời gian – Cái chết” rất đáng suy ngẫm.
Về bài hát, tùy theo thời gian mà tôi nghĩ đến hay thích bài hát nào nhất. Lúc này, tôi thích bài hát “Mẹ tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến. “Mẹ ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình”.
CHUẨN BỊ MỘT THẾ HỆ NHÀ KHOA HỌC KẾ THỪA
Nếu lập một bản đồ y học sinh sản thế giới, Việt Nam đang ở vị trí như thế nào so với các quốc gia khác ạ?
Tôi tự tin với những gì cộng đồng các chuyên gia IVF Việt Nam đã, đang và sẽ làm, Việt Nam ở vị trí khá cao, trong tốp đầu của khu vực và thuộc về tốp 50% trên của thế giới.
Thế hệ học trò của chị đang phát triển ra sao? Đã có ngôi sao nào mới lộ diện chưa?
Thế hệ học trò của tôi rất tiềm năng. So với tôi cùng thời gian, các bạn bây giờ giỏi hơn. Các bạn có nhiều điều kiện hơn, tiến xa hơn nhưng chắc chắn kỳ vọng đối với các bạn cũng nhiều hơn.
Tôi có đội ngũ kế thừa ở nhiều thế hệ, lứa quanh 40 tuổi, lứa quanh 30 tuổi. Các bạn có chuyên môn giỏi, hoàn toàn có thể thay thế tôi. Về nghiên cứu khoa học, có những bạn cũng đã có những công bố quốc tế trên các tạp chí y khoa có chỉ số tác động cao, có những báo cáo khoa học tại các diễn đàn khoa học quan trọng trong khu vực và thế giới. Có thể xem các bạn như là đồng nghiệp và đồng đội của tôi.
Tôi có cả một bầu trời ngôi sao. Tôi tránh dùng từ “ngôi sao” để chỉ riêng một cá nhân nào ở đây vì TTTON là công việc mà tập thể đóng vai trò quan trọng. Thụ tinh trong ống nghiệm có nhiều công đoạn và mỗi công đoạn đều quan trọng như nhau trong việc đưa đến thành công. Tôi ví quy trình TTTON như là một sợi dây xích, đứt ở một mắt xích nào thì cả sợi dây đều không thể sử dụng được. Nghiên cứu khoa học cũng vậy, không ai có thể làm nghiên cứu một mình. Các công trình và các giải thưởng là thành tích chung của một tập thể. Tôi cảm ơn các đồng nghiệp đã đồng hành với mình để làm tốt nhất công việc điều trị và nghiên cứu.
Chị hình dung 10 năm nữa, 20 năm nữa, ngành y học sinh sản của Việt Nam sẽ thế nào?
Có 2 kịch bản: (1) Nếu chúng ta tiếp tục làm tốt như hiện tại và phát huy hơn nữa, vừa điều trị tốt cho bệnh nhân, vừa nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế; thực hiện nhiều hơn nữa các nghiên cứu cơ bản; tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, chắc chắn ngành Y học sinh sản của Việt Nam sẽ là một trường phái mạnh trên thế giới, được giới khoa học quốc tế nể trọng; (2) Hiện nay, có một số đơn vị điều trị chỉ chú trọng thu hút bệnh nhân, chất lượng điều trị thấp, đôi khi không tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong ngành Y học sinh sản,… nếu theo chiều hướng này, chúng ta có thể bị đi xuống, đánh giá thấp trong giới khoa học quốc tế.
Tôi nghĩ “dựng lá cờ lên đã khó, giữ lá cờ bay càng khó hơn”. Ý thức được như vậy, các chuyên gia trong cộng đồng IVF Việt Nam rất quyết tâm để đưa ngành hỗ trợ sinh sản Việt Nam đi theo chiều hướng 1. Chúng tôi tổ chức nhiều buổi hội nghị, hội thảo, thông qua nhiều kênh để đưa các thông tin về các kỹ thuật điều trị đúng đắn, các nghiên cứu khoa học chất lượng đến cộng đồng, gồm cả giới khoa học, người dân và bệnh nhân.
Câu nói thường nói nhất của chị với các cộng sự / học trò là gì? Trong công việc và trong cuộc sống có khác nhau không?
Hành trình quan trọng hơn đích đến. Trong công việc và cuộc sống đều như nhau, những điều mình học được và làm cho mình giỏi hơn đều chính từ hành trình tìm tòi, nghiên cứu, hơn là thành tựu mình đạt được. Có những khi, hành trình rất nhiều gian nan, vất vả, lo âu nhưng cũng đi kèm với niềm vui và luôn để lại dấu ấn khó quên cho mỗi người.
Cảm ơn PGS TS Vương Thị Ngọc Lan rất nhiều.
Hướng nghiên cứu tiếp tục Hiện nay, PGS TS Vương Thị Ngọc Lan cùng cộng sự đang có 4 chùm đề tài nghiên cứu chính:
(1) Tiếp tục các vấn đề liên quan đến chuyển phôi: giá trị điểm cắt của progesterone giúp đưa ra quyết định chuyển phôi tươi hay đông lạnh; thực hiện nuôi cấy phôi 3 ngày hay 5 ngày, hiệu quả và chi phí - hiệu quả của các phương pháp này
(2) Kỹ thuật trưởng thành noãn non trong ống nghiệm: giúp giảm chi phí và giảm nguy cơ quá kích buồng trứng trong điều trị hỗ trợ sinh sản cho phụ nữ có hội chứng buồng trứng đa nang. Đề tài này nhận được tài trợ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED – National Foundation for Science and Technology Development)
(3) So sánh kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn
(4) Sự phát triển thể chất – tâm thần – vận động của các trẻ sinh ra từ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản |