Tại Jakarta hôm 28/6 vừa qua, Kompas – nhật báo lớn nhất Indonesia đã tổ chức trao Giải thưởng Học giả cống hiến cho hai nhà khoa học xuất sắc của nước này, đồng thời khơi lại một vấn đề bức thiết mà không chỉ Indonesia mà nhiều nước khác cùng trăn trở: “Làm thế nào để nhà khoa học đến gần hơn với xã hội?”

GS. Herawati Supolo Sudoyo tại lễ trao Giải thưởng Học giả cống hiến 2019 tại Jakarta hôm thứ sáu, 28/6. Ảnh: Kompas.
GS. Herawati Supolo Sudoyo tại lễ trao Giải thưởng Học giả cống hiến 2019 tại Jakarta hôm thứ sáu, 28/6. Ảnh: Kompas.

“Khoảng cách giữa các nhà khoa học và các nhà báo cần được thu hẹp để các kết quả nghiên cứu có thể được công chúng tiếp cận tự do và thấu hiểu. Do đó, các nhà khoa học không nên e ngại việc bước ra khỏi tháp ngà để công khai những nghiên cứu của mình cho công chúng, để đóng góp cho quốc gia và xã hội”. Đó là thông điệp của nhà nghiên cứu gene, GS.TS.

Herawati Supolo Sudoyo từ Viện Sinh học Phân tử Eijkman (Indonesia) tại lễ trao Giải thưởng Học giả cống hiến 2019. Bên cạnh Herawati, giải thưởng cũng được trao cho giảng viên khoa Chính trị học Đại học Airlangga, GS.TS. Ramlan Surbakti.

Herawati nói: “Hiện nay vẫn còn rất nhiều nhà nghiên cứu không nói chuyện với các phóng viên do e ngại việc hiểu sai thông tin khiến cho các kết quả nghiên cứu của họ bị hiểu lầm.”

Lối suy nghĩ này, theo bà, đã luôn tồn tại trong giới nghiên cứu từ rất nhiều năm. Trước kia, tình trạng này vẫn được chấp nhận bởi vì khoảng cách giữa truyền thông và giới nghiên cứu còn tương đối xa. Các nhà khoa học bận rộn với nghiên cứu và công bố kết quả bằng các thuật ngữ khoa học phức tạp vốn chỉ dành cho số lượng ít tiếp cận. Mục đích của việc công bố nghiên cứu là được xuất bản trên các tạp chí chuyên ngành.

Nhưng theo bà Herawati, nhà nghiên cứu giờ đây không thể đứng ngoài thế giới truyền thông đại chúng được nữa. Sự phát triển của truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội, khiến mọi người ngày càng dễ tiếp cận với những thông tin sai lệch, thậm chí là không thể kiểm chứng. “Đây chính là thời điểm để các nhà nghiên cứu công khai các công trình của mình. Xã hội có quyền được biết những đóng góp của các nhà khoa học với sự phát triển của khoa học Indonesia. Các phóng viên chính là cầu nối đế giúp diễn giải những nghiên cứu này bằng ngôn ngữ dễ tiếp cận với đại chúng,” bà nói.

Giải đáp những vấn đề xã hội quan tâm

Vấn đề mà GS. Herawati nêu lên là một vấn đề bức bối trong xã hội tại Indonesia hiện đại. Giới khoa học nước này đang phải gồng mình trước làn sóng dư luận trái chiều, đặc biệt từ mạng xã hội đang ngày càng có ảnh hưởng. Trong năm ngoái, việc phát hiện vaccine sởi-rubella (MR) mới có thành phần từ lợn đã khiến bùng nổ một phong trào tẩy chay tiêm vaccine phòng sởi trên toàn quốc (thực tế là gelatin chiết xuất từ bì lợn được dùng như chất bình ổn bảo vệ virus vaccine khi chúng được sấy đông). Bắt đầu với thông tin Hội đồng Giáo sĩ của quần đảo Riau yêu cầu chính phủ hoãn chiến dịch tiêm chủng do lo ngại vaccine mới chưa được chứng nhận là “halal” (hợp giáo pháp), phong trào phản đối tiêm chủng bùng nổ khiến tỷ lệ tiêm chủng giảm đột ngột ở các vùng nông thôn đảo Sumatra, Riau hay Kalimantan, bất chấp những lời kêu gọi tuyệt vọng của chính phủ và các nhà khoa học.

Nghiên cứu của GS. Herawati về bản đồ gene người Indonesia đánh vào quan niệm phổ biến về “người bản địa” trong xã hội Indonesia hiện đại. Nguồn: Wikipedia Commons.
Nghiên cứu của GS. Herawati về bản đồ gene người Indonesia đánh vào quan niệm phổ biến về “người bản địa” trong xã hội Indonesia hiện đại. Nguồn: Wikipedia Commons.

Khoa học cũng gắn với những vấn đề nhạy cảm với chính trị hay bản sắc dân tộc. Một trong số đó chính là quan điểm “khoa học” trước đây từng phân biệt giữa người “bản địa” (pribumi, ám chỉ các tộc người sống trên các đảo Indonesia từ trước thời kỳ thực dân) và người “không bản địa” (peranakan, ám chỉ các nhóm người di cư đến Indonesia, như người Ấn và người Hoa). Từ khi Indonesia giành độc lập, nhà nước và xã hội cổ động cho vị thế của người bản địa, trong khi người nhập cư bị cho là sản phẩm của chế độ thực dân Hà Lan áp bức thường bị phân biệt đối xử, bất chấp vai trò quan trọng của họ trong kinh tế xã hội Indonesia hiện đại. Từ sau khi Indonesia thực hiện quá trình dân chủ hóa (1998), vấn đề này đang dần được giải quyết nhưng lại bùng nổ gần đây vì sự nổi lên của một số nhóm Hồi giáo cực đoan chịu ảnh hưởng từ Trung Đông. Năm 2017, Thị trưởng Jakarta, Basuki Tjahaja Purnama (một người Thiên chúa giáo gốc Khách Gia) bị xử tù 2 năm vì tội phát ngôn “báng bổ” Hồi giáo – một tội danh đặt ra dưới sức ép của các nhóm chính trị Hồi giáo trong nước.

Bối cảnh đó khiến cho những nghiên cứu về gene của GS. Herawati trở nên được đặc biệt quan tâm. Trong 15 năm qua bà đã đứng đầu nhóm nghiên cứu Viện Eijkman để xây dựng bản đồ gene người Indonesia, với kế hoạch lấy mẫu gene di truyền của hơn 130 tộc người trên khắp quần đảo. Theo bà, những nghiên cứu của mình có giá trị bởi vì chúng cho phép ta hiểu về phân bố gene của các tộc người Indonesia: “Kết quả của nghiên cứu di truyền này đã giúp làm rõ các vấn đề liên quan đến “người bản địa” và “không bản địa” vốn vẫn thường bị chính trị hóa,” bà nói.

Các nghiên cứu của bà đã được công bố trên nhiều tạp chí khoa học danh tiếng, trong đó có Nature. Những bằng chứng di truyền học do bà và cộng sự phát hiện giúp tạo ra bằng chứng vững chắc chứng minh rằng Indonesia thực ra là một tập hợp của nhiều nhóm người di cư đa dạng xuyên suốt lịch sử, bao gồm cả người Ấn Độ, người Hoa, người A Rập và người Âu - do đó, những quan niệm về “người bản địa” là không có cơ sở khoa học.

Bà cho rằng nguồn cảm hứng cho những nghiên cứu của mình là trách nhiệm với quốc gia dân tộc. “Tài sản di truyền của hàng trăm tộc người trên quần đảo với nhiều ngôn ngữ đa dạng không thể bị loại trừ bởi chúng có giá trị quan trọng trong việc định hình bản sắc quốc gia,” bà nói. Những kết quả nghiên cứu thu được không chỉ có giá trị cho nghiên cứu khoa học, mà nên được tích cực truyền tải đến công chúng ở nhiều diễn đàn khác nhau, bao gồm cả các phương tiện truyền thông đại chúng.

Kiến tạo mối liên kết mới

Tất nhiên, không phải tất cả các nghiên cứu của các nhà khoa học Indonesia đều có giá trị như công trình của GS. Herawati. Mấy năm gần đây giới nghiên cứu đang vật lộn với tình trạng kém hiệu quả kéo dài. Vụ lùm xùm xoay quanh kế hoạch cải cách nội bộ ở Viện Khoa học Indonesia (LIPI) hay cơ chế bất hợp lý của hệ thống chấm điểm công bố quốc tế của Bộ Khoa học, Công nghệ và Đại học (Ristekdikti) là những chủ đề được nhắc đến nhiều trong năm qua.

Nhưng không phải vì thế mà có thể phủ nhận tầm quan trọng của mối liên kết truyền thông – nhà khoa học đối với nhận thức khoa học chung của xã hội. Như phát biểu của GS. Ramlan Surbakti tại lễ trao giải, giải thưởng không chỉ mang lại niềm tin cho các nhà nghiên cứu rằng họ được tôn trọng mà còn khuyến khích họ tiếp tục cung cấp kết quả nghiên cứu chất lượng cho công chúng.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch báo Kompas Rikard Bagun, những ý tưởng mới không thể chỉ được xây dựng bởi các phóng viên, mà còn từ phía các học giả. Trong bối cảnh hỗn loạn thông tin, đặc biệt là thời đại số đầy biến động hiện nay, nhất thiết cần phải có một tiếng nói điềm tĩnh và có định hướng. “Các học giả là những người nói được tiếng nói rõ ràng và có định hướng đó. Xã hội cần các nhà nghiên cứu chia sẻ kiến thức của mình cho họ”, ông nói. Giải thưởng Học giả cống hiến, do chính tờ báo này thành lập lần đầu năm 2008 là một cách để giới truyền thông thể hiện lòng biết ơn với các học giả trong nước.

Giới khoa học và cả giới truyền thông Indonesia đang nhìn ra một vai trò lớn hơn của nó với xã hội đương đại. Vấn đề khoảng cách nhận thức khoa học của đại chúng trong kỷ nguyên số là một thử thách cần phải vượt qua, do đó không nên lảng tránh hay làm ngơ trước những thử thách đó. Và đây cũng là là một bài học tốt cho khoa học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Những làn sóng di truyền Indonesia

Các nghiên cứu của Herawati và cộng sự đưa ra bằng chứng chứng minh lịch sử di dân của Indonesia bắt đầu từ 50.000 năm trước khi một nhóm Homo sapiens vượt qua thềm lục địa Sundaland để đặt chân đến nơi ngày nay là quần đảo Indonesia. Bằng chứng khảo cổ tại Sarawak, bắc đảo Kalimantan về di cốt người 34.000 đến 46.000 năm tuổi chứng mình quá trình thiên di này.

Đợt di cư thứ hai diễn ra cách nay 30.000 năm bắt đầu từ bán đảo Đông Dương hay Việt Nam, trong khi làn sóng thứ ba đến từ những người thuộc ngữ hệ Nam Đảo đến từ Đài Loan từ khoảng 5.000 đến 6.000 năm trước.

Cuối cùng là quá trình truyền bá của Ấn Độ giáo theo sau sự nổi lên của các đế chế lớn tại Ấn Độ trong thế kỷ 3-13 bổ sung một nhóm di truyền tìm thấy rải rác ở Bali, Java, Kalimantan, và Sumatra. Quá trình truyền bá Hồi giáo từ bán đảo ARập và di cư của người Hoa cũng đóng góp thêm vào bể gene người Indonesia, ví dụ như nhóm đơn bội (haplogroup) O-M7 đặc trưng từ dân cư đến từ Trung Quốc.
Nguồn: Coconuts Jakarta