Tập trung vào các công trình có chất lượng chuyên môn cao, được xuất bản trên các tạp chí uy tín, cô đọng số lượng giải thưởng theo hướng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” là một trong những nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng giải thưởng công trình Toán học xuất sắc năm 2023.

Trong buổi lễ trao giải diễn ra vào ngày 28/12/2023, Giải thưởng công trình Toán học xuất sắc năm 2023 đã được trao cho 35 công trình (thuộc 20 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam), trong đó có 5 công trình đạt giải Nhất, 12 công trình đạt giải Nhì và 18 công trình đạt giải Ba.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trao bằng khen, GS. Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng vòng chung khảo và PGS. Lê Minh Hà Giám đốc điều hành Viện NCCCT tặng hoa chúc mừng các tác giả/đồng tác giả của 5 công trình đạt giải Nhất công trình Toán học xuất sắc năm 2023
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trao bằng khen, GS. Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội đồng vòng chung khảo và PGS. Lê Minh Hà Giám đốc điều hành Viện NCCCT tặng hoa chúc mừng các tác giả/đồng tác giả của 5 công trình đạt giải Nhất công trình Toán học xuất sắc năm 2023. Nguồn: VIASM

So với các năm trước, số lượng công trình được trao giải lần này thấp hơn nhiều. Trước đây, giải thưởng được tổ chức hằng năm, số lượng công trình được trao giải tối đa mỗi năm 100 công trình. Đơn cử năm 2020 đã có 93 công trình được trao giải. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm nay, giải thưởng sẽ được tổ chức 3 năm 1 lần, số lượng giải thưởng ít hơn, tối đa 3 năm 60 công trình, và chỉ dành cho các công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín cao. Đi kèm là mức thưởng cao hơn và được chia thành giải Nhất, giải Nhì và giải Ba (trước đây không chia mức giải).

“Sự thay đổi này nhằm đáp ứng định hướng của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030. Trong giai đoạn trước đây (2010-2020), mục tiêu của chúng ta là thúc đẩy số lượng công bố khoa học, vậy nên mỗi năm có khoảng gần 100 công trình được trao giải. Nhưng sang giai đoạn mới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là tập trung vào những công trình có ảnh hưởng, có chất lượng cao và ý nghĩa lâu bền. Vì vậy, giải thưởng Toán học trong giai đoạn mới sẽ thay đổi, xét thưởng 3 năm 1 lần, số lượng công trình được trao giải cũng giảm bớt”, PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, thành viên Ban chỉ đạo giải thưởng, phát biểu trong buổi lễ.

Để tìm ra những công trình xuất sắc nhất trong số 161 hồ sơ đăng ký xét thưởng năm nay, hội đồng giải thưởng đã sử dụng nhiều “bộ lọc” trong suốt quá trình đánh giá (gồm hai vòng: sơ khảo và chung khảo). “Từ năm 2022, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đã tiến hành xây dựng các phần mềm để hỗ trợ quá trình xét chọn. Các hệ số đánh giá tạp chí như SCIE hay Q1, Q2 cũng là một trong những bộ lọc để hội đồng tham khảo. Điểm mấu chốt vẫn là giá trị về mặt khoa học, khả năng mở ra các hướng nghiên cứu mới và chất lượng của các công bố”, PGS.TS Lê Minh Hà nói.

Với quan điểm này, hội đồng sơ khảo và chung khảo – gồm các nhà Toán học đến từ nhiều cơ sở nghiên cứu trên khắp vùng miền đất nước, đứng đầu là GS. Hà Huy Khoái (vòng sơ khảo) và GS. Lê Tuấn Hoa (vòng chung khảo), “đã làm việc rất cực nhọc từ sáng đến tối, thảo luận rất nhiều để chọn ra các công trình xứng đáng nhất”, PGS.TS Lê Minh Hà cho biết. “Đây là công việc không đơn giản, bởi khi các công trình đã ở mức độ [chất lượng] cao nhất định thì rất khó so sánh chất lượng của công trình này với công trình kia”.

Sau quy trình đánh giá nghiêm ngặt, những công trình chất lượng nhất đã lộ diện. Có thể kể đến một số công trình đạt giải nhất như bài báo “Openness, Holder metric regularity and Holder continuity properties of semialgebraic set-valued maps” (Phạm Tiến Sơn, Trường ĐH Đà Lạt); “Equivariant motivic integration and proof of the integral identity conjecture for regular functions” (Lê Quý Thường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN)… Hoặc công trình “Harnack inequality and principal eigentheory for general infinity Laplacian operators with gradient in RN and applications” (Võ Hoàng Hưng, Trường ĐH Sài Gòn) đã được trao giải ba. Điều trùng hợp là cả ba tác giả trên đều từng được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu, trong đó có người từng đoạt giải năm 2020 là GS. Phạm Tiến Sơn với công trình liên quan đến nửa đại số (semialgebraic).

Có thể thấy, dù sớm hay muộn, những nỗ lực bền bỉ của các nhà nghiên cứu sẽ luôn được ghi nhận xứng đáng. Với những công trình không đạt giải, “các tác giả cũng không nên buồn, bởi trong số các hồ sơ đăng ký, còn rất nhiều công trình có giá trị đáng được trao thưởng”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhận xét. “Tuy nhiên, do quy chế giải thưởng nên chúng ta phải giới hạn số lượng. Rất mong các tác giả vẫn duy trì đam mê nghiên cứu, tiếp tục đóng góp nền Toán học nước nhà”.

“Việc nhận được giải thưởng là một hoạt động khích lệ tinh thần rất lớn đối với chúng tôi. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cũng như các thầy cô trong hội đồng giải thưởng, bởi việc đọc và nhận xét các công trình Toán học chuyên ngành thuộc nhiều hướng nghiên cứu khác nhau như vậy rõ ràng tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đây sẽ là một dấu ấn khó quên, giúp chúng tôi có thêm động lực trên hành trình nghiên cứu”, TS. Trần Minh Phương ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một trong những tác giả có công trình đạt giải Nhất, bày tỏ.

Giải thưởng công trình Toán học xuất sắc được triển khai từ năm 2012 trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 (Chương trình Toán), các công trình được xét thưởng phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là có ít nhất một đồng tác giả là giảng viên của một trường đại học trong nước.

Về giải thưởng năm nay, ba cơ sở giáo dục có số lượng công trình đạt giải cao nhất là Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN): 2 giải Nhất, 1 giải Nhì và 2 giải Ba; Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội: 2 giải Nhì và 2 giải Ba; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: 1 giải Nhất và 2 giải Ba.

Qua 9 kỳ xét thưởng, cho đến năm 2020, Chương trình Toán đã hỗ trợ hơn 23 tỷ đồng cho 736 công trình công bố quốc tế với mức thưởng mỗi năm từ 17,25 - 37,25 triệu đồng/công trình (mức thưởng mỗi năm được tính theo mức lương cơ bản của nhà nước).