Hầu như mọi loại thuốc đều bị làm giả
Năm 2012, loại thuốc chữa lao kém chất lượng đã giết chết 100 bệnh nhân tại Bệnh viên Lahore của Pakistan. Năm 2013, các quan chức Ấn Độ phát hiện, trong 5 năm, có tới 8.000 bệnh nhân của một bệnh viện hẻo lánh trên dãy Himalya đã chết vì thuốc kháng sinh chống viêm mà họ sử dụng sau phẫu thuật không có thành phần hoạt tính.
Tháng 5/2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về việc loại thuốc chữa viêm màng não đã hết hạn đang được bán tại Tây Phi, khiến nỗ lực khoanh vùng dịch bệnh này trở nên không mấy hiệu quả.
Trước đây, thuốc giả thường là loại “lifestyle” - dạng thuốc dùng cũng được, không dùng cũng không sao, như thuốc chữa bệnh hói, chữa nếp nhăn, mụn hoặc rối loạn cương dương. Nhưng ngày nay, hầu như mọi loại thuốc đều bị làm giả, từ vắcxin phòng bệnh, thuốc chống sốt xuất huyết, kháng sinh, thuốc điều trị HIV và thậm chí là thuốc chỉ bán theo đơn để chữa các bệnh nguy hiểm.
Những viên thuốc giả thường chứa ít hoặc thậm chí là không có thành phần hoạt tính. Trong nhiều trường hợp, bệnh viện và bệnh nhân còn được cung cấp những viên thuốc chứa độc, có thể gây nguy hại tới tính mạng.
“Những viên thuốc giả này chính là những kẻ giết người; nhưng người ta dễ bị truy tố vì sản xuất ra một chiếc ví Gucci giả hơn là làm một viên thuốc giả” - Jim Herrington - Giám đốc điều hành Gilings Global Gateway, Trường Y tế cộng đồng Gilings thuộc Đại học Bắc Carolina (Mỹ) - nói.
Các biện pháp đối phó
Năm 2013, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) lập Cục Phòng, chống tội phạm dược và thuốc giả. Họ gọi đây là một “tệ nạn toàn cầu”, “mối đe dọa cuộc sống của hàng triệu người mỗi ngày”. Năm 2011, cơ quan này thu giữ 2,4 triệu vỉ thuốc giả và không phép. Đến năm 2015, con số này đã lên tới 20,7 triệu vỉ.
“Nguyên nhân khiến số lượng thuốc giả ngày càng tăng là đầu tư ít, lãi lớn. Trong khi đó, số trường hợp áp dụng những hình phạt nặng nề như tử hình cho loại tội phạm này ít hơn rất nhiều so với tội phạm buôn ma túy và buôn người” - Paul Newton - giáo sư về y học nhiệt đới của Đại học Oxford (Anh) - cho hay.
Ngoài việc xâm nhập các đường dây cung cấp thuốc, thuốc giả còn được tiêu thụ rất nhiều trên mạng. Theo 2 luật sư Adam Smith-Anthony và James Whymark - Công ty luật đa quốc gia Baker&McKenzie, đó là lý do chúng ta cần xử lý vấn đề này trên cả thế giới thực và thế giới ảo. Với thế giới thực, điều cần làm đầu tiên là thực thi biện pháp hải quan: Thu giữ và tiêu hủy hàng giả ngay tại biên giới trước khi nó xâm nhập thị trường nội địa. Thường lực lượng chức năng sẽ dựa vào các công ty chính danh để biết các sản phẩm nghi ngờ đó có phải hàng giả hay không và để nắm bắt thông tin về thuốc giả.
Ngoài ra, vai trò của các lực lượng thực thi pháp luật - chẳng hạn như Cơ quan Điều phối thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) tại Anh - cũng được đánh giá cao. Cơ quan này được phép hành động khi phát hiện các loại thuốc nhập khẩu vi phạm bản quyền, thuốc không khai báo...
Với thế giới ảo - nơi chiếm hơn 50% số trường hợp thuốc giả, theo ước tính của WHO, nếu phát hiện có trang web bán thuốc giả, công ty dược cần gửi thư khuyến cáo. Trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất thuốc giả ở nước ngoài, cần cân nhắc khả năng tiến hành một cuộc điều tra cá nhân rồi đưa vụ việc ra pháp luật.
Ngoài những biện pháp trên, theo hai luật sư Adam Smith-Anthony và James Whymark, các công ty dược cần có chiến thuật nhiều bước để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và giải quyết tệ nạn thuốc giả như lập danh sách các bằng sáng chế, các văn bằng bảo hộ bổ sung cho sản phẩm, đăng ký thiết kế thuốc, viên, sản phẩm, thương hiệu đóng hộp...; gửi thông tin chi tiết về sản phẩm thật/giả tới cơ quan hải quan ở các thị trường tiêu thụ chính; có chương trình hợp tác giải quyết các sự vụ phát sinh với hải quan; phân tích và phản ứng trước thông tin tình báo về xu hướng thuốc và xử lý các khiếm khuyết trong chuỗi cung cấp của doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi những trang web bán hàng lậu...