Một số nội dung mới, quan trọng đang được Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xin ý kiến góp ý dự thảo dự Luật Trồng trọt, trong đó có khả năng công nhận giống tích hợp gene.

Theo đó, giống tích hợp gene sẽ được công nhận là giống cây trồng mới; tái kiểm định, công nhận giống cây trồng theo định kỳ và loại bỏ các giống thoái hóa, khả năng kháng sâu bệnh kém ra khỏi danh mục giống cây trồng…

Về vấn đề này, PV NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT).

13-07-23_1
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT)

Nhiễm sâu bệnh mức cao sẽ không được công nhận

Vụ mùa 2016, nhiều loại sâu bệnh hại đã bùng phát trên cây lúa. Nguyên nhân được xác định là do một số địa phương lơ là trong phòng chống dịch và tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, vấn đề công nhận giống cây trồng ở nước ta đang có vấn đề, một số giống nhiễm bệnh ở mức cao vẫn lọt vào danh mục giống cây trồng. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi cho rằng, lập luận trên không sai. Suốt nhiều năm qua, công tác khảo nghiệm, công nhận giống quá chú trọng đến các tính trạng quy định năng suất và chất lượng.

Ví dụ như Quyết định 95 hoặc các quan điểm cũ, một giống mới muốn được công nhận thì năng suất phải tăng 15% trở lên hoặc có chỉ tiêu chất lượng nổi bật. Nhưng chất lượng nổi bật cụ thể là cái gì, cái đó rất khó đánh giá. Mặt khác, yếu tố kháng sâu bệnh của giống lúa dường như bị xem nhẹ và được kết luận rất chung chung.

Trước đây, khi chúng ta đề cao tính kháng sâu bệnh của giống, Viện Bảo vệ Thực vật đã tập trung nghiên cứu theo hướng đó và cho ra đời các giống kháng bệnh ở mức cao (ví dụ như CR203 – chống chịu rầy nâu; C70,C71 chống chịu đạo ôn), nhưng nhiều năm qua, Viện này không “ra lò” các giống kháng bệnh mới nữa.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, quy luật phát sinh, phát triển của dịch bệnh ngày càng phức tạp và khó lường. Dịch hại hoành hành ở tất cả các vụ trong năm (cả xuân, mùa và hè thu), gây thiệt hại to lớn cho nông dân, doanh nghiệp.

Bởi vậy, chúng tôi đang nghiên cứu, lấy ý kiến để đưa đặc tính chống chịu sâu bệnh của giống trở thành yếu tố bắt buộc để được công nhận giống. Theo đó, một giống mới dù có chất lượng tốt, năng suất cao nhưng chống chịu sâu bệnh kém thì sẽ không được công nhận.

Thực tế, trong cùng một năm, có những giống lúa sinh trưởng tốt ở vụ này, nhưng lại nhiễm sâu bệnh hại ở vụ khác. Vậy làm thế nào để đánh giá được giống nào kháng bệnh tốt, giống nào kháng bệnh kém?

Vấn đề nhà báo nêu ra cũng là bài toán chúng tôi rất lưu tâm. Việc đầu tiên cần làm ngay (nếu Luật Trồng trọt được Quốc hội thông qua) là phải xây dựng được các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan, trong đó có tiêu chuẩn về mức độ chống chịu sâu bệnh của giống. Giống kháng sâu bệnh tốt ở vụ nào thì sẽ cho phép lưu hành, thương mại hóa ở vụ ấy.

Như vậy, có giống sẽ được sản xuất trong tất cả các vụ (xuân, mùa, hè thu), có giống chỉ được sản xuất trong 1 hoặc 2 vụ. Luật cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất giống phải công khai thông tin này trên bao bì sản phẩm khi lưu hành trên thị trường.

Tạo môi trường cạnh tranh cho hoạt động phát triển giống

Nhờ ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới (ví dụ như lai chuyển gene - backcross), một số giống lúa chống chịu sâu bệnh kém đã được phát triển, tăng khả năng kháng bệnh, đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, nó vẫn chưa được công nhận. Phải chăng, hành lang pháp lý đang “bóp nghẹt” công tác nghiên cứu, phát triển giống?

Sử dụng từ “bóp nghẹt” thì có phần hơi quá, nhưng ở một khía cạnh nào đó không hề oan. Có thể nhắc tới trường hợp của giống lúa Bắc thơm số 7 Kháng bạc lá (tác giả là Viện Nghiên cứu phát và triển cây trồng).

Sau khi được tích hợp thêm gene Xa21, giống Bắc thơm số 7 thường đã khắc phục được đáng kể điểm yếu cốt tử của giống là nhiễm nặng bạc lá. Nhưng, hành lang pháp lý của chúng ta chưa công nhận sự khác biệt về gen là tiêu chí để công nhận giống. Bởi vậy, nó vẫn chưa được thương mại hóa trên thị trường để sản xuất đại trà.

Đây là ví dụ điển hình cho thấy cơ chế chính sách không đuổi kịp thực tiễn, hi vọng dự thảo Luật Trồng trọt sẽ được bổ sung, sửa đổi nhằm giải quyết vấn đề này.

Việc bổ sung tính khác biệt về gene là tiêu chí để công nhận giống mới sẽ khuyến khích các nhà khoa học đầu tư theo hướng cải thiện, phát triển giống. Thậm chí, các giống có bản quyền cũng có thể được sử dụng làm vật liệu để tạo ra một giống mới thông qua các kỹ thuật tích hợp gene.

Nhưng tôi cũng lưu ý luôn rằng, không phải cứ thêm hoặc bớt 1 (hoặc một vài) gene mục đích nào đó vào hệ gene của giống nền thì giống đó sẽ được công nhận giống mới.

13-07-23_2
Ông Nguyễn Hồng Sơn (thứ hai từ trái sang) kiểm tra đồng ruộng tại Nam Định vụ mùa 2017

Tác giả giống phải chứng minh được gene đó không phải là gene “câm”, mà gene đó phải hoạt động, phát huy được tác dụng nào đó và biểu hiện ra kiểu hình. Ví dụ, khi tích hợp thêm gene mới, mức độ nhiễm bệnh của giống lúa mới giảm đi ít nhất một cấp so với giống nền trước đó; hàm lượng amino trong hạt gạo hoặc hương thơm thay đổi…

Doanh nghiệp phải tái đăng ký công nhận giống

Số lượng giống lúa được công nhận tăng vọt trong những năm qua. Nhưng hình như chưa có giống lúa nào bị loại khỏi danh mục. Cái xấu, lỗi thời tồn tại song hành với cái tân tiến. Điều này sẽ tạo ra những hệ lụy xấu?

Đúng vậy, đây là một “lỗ hổng” lớn trong Pháp lệnh Giống cây trồng và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Giống cây trồng là một sinh thể sống, nó có thể biến đổi nếu nhà tạo giống lơ là công tác duy trì, chọn dòng.

Ví dụ, nhiều giống lúa trước đây có hương thơm rất đặc biệt, nhưng ngày nay đã bị mất đi. Đặc biệt, trong điều kiện biến đổi khí hậu, sâu bệnh biến đổi quy luật phát sinh, phát triển và gia tăng độc tố, mức độ phá hoại.

Không ít giống lúa đã mất đi khả năng chống chịu sâu bệnh hoặc bị thoái hóa so với đặc tính ban đầu. Với những giống đại trà, nếu xảy ra dịch hại sẽ rất nguy hiểm.

Do đó, cần nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm quy định về tái đăng ký, công nhận giống (đối với các giống đã được công nhận) sau một thời gian sử dụng.

Cần nhận thức rõ rằng, tái đăng ký, công nhận giống ở đây không phải là tạo thêm một thủ tục hành chính, vì nó thiên về yêu cầu mang tính kỹ thuật nhiều hơn. Mà đây là công cụ kiểm soát giống, xem nó có giữ được các đặc tính tốt ban đầu hay không, có bị thoái hóa không, từ đó cơ quan nhà nước có cơ sở để định hướng sản xuất, đồng thời loại bỏ các giống không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Thời hạn công nhận một giống ngắn ngày có thể 5 năm, còn với giống dài ngày có thể từ 7 – 10 năm. Tất nhiên, quy định này sẽ không áp dụng cho mọi đối tượng cây trồng, mà phải phù hợp với trình độ khoa học kỹ thuật, cơ sở vật chất của hệ thống khảo kiểm nghiệm và kiểm định trong nước.

Riêng đối với giống lúa, thời gian đánh giá, xem xét tái công nhận giống sẽ thực hiện trong nhà lưới, chỉ trong một vụ là có kết quả. Việc sàng lọc để quản lý giống theo nguyên tắc “có vào thì sẽ có ra” giúp chúng ta củng cố, xây dựng được những bộ giống tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh.

Đây cũng là công cụ hữu hiệu cuối cùng để tăng cường công tác quản lý dịch hại.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!