3 nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage, Sir J Fraser Stoddart và Bernard L Feringa chia nhau giải thưởng Nobel Hóa học danh giá năm nay cho việc thiết kế và tổng hợp các loại máy siêu nhỏ cỡ phân tử.
Cụ thể, Hội đồng trao giải Nobel Viện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 5/10 đã quyết định trao giải Nobel Hóa học cho bộ ba nhà khoa học Pháp, Anh và Hà Lan là Jean-Pierre Sauvage của Đại học Strasbourg (Pháp), J. Fraser Stoddart của Đại học NorthWestern (Mỹ) và Bernard L. Feringa của Đại học Groningen (Hà Lan).
Bộ 3 nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage, Sir J Fraser Stoddart và Bernard L Feringa chia nhau giải thưởng Nobel Hóa học năm nay.
Nhóm 3 nhà khoa học này được vinh danh nhờ "thiết kế và tổng hợp các cỗ máy phân tử (hay còn gọi là cỗ máy nano)". Theo đó, họ đã thành công trong việc nối các phân tử lại với
nhau để thiết kế nên một chiếc máy nâng và các động cơ tí hon cùng với
các cơ bắp cực nhỏ, từ đó chứng minh được rằng, con người có thể tạo ra những cỗ máy nhỏ chỉ bằng 1/1.000 một sợi tóc.
Theo thông cáo của Ủy ban, cả ba đã “phát triển các phân tử với các di chuyển có thể điều khiển, và thực hiện được các chức năng khi được tiếp năng lượng”.
"Các nhà Nobel Hoá học 2016 đã thu nhỏ các loại máy và đưa hoá học tới các đỉnh cao mới. Họ đã làm chủ được việc kiểm soát chuyển động ở kích thước phân tử", thông cáo của Ủy ban Nobel nhấn mạnh.
Theo BBC, các cỗ máy siêu nhỏ cỡ phân tử có thể được đưa vào bên trong cơ thể con người để vận chuyển thuốc tới các tế bào bị bệnh
từ bên trong - chẳng hạn tiếp thuốc điều trị trực tiếp tới các tế bào ung
thư. Ngoài ra, nghiên cứu của bộ 3 nhà khoa học vừa đoạt giải Nobel Hóa học cũng có thể được ứng dụng trong lĩnh vực thiết kế vật liệu thông minh.
3 nhà khoa học được vinh danh nhờ thiết kế và tổng hợp các loại máy siêu nhỏ cỡ phân tử.
Nhà khoa học Jean-Pierre Sauvage sinh năm 1944 ở Paris, Pháp là một chuyên gia về hóa học siêu phân tử. Người hướng dẫn luận án tiến sĩ của ông là Giáo sư Jean-Marie Lehn cũng từng là chủ nhân giải Nobel Hóa học vào năm 1987. Jean-Pierre Sauvage hiện là giáo sư danh dự của ĐH Strasbourg (Pháp) và là Giám đốc nghiên cứu danh dự của Trung tâm quốc gia Nghiên cứu Khoa học (CNRS) của Pháp.
Còn Giáo sư Fraser Stoddart sinh năm 1942 ở Edinburgh, Vương quốc Anh, hiện thỉnh giảng tại ĐH Northwestern của Mỹ. Ông chủ yếu nghiên cứu trong lĩnh vực hóa học siêu phân tử và công nghệ nano.
Ông Bernard L. Feringa sinh năm 1951 ở Barger-Compascuum, Hà Lan, hiện là giáo sư ngành Hóa hữu cơ tại ĐH Groningen, Hà Lan. Ông là chuyên gia về hóa học hữu cơ tổng hợp, nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ nano phân tử và chất xúc tác thuần nhất.
Năm ngoái, bộ ba nhà khoa học Tomas Lindahl, Paul Modrich và Aziz Sancar nhận giải Nobel hóa học vì công trình vẽ bản đồ giải thích cơ chế tự chữa trị DNA của tế bào nhằm đảm bảo các thông tin di truyền.
Từ năm 1901 tới nay, Ủy ban trao giải Nobel đã 107 lần trao giải thưởng danh giá. Nó chỉ bị gián đoạn trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ 1 và thứ 2 nổ ra. Người trẻ nhất được trao giải Nobel hóa học là Frederic Joliot, 35 tuổi năm 1935 và người lớn tuổi nhất nhận giải thưởng danh giá là John B. Fenn, 85 tuổi năm 2002.
Bạch Dương (theo BBC, Independent)