Nhưng theo giáo sư Rübsamen-Schaeff, Viện Paul Ehrlich Institute ở Frankfurt, Đức, vẫn còn một con đường rất dài phía trước để đạt được điều đó, trừ khi tiêm chủng vaccine được cho 2/3 con số 7 tỉ dân và đồng thời có cả thuốc điều trị Covid hiệu quả.
Gần như hằng tuần đều có thông tin về tác động phụ của vaccine, điều này làm cho nhiều người không khỏi lo lắng. Thực chất tác động phụ có nhiều hơn so với dự liệu của bà?
Bất cứ một sự can thiệp nào đều có tác động phụ. Tuy nhiên tác động phụ mà chúng ta chứng kiến, theo tôi đánh giá là rất, rất ít. Do đó không có lý do gì để không tiếp tục tiến hành tiêm chủng.
Nước Anh, và gần đây là Đức đã bắt đầu thực hiện tiêm chủng hỗn hợp, tức là một người tiêm chủng với nhiều loại vaccine khác nhau. Nhưng hình như không có thử nghiệm trước?
Trước hết tôi muốn nói rằng, nên tuân thủ nghiên cứu đã được phê duyệt của nhà sản xuất. Nhưng nước Anh đã phải đối mặt với biến thể mới xuất hiện cuối năm ngoái và chịu một áp lực rất lớn, có ngày lên đến 100.000 ca lây nhiễm mới. Người ta biết rằng, lần tiêm chủng đầu tiên tạo ra được sự miễn dịch từng phần, vì thế người ta cố gắng tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt và không giữ lại vaccine làm gì. Đương nhiên khi đó nảy ra câu hỏi: một khi chỉ đạt miễn dịch từng phần, vậy tôi có bị tái lây nhiễm không và liệu con virus có khả năng tạo biến thể mới?
Tuy nhiên, cho đến nay, dường như không có biến thể mới nào phát sinh ở Vương quốc Anh có đặc điểm mới. Câu hỏi còn lại: việc trộn vaccine thì sao? Tôi biết có một nghiên cứu đang được thực hiện và cho thấy hỗn hợp này có tác dụng. Phải nói một điều rằng: Thành công này chứng tỏ người Anh đã đúng.
Hiện nay ở nước Đức nhiều người có cảm giác giai đoạn cuối cùng của đại dịch đã đến?
Cần có cái nhìn toàn diện khi trả lời câu hỏi này: Trong mùa hè cuối cùng mỗi ngày chúng ta có vài trăm người bị lây nhiễm. Hiện nay vẫn còn trên 10.000. Tôi nghĩ, nhiệt độ ấm dần lên, rồi qua tiêm chủng và cả các biện pháp khác nữa đều góp phần làm cho hoạt động của virus corona đến mùa hè này giảm xuống. Có một số bài báo có cơ sở khoa học cho thấy virus Sars-Cov-2 khá nhạy cảm khi nhiệt độ tăng lên.
Nhưng giả sử chúng ta đạt được mức như ở Anh, nghĩa là khoảng 2.000 ca lây nhiễm mỗi ngày, và chúng ta có thể duy trì được mức độ này: sau đó mọi người cũng muốn được đi đây đi đó và khi từ các khu du lịch trở về mang theo virus và các biến thể của virus. Vậy thì thử hỏi bao giờ thế giới này mới chấm dứt dịch corona? Có lẽ điều đó chỉ có thể có được khi mà phần lớn dân số thế giới đã được tiêm chủng. Và chúng ta còn rất, rất lâu mới đạt được điều đó. Tôi nghĩ rằng, tình hình sẽ khả dĩ khi thế giới đạt được tỷ lệ tiêm chủng là 60%, tuy nhiên ngay cả đến lúc đó chúng ta vẫn phải hết sức cảnh giác.
Theo bà, trước đại dịch này, sự quan tâm to lớn đối với các vấn đề về khoa học sẽ thay đổi thế giới khoa học như thế nào?
Một khi nhà khoa học đã toàn tâm, toàn ý với công tác nghiên cứu thì nhà khoa học đó không cần được ai thúc giục, động viên cả. Ít ra với tôi là như vậy. Nhưng sự quan tâm vô cùng to lớn của giới truyền thông đến vấn đề này làm cho dư luận nhận thấy rằng thế giới này giờ đây đã kết nối với nhau thành một mạng lưới chằng chịt đến mức đại dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đồng thời chúng ta cũng thấy chỉ có thông qua khoa học mới giải quyết được vấn đề này. Trước đây mấy ai quan tâm tới các nhà siêu vi trùng học. Giờ đây tôi có thể tưởng tượng, có những bạn trẻ ngày nay tự nhủ : trước khi quyết định chọn một ngành khoa học nào đó ta chọn thử ngành siêu vi trùng học xem sao.